Dân tộc Dao Văn Chấn:
Theo phong tục của người Dao Văn Chấn, trong 3 ngày tết không bao giờ cho ai thứ gì ngoài mừng tuổi trẻ con và mời ăn uống tại nhà. Ba ngày tết phải kiêng không được mở rương hòm, vì như vậy, mới giữ lại được những thứ mình làm ra.
Trong những ngày đầu năm mới, người Dao cũng đặc biệt coi trọng việc chọn giờ và hướng xuất hành đầu năm.
Từ chiều 30 tết, sau khi chọn được giờ và hướng xuất hành hợp với gia chủ, họ sẽ chuẩn bị một bó hoa tươi, thường là hoa đào hoặc hoa mơ, hoa mận đem đặt sẵn trên đường theo hướng sẽ xuất hành vào sáng hôm sau.
Sáng mùng 1 tết, các thành viên trong gia đình đều phải đem theo một tờ tiền vàng để đốt ngay khi ra khỏi nhà với quan niệm đốt đi tất cả rủi ro, không may mắn và trên đường về, chủ nhà sẽ nhặt bó hoa đã chuẩn bị hôm trước đồng thời nhặt thêm vài viên đá nhỏ với ý niệm tượng trưng cho của cải, tiền bạc, hoa tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở sẽ theo về trong năm mới.
Ngoài ra, trong tháng Giêng người Dao đặc biệt kiêng kỵ ngày con hổ, ngày sấm sét, ngày gió với quan niệm, đây những ngày không tốt nên tránh việc đi nương, rẫy nếu không sẽ gặp phải những điều dữ ảnh hưởng đến bản thân, gia đình…
Dân tộc Cao Lan:
Một điệu múa truyền thống trong lễ hội cầu an đầu năm mới của người Cao Lan.
Tết của đồng bào dân tộc Cao Lan thường được bắt đầu từ ngày 27 tháng Chạp cho đến hết Rằm tháng Giêng nên luôn được chuẩn bị chu đáo.
Đặc biệt, đồng bào thường làm nhiều loại bánh như: bánh chim gâu, bánh gai, bánh rán, bánh chè, bánh chưng… một phần dâng cúng lên tổ tiên, một phần để đãi khách quý đến chơi nhà.
Từ ngày 28 tết trở đi, mỗi gia đình Cao Lan đều chuẩn bị nhiều miếng giấy đỏ để dán khắp nhà và đồ vật.
Theo quan niệm của đồng bào Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho sự may mắn, sung túc và còn mang ý nghĩa tâm linh "xua đuổi” tà ma. Vì thế, ngày tết đồng bào dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng trong nhà và các đồ vật như sự gửi gắm niềm tin vào năm mới khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, no ấm, hạnh phúc.
Dân tộc Thái Nghĩa Lộ:
Tó mác lẹ - trò chơi dân gian trong ngày đầu xuân của đồng bào Thái Nghĩa Lộ.
Sau lễ cúng đêm giao thừa, người Thái Nghĩa Lộ thường nổi cồng, chiêng rộn vang khắp bản đón chào năm mới.
Sáng mùng 1 tết, đồng bào lại chuẩn bị những mâm cỗ tươm tất để cúng tổ tiên cả nhà chồng và nhà vợ.
Trong ngày đầu năm mới, người Thái kiêng kỵ vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà.
Trước đó, chiều 30 tết, người Thái rất coi trọng tục gội đầu với quan niệm rửa trôi những vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ theo dòng nước, đồng thời, mong cầu sức khỏe, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn thuận lợi.
Vào tối 29 hoặc 30 tết, người Thái thường có tục gọi hồn. Khi đó, mỗi gia đình làm thịt hai con gà, một con cúng tổ tiên, một con gọi hồn cho những người trong nhà. Thầy cúng sẽ lấy áo của từng thành viên trong nhà bó chặt một đầu với nhau rồi vắt lên vai và cầm một cây củi đang cháy mang ra đầu làng và gọi hồn.
Sau khoảng 2 - 3 lượt, thầy cúng về chân cầu thang của gia chủ gọi thêm một lần nữa. Cuối cùng, thầy cúng sẽ buộc một sợi chỉ đen vào tay từng thành viên trong gia đình đó để trừ tà ma. Bởi thế mà ngày nay chúng ta vẫn thường thấy những vòng chỉ buộc trên tay người Thái.
Dân tộc Khơ Mú:
Trò chơi nhảy cây chữ thập của đồng bào Khơ Mú trong hội xuân.
Từ xa xưa truyền lại, người Khơ Mú cho rằng trong đêm giao thừa, chú ý nghe xem con vật gì sẽ kêu trước để đoán biết thiên mệnh của bản làng trong năm mới.
Nếu chưa đến giao thừa mà gà gáy sớm thì năm đó sẽ mất mùa; nếu lợn, chó kêu trước sẽ được mùa, no ấm; mèo kêu sẽ có nhiều chuột phá cây trồng; kỵ nhất là tiếng quạ, tiếng diều hâu, tiếng sấm sét là điềm báo thiên tai, dịch bệnh.
Cứ sáng mùng 1 tết, các gia đình người Khơ Mú lại cử một người dậy sớm đi lấy nước sạch ở đầu nguồn về cho cả nhà uống với niềm tin mang lại may mắn và sức khỏe; đồng thời, người đi lấy nước khi đi qua suối sẽ nhặt ngẫu nhiên một viên đá nhỏ mang về để xem màu viên đá và dự đoán tiền tài của gia đình mình trong năm mới cũng như gửi gắm, hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến.
Dân tộc Tày Lục Yên:
Chuẩn bị đồ lễ trong năm mới của người Tày Lục Yên.
Từ những ngày giáp tết, người Tày ở Lục Yên đã chuẩn bị chu đáo cho việc làm lễ tạ mộ. Các gia đình trong họ cử con trai mang cuốc, xẻng dọn dẹp phát quang, đắp thêm đất vào mộ như một sự thể hiện tình cảm với người đã khuất.
Chiều 30 tết, các gia đình người Tày ở Lục Yên đều làm mâm cơm cúng thổ công, các vị thần linh và tổ tiên về vui tết với gia đình, chào đón năm mới và ban phúc lành cho các thành viên trong gia đình.
Sang ngày mùng 1 tết, từ 3 giờ sáng người Tày Lục Yên có phong tục lấy nước mới đầu nguồn với quan niệm khởi thủy năm mới tài lộc sẽ vào như nước, mọi việc trôi chảy...
Từ mùng 2, bà con đi chúc tết nhau, các chàng rể dẫn vợ con về thăm nhà ngoại, mang theo đồ lễ bánh trái và không thể thiếu gà trống thiến bày tỏ lòng thành trước công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ với vợ con mình.
Nhóm PV