Thế chỗ nhà vô địch quầy vé Điều ước cuối của tù nhân 2037 lại là đồng hương Hạ cánh khẩn cấp. Về một chừng mực nào đó đây chính là phiên bản hiện thực của Chuyến tàu sinh tử- bom tấn của Hàn mấy năm trước. Trong đó bối cảnh tàu tàu hỏa được "nâng cấp” thành máy bay. Và đặc biệt dành cho ai vì dị ứng với thể loại xác sống (zombie) mà không xem phim kia.
Nếu 2037 "ăn theo” và là một phiên bản có nâng cấp của Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 thì Hạ cánh khẩn cấp cũng có tuyến nhân vật và một vài tình tiết gợi nhớ Chuyến tàu sinh tử. Tất nhiên là một nền điện ảnh đẳng cấp như Hàn không có chuyện bệ nguyên si mà chỉ mượn chút hơi hướng từ những thành công trước đây chưa lâu để phát triển thành những phim độc lập và vẫn đủ sức nặng để khán giả phải móc hầu bao.
Đã có những bộ phim cực kỳ xúc động về những đại dịch tưởng tượng hoặc đầy tính chính xác mô phỏng những đại dịch có thật. Đại dịch trong Hạ cánh khẩn cấp nằm ở khoảng giữa. Phim phải vật chất hóa virus thành dạng bột chắc để cho người xem dễ hình dung con đường lây nhiễm. Về triệu chứng, rõ ràng có sự học hỏi từ bệnh zombie, dù phim không thuộc thể kinh dị.
Tiến sĩ biến thái Ryu Jin Seok reo rắc dịch bệnh trong phim phải nói là có tâm lý hết sức "phức tạp” đến nỗi phim cũng không cắt nghĩa nổi. Khán giả chỉ biết sơ sơ do mẹ (cũng là nhà nghiên cứu sinh học) mất dẫn đến sự suy sụp tinh thần của hắn. Kẻ này chắc chắn là siêu phàm, tự nghiên cứu phát triển virus trong căn hộ khá tuềnh toàng, lại khéo léo không làm rơi vãi mảy may nào.
Nếu thực sự muốn giết nhiều người càng tốt (như hắn nói ra), Jin Seok hoàn toàn có thể âm thầm thủ tiêu cả thế giới mà không việc gì phải lên máy bay hay tỏ ra manh động, gây chú ý như trong phim. Điểm khác biệt của phim là nhân vật phản diện có ngoại hình kẹo ngọt và bảnh bao không kém gì diễn viên thủ vai này (Im Si Wan) ngoài đời.
Vẫn biết là giới hạn chỉ trong chiếc máy bay mà dịch lây lan nhanh thì chẳng mấy chốc mà hết phim. Nhưng chính tốc độ lây khá chậm (dù phát bệnh rất nhanh nếu so với COVID-19) làm cho nhịp độ của phim cũng chậm theo. Nói chung Hạ cánh khẩn cấp ít những tình tiết thót tim, khán giả có thể bình tĩnh xem hầu hết phim, vừa xem vừa đoán những diễn biến tiếp theo. Chỉ đoạn cuối có khả năng gây xúc động vì lựa chọn sinh tử của các nhân vật. Thế nhưng lại kèm theo một chi tiết khá "kịch” khi phim buộc phải tìm giải pháp để đứa trẻ cũng tỏ ra đồng thuận với quyết định của người lớn.
Những hạn chế trên hẳn bắt nguồn từ việc phim cùng lúc ôm hai đề tài: dịch bệnh và tai nạn hàng không. Dịch bệnh thì không tới (được hóa giải quá dễ dàng), trong khi mảng hàng không tỏ ra không có gì mới so với một số phim nổi tiếng của Mỹ, chẳng hạn Sully (2006).
Dù tham dự Liên hoan phim Cannes 2021 trong hạng mục không tranh giải nhưng nếu có tranh, biết đâu phim giành giải quay phim. Hạ cánh khẩn cấp mang lại những thước phim phải nói là hết sức chân thực, làm tăng cảm xúc cho phim chứ không chỉ mãn nhãn. Quay cảnh tai nạn trên đường từ trong xe bằng một cú máy mượt mà như thật. Chỉ là một cảnh khá vu vơ (chưa phải cao trào) nhưng chỉ bằng vài vạt nắng quái đã nói lên đầy đủ tâm trạng của các nhân vật khi máy bay phải đảo chiều vì điểm đến không chấp nhận một ổ bệnh chưa có thuốc giải.
Không chỉ tỏ ra là một học trò giỏi từ những phim "kinh điển”, Hạ cánh khẩn cấp ít nhiều còn có khả năng tiên đoán (?). Phim được lên kịch bản và kế hoạch sản xuất từ 2019 trước khi COVID-19 diễn ra. Năm sau đó, như chúng ta đã biết, một số du thuyền- khách sạn nổi 5 sao đã không may trở thành ổ dịch và từng bị một số nước không cho cập cảng hoặc buộc phải cách ly ngoài khơi. Chiếc máy bay mang theo 150 hành khách trong phim cũng mắc phải sự kỳ thị tương tự và còn khủng khiếp hơn vì tàu thủy dù hết xăng cũng không thể chìm, còn máy bay thì…
Việc hạ cánh vì thế trở thành nhiệm vụ (gần như) bất khả, không phải vì yếu tố ngoại cảnh mà vì chính sự kỳ thị của các quốc gia và chính một bộ phận người Hàn Quốc. Phim đưa ra một giả định khá bi quan về sự trắc ẩn, lòng tin nơi con người. Khi đã lên cơn ích kỷ, tham sống sợ chết thì họ nguy hiểm cũng không kém các xác sống là bao.
(Theo TPO)