Sẽ số hóa các di sản chữ viết trên lá buông - trong đó có kinh Phật - của người Khmer

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/11/2021 | 9:35:02 AM

Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer An Giang là một loại tri thức dân gian, ẩn chứa một kho tàng vô giá của tri thức nhân loại, đó chính là kinh Phật. Kinh Phật được người Khmer viết trên lá của cây buông.

Các bộ kinh lá buông tại chùa Soài So - An Giang
Các bộ kinh lá buông tại chùa Soài So - An Giang

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký quyết định phê duyệt đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang đến năm 2030", nhằm có phương án bảo vệ và lưu truyền cho thế hệ sau những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer, sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer An Giang là một loại tri thức dân gian, ẩn chứa một kho tàng vô giá của tri thức nhân loại đó chính là kinh Phật.

Kinh Phật được người Khmer viết trên lá của cây buông, gọi là Kinh lá Buông (Xatra Slấkrít), đây là loại thư tịch cổ quý hiếm khắc chữ trên lá buông, viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Bali (theo trường phái Thomanadut và Mahainikai) xuất hiện từ thế kỷ XIX.

Nghệ thuật chạm khắc trên lá buông của người Khmer rất đặc biệt. Lá buông được chọn ngay từ khi còn là búp trên cây và được ghép vào khung cây để lá phát triển theo ý muốn, tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từ 3 - 5 tháng, sau đó cắt lá xuống, mang phơi khô và sử dụng.

Muốn viết kinh trên lá buông phải sử dụng mũi bút bằng sắt. Sau khi viết xong, dùng vải thấm than trộn với dầu thông và nhúng qua dầu lửa để quét lên chữ khắc. Nét độc đáo của kinh lá buông nhờ vào độ dai của lá, kết hợp với sự khéo léo, tỉ mỉ, công phu của người viết, nên thể hiện được trên cả hai mặt của lá buông.

Mỗi bộ kinh có từ 4-10 cuốn (quyển), mỗi cuốn có 20 - 60 lá kinh, mỗi mặt lá có 5 dòng, với khoảng 150 chữ. Kinh lá buông chứa đựng giá trị về kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer.

Ở An Giang, kinh lá buông hiện còn lưu giữ tại 30/65 chùa Khmer của hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, với trên 100 bộ kinh Phật.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, kinh lá buông không còn được viết, bởi không còn nguồn lá buông. Đồng thời, do khâu bảo quản gặp khó khăn, không đảm bảo trước tác động của môi trường nên kinh lá bị hư hỏng theo thời gian, có nguy cơ bị mai một.

Hiện các chùa Khmer ở An Giang còn rất ít vị sư sãi biết khắc chữ trên lá buông. Nếu muốn học phải có tính kiên nhẫn, phải rèn luyện trong một thời gian dài. Muốn khắc được thì người học phải am tường nội dung của từng loại kinh, bởi hầu hết các bộ kinh lá buông được chạm khắc bằng chữ Khmer cổ hay chữ Bali.

Điều này gây không ít khó khăn cho các vị sư sãi, Phật tử muốn học kinh Phật từ kinh lá buông.

An Giang là tỉnh đa dân tộc, với khoảng 29 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Khmer, Hoa và Chăm.

Dân tộc Khmer là cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên vùng đất An Giang, tập trung đông nhất ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, sở hữu kho tàng di sản văn hóa đặc sắc và đa dạng.

Dân tộc Khmer An Giang có 2 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội đua bò Bảy Núi năm 2016, Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên năm 2017.

(Theo TTO)

Các tin khác
Nhóm tác giả tác phẩm “Giữ gìn làn điệu dân ca Thái cổ” - Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ xuất sắc đạt giải Nhì toàn quốc Cuộc thi “Tinh hoa Việt Nam”.

Vượt qua hơn 2.340 tác phẩm dự thi, tác phẩm “Giữ gìn làn điệu dân ca Thái cổ” của nhóm thí sinh: Nguyễn Trọng Nghĩa, Hà Tố Uyên, Nguyễn Phương Hiền, Lê Bật Hưng, Hà Thanh Huệ - Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ đã xuất sắc đạt giải Nhì toàn quốc Cuộc thi “Tinh hoa Việt Nam”.

Đền Trạng có tên chữ là “Quang Minh Linh Từ”, thuộc xã Yên Thái, huyện Văn Yên. Đền được dựng vào tháng 7 năm 1806, thờ Lương Thế Vinh (hay còn gọi là Trạng Lường), là một danh sĩ dưới thời vua Lê Thánh Tông.

Ngọ Môn - biểu tượng của Kinh đô Huế xưa, sẽ được quảng bá trong Liên hoan phim Việt Nam 2021.

Ban tổ chức thực hiện nhiều chương trình, hoạt động nhằm quảng bá di sản và tôn vinh áo dài truyền thống trong thời gian diễn ra Liên hoan phim Việt Nam năm 2021.

Nguyễn Thúc Thùy Tiên.

Một chuyên trang sắc đẹp vừa đưa ra bảng xếp hạng thí sinh, theo đó, Nguyễn Thúc Thùy Tiên - đại diện Việt Nam được dự đoán trở thành Á hậu 1 Miss Grand International 2021.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục