Yên Bái: Những nghệ nhân một đời tâm huyết với dân ca

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/6/2024 | 8:02:26 AM

YênBái - Yên Bái có trên 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, là nơi lưu giữ nhiều làn điệu dân ca đặc sắc và độc đáo.Những nỗ lực và sáng tạo của các nghệ nhân luôn là nguồn động lực quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian này trong giai đoạn hiện nay.

Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng (thứ 2, từ phải sang) có nhiều đóng góp cho bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Thái.
Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng (thứ 2, từ phải sang) có nhiều đóng góp cho bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Thái.

Những làn điệu dân ca mang trong mình sức sống và di sản tinh thần quý giá của cộng đồng, là cầu nối gắn kết con người với cội nguồn và truyền thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, việc bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc dân gian đang đứng trước nhiều thách thức. Vai trò và đóng góp của các nghệ nhân dân gian trong công cuộc gìn giữ và phát triển làn điệu dân ca truyền thống đóng vai trò then chốt. Những nỗ lực và sáng tạo của các nghệ nhân luôn là nguồn động lực quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian này trong giai đoạn hiện nay.

Nhắc đến hát Khắp, hát Coọi, hát Quan làng, hát Pựt… những làn điệu dân ca của người Tày không thể không nhắc tới Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tương Lai ở huyện Yên Bình - người đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và phát triển những làn điệu dân ca của người Tày nói chung, người Tày ở Yên Bình nói riêng. 

Ở tuổi "xưa nay hiếm”, nghệ nhân Hoàng Tương Lai không còn nhiều sức để đi khắp vùng Đông Hồ sưu tầm các làn điệu dân ca, những lời ca cổ của các làn điệu dân ca như lúc còn trẻ nữa, nhưng mỗi lần nói đến hát Khắp, hát Coọi, hát Pựt, hát Quan làng… là ánh mắt của ông lại sáng lên, giọng nói bỗng trở nên sang sảng, ông chìm đắm vào thế giới của những điệu dân ca ấy để có thể thao thao bất tuyệt hàng giờ đồng hồ về ý nghĩa của từng câu hát, sử dụng chúng trong trường hợp nào. 

"…Em ơi, chiếc mạ bao nhiêu nhánh/ Để anh chung một  nhánh được không?” Hoặc: "…Nón cọ hay nón bạc/ Nón này đội hai người được không?”. Thấy người con gái vẫn e lệ, dè dặt, các chàng trai lại hát: "…Lá dong hay lá chuối/ Cây nứa hay cây bương/ Gái tơ hay vợ người/ Vợ người anh xin thôi/ Gái tơ anh ngỏ lời…”.  Khi các chàng trai hát ngỏ lời vào bản nghỉ trọ, các cô gái hát: "Nhà em cột sa nhân/ Dựng dỏng dẻnh bên đường/ Giát nhà bằng nứa dại/ Không chê dặm là ở, anh ơi”. Cứ thế họ hát kéo dài tới hai ba đêm để ước nguyện nay mai trở thành vợ chồng” - ông vừa hát, vừa lý giải cho chúng tôi nghe từng lời, từng ý của những kẻ đang yêu trong câu hát. Ông bảo rằng, ngày xưa các cụ nói lời yêu ý nhị, chữ nghĩa lắm, nó cho ta cả bầu trời văn học trong mỗi câu hát, qua đó ta học được nhiều điều lắm từ sự ung dung tự tại, làm giàu tâm hồn mình bằng chất thơ đẹp đẽ… 

Trong căn nhà sàn truyền thống ở Xuân Lai (Yên Bình), ông lật giở mấy quyển sách mà ông đã dành rất nhiều công sức, tâm trí để sưu tầm, dịch thuật giới thiệu về các làn điệu dân ca của dân tộc Tày để minh chứng cho chất thơ đẹp đẽ mà ông bảo trong mỗi lời hát. Xen trong mỗi câu chuyện về những làn điệu dân ca là những câu chuyện về cuộc đời của ông, về hành trình sưu tầm những lời cổ, những làn điệu dân ca cổ của người Tày. 

"Từ nhỏ tôi đã được nghe mẹ hát ru, nghe Coọi, nghe Khắp rồi hát Quan làng trong đám cưới, những đêm nghe hát Pựt rồi nghe hát Khảm Hải. Lớn lên, những giai điệu đó đã ngấm vào tâm trí rồi tôi tập hát, học từ các cụ cao tuổi và qua các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện, của tỉnh, liên hoan hát dân ca toàn quốc. Tôi cũng đã đoạt nhiều giải cao. Thấy thế vẫn chưa đủ, tôi dành công sức, tâm trí sưu tầm dịch thuật giới thiệu các làn điệu dân ca của dân tộc Tày”. 

Phải kể đến những cuốn như Hát quan làng trong đám cưới của dân tộc Tày vùng sông Chảy, Đường kết bạn tình (Tàng pây kết chụ), hát giao duyên Coọi, Khắp Tày vùng sông Chảy… và còn nhiều lắm những bản chép tay quý giá nữa. 

Là Nghệ nhân Ưu tú, là người nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian, ông luôn đau đáu trăn trở tiếc nuối những việc chưa làm được. Ông chia sẻ: "Đối với hát quan làng trong đám cưới: những lời hay ý đẹp về giáo dục đạo đức làm người được chuyển tải trong lời hát: về nỗi vất vả cực nhọc của người mẹ, khi sinh con... Tuy nhiên, ngày nay, do điều kiện hai bên nhà trai, nhà gái chỉ tổ chức cưới đón dâu trong vòng buổi sáng mà nhiều nơi đã không còn hát Quan làng nữa. Mặt khác, số người hiểu được và hát được các làn điệu dân ca Tày trong vùng như Khắp, Coọi, Quan làng, Khảm hải hay Phong Slư ngày nay đang dần vơi đi. Vì lớp trẻ ngày nay hầu như không còn biết tiếng mẹ đẻ của mình nữa... khiến tôi rất đau lòng”. 


Nghệ nhân Hoàng Tương Lai truyền dạy Khắp Coọi cho thế hệ trẻ. 

Với những trăn trở ấy, ông được sự giúp đỡ tạo điều kiện về kinh phí của tỉnh và huyện đã mở lớp truyền dạy cho 31 cháu trong năm 2023. Năm 2024 ông tiếp tục mở lớp nữa cho các cháu học sinh trong dịp hè; biên soạn xong cuốn "Sjon cảng Tày” (Dạy nói tiếng Tày) được Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên ấn hành năm 2023, với mong muốn người trẻ hiểu và yêu mến tiếng nói, các làn điệu dân ca cùng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Ông luôn mong muốn quảng bá giới thiệu để thế hệ trẻ hiểu biết được những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa của các làn điệu dân ca Tày và để phục vụ phát triển du lịch, để du khách đến với Yên Bái, đến với hồ Thác Bà không phải chỉ để thưởng thức đặc sản danh thắng, đặc sản ẩm thực mà được thưởng thức những giai điệu mượt mà, những "đặc sản” về văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.


Ở thị xã Nghĩa Lộ, nghệ nhân Điêu Thị Xiêng cũng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống nói chung, những làn điệu dân ca nói riêng. Sự am hiểu của bà đang là vốn quý trong công tác bảo tồn văn hóa ở Nghĩa Lộ. Tôi may mắn được biết bà từ khi bà còn trẻ, đến nay dù tuổi đã cao nhưng khi nói về văn hoá Thái, về những làn điệu dân ca, điệu xòe Thái thì sự nhiệt huyết vẫn còn vẹn nguyên như ngày nào. 

Trong mỗi lần trò chuyện bà luôn bắt đầu từ niềm tự hào vì được sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Thái đen, nên ngay từ nhỏ đã được chìm đắm trong các làn điệu dân ca và các điệu xòe cũng như các phong tục truyền thống của dân tộc mình. 

"Từ lúc được 8, 9 tuổi tôi đã yêu thích và thường theo các mẹ, các bà dạy cho các làn điệu khắp, các bài xòe, các bài khắp cổ và giai điệu như giai điệu "Hăn nê”, "Nả lảu” (tức hát xướng đông người), khắp sư, khắp báo sao; học thổi Pí cùng bố tôi và đặc biệt đã được bác Lò Văn Biến - Nghệ nhân Ưu tú truyền dạy 6 điệu xoè cổ” - bà hào hứng kể về hành trình gìn giữ di sản văn hóa của mình. 

Với bà, những điệu xòe với những điệu khắp trữ tình, các điệu khèn, điệu pí... lúc sôi nổi, lúc lại gần gũi đậm tình như hơi thở của cuộc sống, có khi lại biến hóa không ngừng, hài hòa giữa tay, chân, hình thể, khuôn mặt, kết hợp với nhạc cụ đã ăn sâu vào trái tim tôi cũng như những người con dân tộc Thái một cách tự nhiên. Từ sự say mê và học thuần thục các làn điệu dân ca, những điệu xòe truyền thống của dân tộc mình, bà đã truyền dạy lại cho thế hệ trẻ để có thể góp phần nhỏ vào việc bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc mình. Rất nhiều các lứa học sinh ở thị xã Nghĩa Lộ được bà truyền dạy những làn điệu dân ca dân tộc Thái. Đặc biệt năm 2021 bà chuyển nhượng quyền sử dụng tư liệu đưa vào tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 của tỉnh Yên Bái với tác phẩm lời bài dân ca "Rủ nhau đi học”. 

Bà chia sẻ: "Với trách nhiệm của bản thân và dưới góc nhìn của nghệ nhân dân gian, để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca và điệu xòe truyền thống của dân tộc Thái, tôi và các nghệ nhân, những người am hiểu, yêu thích những làn điệu dân ca và điệu xòe Thái Nghĩa Lộ sẽ tiếp tục xây dựng bài giảng các điệu xòe, truyền dạy xòe Thái trong cộng đồng dân cư, đặc biệt sẽ tiếp tục truyền cho mọi người trong làng bản, nhất là thế hệ trẻ, học sinh hoặc bất kể ai có nguyện vọng muốn học, dù chỉ là một người tôi cũng dạy. Tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các nghệ nhân, người am hiểu văn hóa dân tộc truyền dạy chữ viết, tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán dân tộc cho các thế hệ, nhất là người dân tộc thiểu số, nhằm lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, hạn chế sự mai một trong cộng đồng”. 

Với tinh thần trách nhiệm cao về việc gìn giữ và phát triển các làn điệu dân ca truyền thống, các nghệ nhân dân gian ở Yên Bái đã nỗ lực không ngừng và đóng góp đáng kể trong nhiều mặt từ chủ động lưu giữ, truyền dạy đến tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn, hội thi tổ chức các lớp dạy hát dân ca truyền thống cho thế hệ trẻ. Nhiều nghệ nhân đã coi việc truyền dạy làn điệu dân ca như sứ mệnh thiêng liêng. Bên cạnh đó, họ không chỉ giữ gìn nguyên bản những làn điệu truyền thống, mà còn sáng tạo những phiên bản mới, kết hợp với các nhạc cụ hiện đại để tạo sự hấp dẫn và tiếp cận rộng rãi hơn đến công chúng. Những sáng tạo này không chỉ góp phần bảo tồn các làn điệu dân ca, mà còn thổi bùng lên ngọn lửa đam mê và niềm tự hào về di sản văn hóa dân tộc.

Từ những trải nghiệm và nỗ lực không ngừng của các nghệ nhân dân gian, chúng ta có thể thấy rõ tầm quan trọng, vai trò của họ trong việc bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca các dân tộc ở Yên Bái. Những đóng góp to lớn của các nghệ nhân không chỉ là yếu tố then chốt để gìn giữ di sản âm nhạc dân gian, mà còn góp phần định hình và củng cố bản sắc văn hóa địa phương.

Thanh Ba

Tags nghệ nhân dân ca Yên Bái

Các tin khác

Vừa qua, Thượng úy Quốc Thị Hiền- Phó Bí thư chi bộ, Phó trưởng Công an xã Nga Quán, huyện Trấn Yên đã vinh dự là đại biểu duy nhất của tỉnh Yên Bái và là 1 trong 63 cá nhân toàn quốc có thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu năm 2023 được biểu dương trong Chương trình “Nữ công an cơ sở xuất sắc” năm 2023 do Bộ Công an tổ chức ngày 4/6/2024 tại thành phố Hà Nội.

Ông Trần Văn Nguyên luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở thôn Ngòi Giàng, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình.

Những năm qua, người có uy tín luôn là điểm tựa vững chắc trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Yên Bình, tích cực nêu gương gắn kết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, động viên người thân trong gia đình, bà con trong thôn, bản đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.Họ được coi là lực lượng quần chúng đặc biệt, là điểm tựa của đồng bào DTTS.

Các tân sinh viên của 6 tỉnh Tây Bắc, trong đó có Yên Bái nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2023.

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, đủ điểm đỗ vào một ngôi trường mơ ước là có thể hoàn toàn trút bỏ lo lắng để vui mừng, hân hoan chờ ngày nhập học. Nhưng với những cô cậu học trò nghèo, niềm vui ấy chẳng tồn tại được bao lâu đã phải nhường chỗ cho những lo âu về cơm áo, gạo tiền, học phí. Đi tiếp hay dừng lại lúc này không chỉ là câu chuyện điểm số…

Chị Đặng Thị Phương Lan (bên trái) nhận bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu tình nguyện năm 2023.

19 lần hiến máu tình nguyện (HMTN), 14 lần hiến máu cấp cứu bệnh nhân nặng tại bệnh viện là cách chị Đặng Thị Phương Lan, cán bộ Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ trao tặng tình yêu thương cho cuộc đời… Chị đã vinh dự được lựa chọn là đại biểu xuất sắc của tỉnh Yên Bái tham dự Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu Việt Nam năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục