Văn Chấn là địa bàn cư trú của đông đồng bào các dân tộc thiểu số. Hơn một nửa dân số của huyện là người Thái, người Tày, người Mường, người Dao, người Mông... nên bà con có nhiều lễ hội diễn ra vào mùa xuân.
Người Tày, người Thái có lễ hội lồng tồng (lễ hội xuống đồng); người Thái có xên bản, xên mường; người Khơ Mú có lễ hội cầu mùa; đồng bào Mông là lễ hội gầu tào.
Lễ hội lồng tồng Tú Lệ là một trong lễ hội độc đáo với sự tham gia của đông đảo người dân và nhiều du khách. Sự hấp dẫn ở Tú Lệ chính là những nghi lễ khá cầu kỳ và nhiều sinh hoạt văn hóa, trò chơi dân gian phong phú.
Cuối năm ngoái, Đảng ủy xã Tú Lệ đã có kế hoạch tổ chức lễ hội xuống đồng xuân Tân Sửu và tổ chức giải bóng đá truyền thống của xã năm 2021. Kế hoạch tổ chức lễ hội được triển khai xuống các thôn, bà con phấn khởi vì mong đợi từ lâu. Giải bóng đá nam dự kiến bắt đầu từ mồng 2 tết với 9 đội bóng của 9 thôn trong xã tham gia.
Bà Bùi Thị Doan - Bí thư Đảng ủy xã Tú Lệ trao đổi: "Tuy rất mong chờ và hào hứng nhưng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp và thực hiện chỉ đạo của tỉnh, của huyện, chúng tôi buộc phải động viên đồng bào; đồng thời, yêu cầu các thôn nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống dịch”.
Cùng huyện Văn Chấn, ở xã Đại Lịch, đình Bằng Là trở thành nơi đồng bào xã và các địa phương lân cận bày tỏ lòng biết ơn với bậc tiền nhân khai sơn phá thạch, tạo dựng bản làng. Đình thường tổ chức lễ hội 2 lần trong năm, dịp đầu vào ngày 5 và 6 tháng Giêng hàng năm. Năm nay, lễ hội diễn ra trầm lắng hơn bởi đã cắt toàn bộ phần hội, phần lễ thu gọn quy mô.
Chủ tịch UBND xã Đại Lịch Phạm Tuấn Anh cho hay: "Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng chống dịch Covid-19, UBND xã chỉ đạo Ban Quản lý đình Bằng Là tổ chức theo nghi lễ ngắn gọn, hạn chế tối đa những người có mặt trong lễ tế. Đình phải phân công người trực nhắc nhở người dân chiêm bái phải đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn”.
Được biết, xã có 7 thôn thì mỗi thôn có đội văn nghệ và nhiều đội bóng chuyền hơi nhưng tất cả đều được nhắc nhở hạn chế việc tổ chức giao lưu, thi đấu trong dịp này; các hoạt động đi về của người dân trong xã cũng được rà soát theo yêu cầu.
Chị Hà Thị Thu Bồn là thành viên đội xòe của thôn Bằng Là 1 có đôi chút tiếc nuối khi không được tham gia xòe hội xuân: "Chị em chuẩn bị kỹ lắm, chỉ mong thôn và xã tổ chức hội để trình diễn, nhưng dịch thế này đành vui vẻ gác lại thôi!”.
Không khí mấy ngày tết cho thấy, các địa phương trong tỉnh đều hạn chế hẳn vui chơi, người dân giảm đi chúc tết, lễ hội không diễn ra.
Ngay như ở xã An Phú - một xã khó khăn của huyện Lục Yên, hàng năm, cứ từ mồng 2 tết đến hết ngày mông 5 tết, xã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi. Lớp trẻ thi đấu bóng chuyền da giữa các thôn, bản; người cao tuổi xã tổ chức giải bóng chuyền hơi; một số trò dân gian như: đánh quay, đẩy gậy, kéo co… diễn ra tạo không khí vui vẻ, phấn khởi trong nhân dân. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến không khí lễ hội ở xã vùng cao này.
Trong câu chuyện với phóng viên về tình hình địa phương những ngày cuối năm Canh Tý, đồng chí Lộc Văn Ngọc - Bí thư Đảng ủy xã An Phú thông tin: "Các tết trước, xã An Phú tổ chức giải bóng chuyền thì có hàng chục đội thi đấu, thu hút cả một số đội bóng mạnh của các xã lân cận của tỉnh Hà Giang sang. Tết này nghỉ hết, chúng tôi xin ý kiến mọi người đều thống nhất. Các cụ còn bảo để hết dịch thi đấu cũng chưa muộn!”.
Hay như theo kế hoạch, ở huyện Yên Bình sẽ diễn ra 5 lễ hội truyền thống, trong đó có lễ hội xuống đồng tổ chức ở cụm đường 70 và cụm Đông Hồ. Cùng đó là lễ hội các đình Ba Chãng (Phúc An), đình Khả Lĩnh (Đại Minh), đình Phúc Hòa (Hán Đà) và lễ hội đền Thác Bà.
"Từ cuối năm, Ban Chỉ đạo các ngày lễ lớn của huyện đã có công văn thông báo cắt giảm tất cả các lễ hội. Cụ thể, chúng tôi yêu cầu không tổ chức lễ hội xuống đồng; ở các đền bỏ phần rước, thu gọn nghi lễ cúng tế; cắt phần hội; đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch” - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Bình Vũ Tuấn Mạnh cho biết.
Từ cuối năm 2020 đến nay, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và quản lý các lễ hội mùa xuân được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm. Sau Công văn số 3770/UBND-VX đầu tháng 12/2020, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương trong tỉnh về công tác quản lý lễ hội và phòng chống Covid-19.
Đặc biệt, ngày 5/2/2021, UBND tỉnh có Công văn hỏa tốc số 362/UBND-VX yêu cầu dừng toàn bộ kế hoạch bắn pháo hoa, không hoạt động văn hóa, văn nghệ chào xuân Tân Sửu tại trung tâm tỉnh và các huyện, thị xã.
Mới đây nhất, ngày mồng 4 tết (15/2), Ban Tổ chức Hội thi thể thao mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước quê hương đổi mới đã có thông báo chính thức dừng không tổ chức Hội thi dự kiến diễn ra ngày 18/2.
Cùng với sự vào cuộc nghiêm túc của các cấp ngành, địa phương thì đồng thuận của người dân trong khép lại các lễ hội mùa xuân sẽ góp phần để công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 mang lại kết quả, giữ an toàn cho người dân Yên Bái trong thời gian tới.
Minh Quang