Đã thành nếp, cứ chiều thứ 7 hàng tuần là các bạn học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Yên Bình lại có mặt tại phòng sinh hoạt chung của nhà trường để cùng tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, học làm nghề truyền thống của các dân tộc.
Có mặt sớm hơn các bạn, em Hà Trúc Đan - học sinh lớp 6A nhanh chóng chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ để cùng các bạn học đan rọ tôm. Đây là buổi thứ 3 học đan rọ tôm nên em rất háo hức.
Trúc Đan cho biết: "Em là người dân tộc Tày. Đến đây, ngoài được các thầy cô dạy kiến thức thì cuối tuần, chúng em được các thầy cô hướng dẫn làm nghề truyền thống cũng như dạy múa, tập hát các làn điệu dân ca, dân vũ và cùng tham gia chơi trò chơi dân gian, rất vui. Tìm hiểu về văn hóa dân tộc giúp em hiểu về bản sắc của dân tộc mình cũng như nét văn hóa đặc sắc khác của các dân tộc trên địa bàn để chúng em có ý thức giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống đó”.
Năm học này, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Yên Bình có 206 học sinh, trong đó có 95% là người dân tộc thiểu số nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được nhà trường đặc biệt chú trọng. Do đó, song hành cùng công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường còn tìm hiểu, nghiên cứu các nét văn hóa truyền thống của các dân tộc tại địa phương để lồng ghép với việc dạy và học, cho các em có không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống phù hợp với điều kiện thực tế.
Để việc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc đi vào chiều sâu, có hiệu quả, cùng với xây dựng kế hoạch hoạt động, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, học sinh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động giáo dục văn hoá dân tộc.
Đồng thời, nhà trường thành lập Câu lạc bộ "Giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc địa phương” để học sinh có một sân chơi bổ ích, hiểu biết về các điệu dân ca, dân vũ mang bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc, như: múa Chim gâu, múa Xúc tép của người Cao Lan; múa Tra hạt, Cấp sắc của người Dao; múa nón cùng các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Nùng, đồng thời giới thiệu cho các em về bản sắc văn hóa của dân tộc khác trên địa bàn tỉnh…
Cùng với quy định học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào các ngày thứ Hai trong tuần và các ngày khai giảng năm học mới, các ngày lễ, hội…, nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như cho các em tập và biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, tham gia các trò chơi dân gian để học sinh được tiếp xúc và có trách nhiệm hơn trong giữ gìn các nét văn hóa truyền thống.
Cô giáo Bùi Thị Kim Thoa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Yên Bình cho biết: Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nhà trường đưa các bản sắc văn hóa dân tộc vào các môn học, trong đó đã thực hiện lồng ghép chương trình giáo dục địa phương theo hình thức tích hợp trong một số môn học, hoạt động ngoại khóa truyền dạy cho học sinh kiến thức về trang phục, các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc, kiến trúc về nhà ở, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian...
"Nhà trường mong muốn việc giáo dục bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc cho các em học sinh không phải chỉ thông qua sách vở mà còn là trải nghiệm từ thực tế. Từ đó, giúp các em bồi đắp nhân cách sống, có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần của dân tộc, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường" - cô giáo Thoa bày tỏ.
Thanh Chi