Sau trận gió bấc, rét đậm, một sớm mai thức dậy, mở cánh cửa bỗng thấy trời trong hơn, sáng hơn, cao rộng hơn. Cây thiết mộc lan, cây lộc vừng trước hiên nhà lá cũng xanh hơn, mượt mà hơn. Cả không gian như tỏa ra mùi hương ngan ngát, bảng lảng, khác hẳn với ngày hôm qua.
Hít một hơi thật sâu căng đầy lồng ngực thấy khoan khoái, dễ chịu. Ngửa mặt lên trời, bỗng thấy man mát. Mưa bụi! Mưa bụi rồi. Những bụi mưa bay xiên xiên, nhè nhẹ như khói tỏa trong không trung, trông xa như sợi chỉ mỏng manh đang dệt lên tấm thảm lụa bạch choàng lên cây cối, nhà cửa, phố phường. Mùa xuân! Mùa xuân gõ cửa rồi!
Mùa xuân trước, tôi chọn hướng Lục Yên. Lượt đi, vào Thác Bà, rồi theo đường Đông Hồ mà ngược. Qua Đại Minh, Hán Đà đã thấy những dược mạ chiêm xuân lên xanh rung rinh trong gió sớm. Đường làng ngõ xóm phong quang. Hàng xoan bên đường, cành nào cành nấy đã lốm đốm những mắt chồi. Chào mào ở đâu mà về lắm thế, lích chích chuyền cành, vô tư rỉa cánh. Ven đường, bầy gà đang tranh nhau bới đám cỏ gà tìm mồi. Đàn vịt bầu thì lạch bạch theo nhau ùa xuống những đám ruộng trắng nước vục, lội, nghển cổ quẫy cánh quàng quạc gọi nhau.
Qua Vũ Linh, Phúc An, Xuân Lai, một bên là hồ, một bên là rừng đồi. Cả hai đều trải rộng một màu xanh ngút ngàn. Không thể không dừng lại chụp mấy kiểu ảnh những chiếc thuyền chở đầy rọ tôm đang cập bến. Trưa đến Xuân Lai, rẽ vào anh bạn văn Hoàng Tương Lai, xem cơ ngơi du lịch homestay của anh mới khai trương. Ông bạn nhiệt tình còn làm một bài cọi cho bữa rượu thêm chất văn hóa Tày.
Chiều qua Xuân Long là đến đất Lục Yên. Dọc đường tự nhiên nảy ra ý thơ: Gặp Minh Tiến cam trữu cành lúc lửu/Gió mơn man chùm quả ngọt mời chào/ Gặp Vĩnh Lạc, Liễu Đô vào mùa cấy/Đồng nối đồng dài mãi tiếng cười vui... Vừa vặn một ngày lên đến thị trấn Yên Thế. Nghỉ lại nhà anh bạn thân. Đêm Lục Yên yên ả mà sao khó ngủ. Chợt nhớ từng nói vui với bạn: "Mai kia đời có bể dâu/ Thì ta cứ Lục Yên châu ta về". Vậy mà cũng đã mấy chục năm rồi...
Sáng dậy, anh bạn dẫn đi ăn phở gà. Phở gà ở đâu chả có nhưng phở gà Lục Yên mới là gà Lục Yên chính hiệu. Miếng thịt gà xé phay, ngấm nước phở, ăn vừa ngọt vừa giòn vừa ngậy. Qua chợ, quýt, cam bộn bề, măng, khoai ngồn ngộn. Chẳng mua gì mà cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. Định bụng, trưa sẽ ăn cơm ở nhà ông anh kết nghĩa Lý Thông Dung trong Lâm Thượng. Vậy mà vừa đến Mai Sơn thấy mấy cô gái Tày đang làm ngỡn cấy dưới ruộng vừa nâng máy ảnh lên chụp thì vấp vào câu khắp: "Ơi anh ở khác bản lại thăm /Ơi anh từ khác mường mới đến / Lời hay em không cho rơi giát/ Lời ngọt em không để rơi bùn..."... Thật tiếc là không biết khắp, đành vẫy tay chào rồi cứ đứng ngẩn mà nhìn chùm xà tích bên hông em rung reng theo nhịp bước. Càng nhìn càng thấy tim mình bồi hồi. Mê mải với Mai Sơn đến tận chiều mới vào đến Lâm Thượng. Bữa cơm tối ăn bên bếp lửa nhà sàn mới đầm ấm làm sao. Nói, cười, mời, chào vui như cỗ tết. Đón chén rượu từ tay em gái Tày Lâm Thượng mà như thấy cả mùa xuân sóng sánh trên tay. Khiến người lữ khách phương xa có cố nén sự bổi hổi bồi hồi.
Trở về, đi theo đường 7 cho trọn vẹn một cung mùa xuân đất Lục. Qua Tân Lĩnh, không quên rẽ vào Khai Trung thăm bình nguyên xanh. Lên đến nơi mới thấy phải gọi là bình nguyên hoa mới đúng. Cứ ngỡ như đang ở thành phố ngàn hoa Đà Lạt mộng mơ. Nhiều đôi nam nữ đang chụp ảnh cưới. Nét mặt đôi nào rạng ngời hạnh phúc. Thấy mấy em gái Dao Khai Trung đi tới, vội nhờ vào vườn hoa làm mẫu ảnh. Chụp tới, chụp lui vẫn chưa hết chán. Gần trưa, dằn lòng mà đi thôi. Còn bao nhiêu nơi nữa muốn ghé qua: Động Quan, Trúc Lâu, Hồng Quang, Trung Tâm, Phúc Lợi. Rồi Tân Nguyên, Bảo Ái, Cảm Ân...
Về Yên Bái nghỉ 2 ngày, lại ngược sông Hồng lên với vùng quế Văn Yên, được gọi bằng cái tên thân thương: Miền đất nhớ. Qua thành phố đã thấy suốt một triền sông từ Tuy Lộc, Nga Quán, Cổ Phúc, Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp... Bãi sông nào cũng rau, dâu, ngô, khoai biêng biếc trải dài.
Nhìn mà mát lòng, mát dạ. Lên Đông Cuông, vào "Đông Quang linh từ”, còn gọi là "Đền Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn” nơi thờ chính Mẫu Thượng Ngàn - Mẫu thứ hai trong Tam Tòa Thánh Mẫu, nổi tiếng linh thiêng. Xin Mẫu độ trì cho sức khỏe, an lành, việc chung, riêng đều được hanh thông. Rồi sang sông, vào Xuân Ái, Viễn Sơn, Đại Sơn thăm vùng đất quế. Đã hết từ lâu cái thời của câu ca dao: "Em như cây quế giữa rừng/ Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay"... Giờ nhờ quế mà Văn Yên nổi tiếng cả nước. Nhờ quế mà bản Dao nào cũng trù phú, cô gái Dao nào cũng xinh đẹp, tươi tắn, tự tin hơn.
Năm nay, tôi đi miền Tây, làm một chuyến qua Văn Chấn, Nghĩa Lộ, lên Mù Cang Chải. Lúc về, rẽ vào Trạm Tấu cho trọn vẹn một cung miền Tây Yên Bái. Đến Văn Chấn, đầu tiên là ngược đèo lên Suối Giàng, ngắm rừng chè cổ thụ Shan tuyết trong sương mờ bảng lảng. Vừa đến đầu bản đã gặp Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng Giàng A Đằng. Anh đon đả mời vào nhà thưởng thức trà "5 cực" Đằng Trà cho ấm bụng.
Chiều xuống núi, chạy thẳng vào homestay của Lò Thị Chung, bản Chao Hạ, ngay đầu thị xã Nghĩa Lộ, ngủ nhà nghỉ cộng đồng. Đêm nghe tiếng Suối Thia rì rầm, cùng tiếng chim Khum da diết "Ba..n...ơ..ô..ơ! Ba..n...ơ..ô..ơ! " mà nhớ về bao huyền thoại của người Thái. Sao ở xứ này, sự tích nào cũng gắn với những câu chuyện tình yêu. Yêu nhau đến mức xả thân vì nhau rồi hóa thân vào thiên nhiên bất tử.
Sáng sau, vội đến mấy cũng phải lên di tích Căng- Đồn, thắp nén hương ở Nhà bia ghi danh 403 liệt sĩ và ngôi mộ chung của 9 liệt sĩ tù chính trị đã hy sinh anh dũng trong cuộc bạo động phá Căng. Trong đó, có liệt sĩ Đinh Văn Nhu - tác giả khúc tráng ca cách mạng "Cùng nhau đi Hồng binh". Nhìn ngôi mộ chung được xây như bông hoa ban 9 cánh, thương lắm nhưng cũng thấy yên lòng, bởi các anh sẽ sống mãi trong lòng người Nghĩa Lộ.
Chiều vào bản Cang Nà thăm Nghệ nhân dân gian ưu tú - Nhà Thái học số một của xứ Mường: Lò Văn Biến. Uống với cụ chén rượu, nghe cụ thổi một điệu khèn bè mùa xuân gọi bạn mà đã thấy xốn xang lòng dạ. Cụ hẹn khi về phải ngủ nhà cụ để làm một đêm xòe với các cô gái Thái bản Cang Nà, bản Sà Rèn. Có thế mới là vào Nghĩa Lộ. Quả thật, nhìn các em gái Thái với trang phục áo cỏm, khăn piêu mà thấy cái duyên Nghĩa Lộ, một thứ duyên thầm, chẳng ai trói buộc mà không tài nào gỡ nổi.
Sáng sau, lên Mù Cang Chải, đến đỉnh đèo Khau Phạ đã gần trưa mà nhà nghỉ dù lượn Khau Phạ vẫn còn chìm trong biển mây. Gọi đây là ngôi nhà trong mây và bà chủ Định Thị Duyên là người đàn bà trong mây quả là không ngoa. Vào nhà, thấy trên vách gỗ có treo bài thơ của thi sĩ nào đề tặng: "Cheo leo đỉnh Sừng Trời/ Bốn bề mây buông rủ/ Như một cõi thánh thiện/ Như một chốn thần tiên/ Bao nhiêu người qua đây/ Bấy nhiêu người thương nhớ/ Nơi đèo cao lộng gió/ Và ngôi nhà trong mây/ Từ trong mây bước ra / Áo cỏm hàng khuy bạc/ Cùng nụ cười nắng tỏa/ Ấm mãi người đi xa”. Duyên mời ở lại ăn bữa cơm trưa nhưng thật lòng xin khất. Phải sang bên kia đèo đợi nắng để chụp vài kiểu ảnh. Mùa này, hoa cải chắc đã trải vàng trên các triền ruộng bậc thang La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha... Còn tớ dày chắc cũng nở thắm trên các sườn núi. Các cô gái Mông, lù cở trĩu vai, vừa đi vừa ngân nga câu dân ca mỗi độ xuân về: "Con chim dì li vẫy đuôi kêu rối rít gọi xuân về/ Nó bay chập chờn trên đỉnh núi/ Mình chẳng có lòng thì thôi/ Có lòng mình đi với ta thêm một quãng lối”.
Hò hẹn mãi, lần này mới lên được Chế Tạo. Anh bạn kiểm lâm Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo vừa chỉ tay lên những cánh rừng nguyên sinh điệp trùng vừa bảo: "Cao nhất là đỉnh 2.512 m, thấp nhất cũng 400 m đấy anh ạ! Đây là nơi sinh cảnh tốt nhất cho các loài động thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, đặc biệt là loài vượn đen tuyền sinh sống. Chiều, tôi dẫn anh đi thăm rừng. Mùa này đỗ quyên đang nở đẹp lắm!”.
Bỗng nghe thấy tiếng chim hót líu lo. Tôi hỏi chim gì vậy? Anh bạn cười, bảo: "Khướu đuôi đỏ đấy. Ở đây có tới 41 loài khướu, chúng khác nhau về hình dáng, màu lông, tiếng hót. Phải ở lâu và thính tai mới nhận ra được”.
Nghe anh bạn nói đã mê. Phải ở lại một đêm giữa vùng lõi Khu bảo tồn này để cảm nhận cho hết vẻ nguyên sơ của nó. Trời khá lạnh. Mấy anh em ngồi quây quần bên đống lửa, uống rượu bát quay vòng. Người Mù Cang Chải tình cảm và hồn nhiên lắm. Bảo uống là uống, bảo hát là hát.
Hai ngày với Mù Cang quả là thòm thèm nhưng còn Trạm Tấu. Đã hẹn là phải đến.
Đường Nghĩa Lộ vào Trạm Tấu vẫn gieo neo lắm! Nhưng yêu nhau thì sá gì đường xa, dặm thẳm. Không lên được Tà Chì Nhù cũng tiếc. Đành vào Xà Hồ lên với bản Mông tái định cư trên đỉnh Cu Vai. Bản chạy dọc theo sống núi. Nhà ở thẳng hàng, san sát như phố xá nhưng nhà nào cũng dành một khoảng vườn trước của để trồng hoa đào, tớ dẩy, mận, mơ.
Nhìn từ trên cao xuống Cu Vai chẳng khác nào cây vĩ cầm trong mây. Tối về tắm suối khoáng nóng ngay đầu thị trấn, giáp với Bản Hát. Quả đúng, tắm nước khoáng nóng không chỉ tiêu tán hết mọi mệt nhọc mà còn thấy lòng thư thái. Nước khoáng ở đây bốc hơi cả ngày lẫn đêm nhưng tắm vào lúc chiều muộn là thích nhất. Gặp đám khách du lịch từ Hà Nội lên, kháo nhau, gọi khu nghỉ dưỡng này là "tiểu Bali”. Nào cảnh đẹp, nào nước đầu nguồn vừa chảy ra từ bụng đất, nào tắm xong lên ăn xôi nếp với thịt gà đồi nướng, chấm với chẩm chéo làm bằng mắc khén.
Quả là với người nghệ sĩ không gì hơn là những chuyến đi như thế. Mỗi bước đi lại thêm yêu quê hương mình, đất nước mình, để sống cho đẹp và có những trang viết đẹp.
Đầu xuân 2021
Hiền Lương