Đặc biệt, các thành viên của CLB còn là những hạt nhân nòng cốt tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch khi đến tham quan nghỉ dưỡng tại huyện Yên Bình.
Nghệ nhân Hoàng Tương Lai chia sẻ: "Các làn điệu dân ca và cây đàn tính là thứ "đặc sản” tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người Tày. Họ đàn hát, thổi sáo không chỉ trong ngày vui, lễ hội mà còn trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, tôi mong muốn CLB được duy trì để tạo sân chơi cho mọi người cùng chia sẻ với nhau về văn hóa truyền thống, khơi dậy trong lớp trẻ niềm đam mê văn hóa dân tộc mình và cũng để níu chân du khách trong nước, quốc tế khi tới thăm quê mình”.
Yên Bình là địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống; trong đó, người Tày, Nùng, Dao, Cao Lan chiếm 37% dân số của huyện. Mỗi dân tộc có một kho tàng văn hóa phong phú, độc đáo, đậm đà bản sắc riêng có.
Đồng thời, Yên Bình cũng là địa phương có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, độc đáo và nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa... Đây là những yếu tố cộng hưởng để phát triển các loại hình du lịch: sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng gắn với khai thác, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc.
Anh Phạm Văn Đại - Chủ homestay Vu Linh Palm House, xã Vũ Linh cho biết: "Chúng tôi luôn cố gắng để du khách được trải nghiệm những phong tục, tập quán đặc sắc của người dân bản địa. Cùng đó, tích cực vận động bà con đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa để gắn phát triển du lịch với sản xuất nông nghiệp và những nét văn hóa truyền thống như: dân ca, dân vũ, ẩm thực, nghề truyền thống, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan sạch đẹp… nhằm thu hút du khách ngày càng đông”.
Phát triển du lịch (PTDL) gắn với giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, những năm qua, huyện Yên Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hợp tác, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng như: tôm, cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà,
bưởi Đại Minh, khoai sọ Phúc An, dưa hấu Xuân Lai, thanh long ruột đỏ; các sản phẩm đan lát làng nghề rọ tôm Đồng Tâm, xã Phúc An, các sản phẩm văn hóa - văn nghệ dân gian...
Năm 2018, Yên Bình đã xây dựng Đề án PTDL cộng đồng vùng Đông Hồ Thác Bà giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025; xây dựng, nhân rộng và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch của homestay các thôn:
Ngòi Tu (xã Vũ Linh), Đồng Tý (xã Phúc An), Ngòi Cụ (xã Yên Thành) và Trung Tâm (xã Xuân Lai).
Đến nay, huyện có 3 sản phẩm du lịch được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên gắn với du lịch cộng đồng, góp phần giúp Yên Bình khẳng định uy tín trong lĩnh vực thương mại, du lịch. Huyện cũng tập trung chỉ đạo xây dựng các CLB nghệ thuật dân gian; từ đó, phát huy các nhân tố hạt nhân ở cơ sở trong việc phục dựng, truyền dạy văn hóa cho các thế hệ.
Hiện tại, huyện Yên Bình đang duy trì hoạt động 18 CLB và 8 đội văn hóa, văn nghệ dân gian biểu diễn phục vụ du khách.
Ông Nguyễn Lê Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: thời gian tới, huyện đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, thông tin tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng, những lợi ích mà của các giá trị văn hóa mang lại. Từ đó bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong PTDL. Xây dựng, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch huyện Yên Bình gắn với hình ảnh, giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đông Hồ Thác Bà theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, có tính dài hạn và cạnh tranh cao, góp phần thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thu Trang