Xã Đông Cuông, huyện Văn Yên nổi tiếng với di tích đền Đông Cuông tại thôn Bến Đền. Đây là một điểm đến thu hút rất đông du khách mỗi độ xuân về bởi phong cảnh hữu tình và kiến trúc cảnh quan, tâm linh độc đáo.
Theo truyền thuyết, đền Đông Cuông là nơi Mẫu Thượng ngàn giáng sinh và ngự, đây cũng là nơi phát tích tục thờ Mẫu Thượng ngàn. Trải qua các thời kỳ lịch sử, ngày nay đền Đông Cuông còn thờ thần Vệ quốc - những người có công bảo vệ miền biên ải của Tổ quốc.
Cụm di tích đền Đông Cuông gồm 4 điểm: đền chính, miếu Cô, miếu Cậu và miếu Đức Ông tọa lạc bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi đền chính. Đây là ngôi đền cổ đến nay vẫn giữ được bản sắc dân tộc và nét văn hóa của người Tày Khao - Đông Cuông.
Theo thông lệ, vào ngày Mão tháng Giêng hàng năm là ngày diễn ra Lễ hội đền Đông Cuông. Đây là hoạt động truyền thống mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, là dịp để nhân dân trong huyện và du khách thập phương đến dâng hương, bày tỏ lòng thành kính, tri ân Mẫu Thượng ngàn và các bậc tiền nhân đã có công gây dựng đất nước.
Lễ hội được tổ chức với phần lễ tại đền Mẫu đúng với nghi thức truyền thống như: đón ông Mo về đền, lễ mổ trâu trắng tế thần, lễ rước kiệu Mẫu sang sông, lễ dâng hương; còn phần hội thường rất phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc với các hoạt động văn hóa, thể thao thu hút du khách thập phương cùng tham gia.
Xuân Nhâm Dần 2022, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp, các ngành, đền Đông Cuông không tổ chức rộng rãi lễ hội vào ngày Mão tháng Giêng. Thay vào đó, Ban Quản lý di tích đền chỉ tổ chức làm lễ trong khuôn khổ nhỏ, gọn để duy trì nét đẹp văn hóa, tâm linh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thúc Mạnh - Phó ban Thường trực, Ban Quản lý di tích đền Đông Cuông, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Yên cho biết: "Trong 2 ngày 6 - 7/2 Ban Quản lý di tích đền thực hiện nghi lễ dâng hương và tiệc tuần truyền thống trong khuôn khổ dưới 30 người. Các nghi lễ như mổ trâu và tế trâu truyền thống, dâng chúc văn, chồng kiệu, cúng chính tiệc sẽ vẫn được tiến hành đầy đủ. Các đại biểu tham dự nghi lễ sẽ được test nhanh Covid-19".
Việc tạm dừng tổ chức Lễ hội trong bối cảnh hiện nay nhận được sự đồng thuận của người dân, du khách. Đến vãn cảnh đền, chị Nguyễn Thùy Dương, một du khách ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên bày tỏ: "Trẩy hội dịp đầu xuân từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều người dân, là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc tạm dừng tổ chức Lễ hội đền Đông Cuông phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân nhưng không còn cách nào khác. Phòng chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu ưu tiên cao nhất lúc này”.
Cùng với việc thu gọn khuôn khổ Lễ hội, Ban Quản lý Di tích đền Đông Cuông cũng tăng cường sự phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân khi đến đây chiêm bái, thực hành tín ngưỡng. Trên hệ thống loa truyền thanh của xã, loa tại di tích thường xuyên phát tuyên truyền hướng dẫn người dân, du khách phòng, chống dịch.
Ngay từ cổng vào, Ban Quản lý Di tích đền Đông Cuông bố trí nhiều điểm đặt nước sát khuẩn tay cho du khách. Lực lượng công an, người của Ban Quản lý thường xuyên có mặt tại các điểm lễ để nhắc nhở việc đeo khẩu trang, xử lý các trường hợp vi phạm. Ghi nhận của phóng viên, đầu xuân năm nay lượng du khách đến đền Đông Cuông giảm so với những năm trước, mọi người đều có ý thức chấp hành quy định phòng, chống dịch, tất cả đều đeo khẩu trang.
Khói hương trầm hòa quyện với không khí ngày xuân khiến ai ấy đều bồi hồi trong khoảnh khắc của ngày đầu năm mới. Thành kính chắp tay lễ bái, ông Nguyễn Văn Thanh ở thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên cầu mong năm mới gia đình được bình an, mọi công việc được thuận lợi.
Ông Thanh cho biết: "Những năm trước, mỗi dịp đầu xuân năm mới đại gia đình tôi gồm 9 thành viên đều đi lễ tại đền Đông Cuông. Năm nay, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chỉ 3 người đại diện gia đình đến lễ bái. Tôi thấy công tác phòng, chống dịch được Ban Quản lý di tích làm rất tốt, mọi người đến đây cũng tự giác chấp hành quy định phòng, chống dịch”.
Nhu cầu đi tham quan, vui chơi, thực hành tín ngưỡng của người dân dịp đầu xuân tại các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, cơ sở tín ngưỡng... là chính đáng. Song mọi hoạt động hiện nay cần tuân thủ nghiêm yêu cầu về phòng chống dịch, để cùng nhau đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Lê Thương