Qua cách làm từ thiện, quyên góp của mạnh thường quân mà các nghệ sĩ làm trong thời gian qua xảy ra nhiều ồn ào cho thấy việc làm thiện nguyện của nhiều nghệ sĩ còn tự phát nên khó tránh khỏi những sai sót. Và hơn nữa, công chúng đã không còn dễ dãi với những ồn ào nên buộc nghệ sĩ phải cẩn trọng hơn trong việc giữ gìn hình ảnh, tránh gây mất niềm tin với công chúng.
Từ đó, dễ nhận thấy là có nhiều bài học cần rút ra sau những ồn ào này.
Cần làm từ thiện chuyên nghiệp và rõ ràng
Nhìn nhận một cách công tâm, chuyện làm từ thiện của các nghệ sĩ Việt ngoài cái tâm thì điều tiên quyết là họ tạo được niềm tin của công chúng.
Chính vì thế, theo các chuyên gia văn hóa, sau ồn ào, nghệ sĩ cần làm từ thiện có tổ chức, chuyên nghiệp và công khai minh bạch rõ ràng với công chúng.
Và trong đó, việc làm đến nơi đến chốn, đúng mục đích mà các mạnh thường quân gửi gắm khiến niềm tin, uy tín của nghệ sĩ được nhân lên và truyền tải những nguồn năng lượng, những giá trị tốt đẹp về sự tương thân tương ái trong cuộc sống.
Nghệ sĩ cần nghiêm khắc với việc giữ hình ảnh
Từ ồn ào về làm từ thiện, nhiều nghệ sĩ Việt cũng cần rút cho mình một bài học lớn trong việc giữ gìn hình ảnh, tránh chuyện phát ngôn thiếu kiểm soát hoặc khuất tất trong chuyện làm từ thiện, ảnh hưởng danh tiếng.
Bởi trước đây, một số nghệ sĩ Việt dính ồn ào từ thiện, họ đều im lặng hoặc phủ nhận. Đến khi mọi chuyện qua đi thì trở lại hoạt động nghệ thuật như chưa có gì xảy ra.
Tuy nhiên, khán giả Việt hiện tại đã không còn dễ dãi so với trước đây, họ có quyền lên tiếng trước những việc làm ồn ào của những người nghệ sĩ họ yêu mến, thần tượng. Chẳng hạn, việc Trấn Thành phát ngôn tranh cãi "nếu từ thiện mà sao kê thì chúng tôi không làm" khiến tên tuổi anh bị ảnh hưởng không nhỏ.
Chính vì thế, một chút khuất tất trong chuyện từ thiện hay cách phát ngôn thiếu cẩn trọng cũng dễ khiến công sức gầy dựng sự nghiệp của nhiều nghệ sĩ tiêu tan.
Sự ra đời của bộ quy tắc ứng xử
Hoạt động thiện nguyện đúng nghĩa sẽ mang đến sự nhân văn, góp phần giúp xã hội thêm tốt đẹp hơn. Do đó, trước những lùm xùm về câu chuyện làm từ thiện của nghệ sĩ, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã biên soạn dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia văn hóa, các hội đồng chuyên môn.
Những nội dung chính được đề cập đến trong dự thảo Quy tắc ứng xử: Công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động từ thiện, xã hội; Trung thực, chính xác, rõ ràng khi quảng cáo; Không lợi dụng hình ảnh để trục lợi cá nhân; Phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn.
Đây được coi là động thái tích cực nhằm nâng cao ý thức hành xử của các nghệ sĩ, chấn chỉnh những chuyện ồn ào trọng việc làm từ thiện.
Cách "sàng lọc" nghệ sĩ làm từ thiện chuyên nghiệp
Trong khi một số nghệ sĩ trở thành tâm điểm bàn tán bởi những khúc mắc trong chuyện giải ngân tiền từ thiện, thì còn không ít những nghệ sĩ như: Quyền Linh, Lý Hải, Mỹ Tâm, Thái Thùy Linh… nhiều năm qua vẫn miệt mài với các hoạt động xã hội và luôn được công chúng yêu mến.
Ngoài sự minh bạch thì cách làm từ thiện bài bản, đúng mục đích, nguyện vọng của người dân, mạnh thường quân... đã giúp họ đứng ngoài những tranh luận, "đấu tố" thời gian qua. Họ được xem là điểm sáng của giới nghệ sĩ Việt khi làm từ thiện.
"Chưa phân định đúng sai trong chuyện làm từ thiện của nghệ sĩ, nhưng với những nghệ sĩ dính ồn ào từ thiện như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng so với các nghệ sĩ làm từ thiện được yêu mến như Quyền Linh, Mỹ Tâm thì rõ ràng công chúng có sự sàng lọc, nhìn nhận khách quan về tính chuyên nghiệp của nghệ sĩ khi làm từ thiện.
Chưa thể khẳng định chuyện Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh ăn chặn từ thiện nhưng trong việc giải ngân, sao kê... họ đã có vấn đề khiến công chúng hoài nghi thì cần phải xem lại việc làm từ thiện của mình đã thật sự chuyên nghiệp, đúng đắn hay chưa?" - tiến sĩ văn hóa Tùng Long nhận định.
(Theo LĐO)