Sẵn sàng du xuân trẩy hội

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/1/2025 | 9:37:44 AM

Lại một mùa hội xuân đã đến. Các địa phương đang khẩn trương triển khai kế hoạch tổ chức, đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh. Những lễ hội lớn như Đền Trần (Nam Định), hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), Chùa Hương, Đền Sóc (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh)… đều tìm kiếm giải pháp an toàn, đồng thời tạo ra những điểm mới, hấp dẫn để thu hút du khách.

Lễ hội Đền Mẫu, thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn
Lễ hội Đền Mẫu, thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn

Nhiều điểm mới

Mùa lễ hội 2025, các địa phương trên cả nước đều chú trọng nâng cao chất lượng và tính văn minh trong khâu tổ chức. Những lễ hội mùa xuân lớn ở miền Bắc đã triển khai nhiều biện pháp đổi mới và sáng tạo.

Có thể kể đến một số cải tiến như việc tích hợp vé thắng cảnh và vé xuồng đò tại lễ hội chùa Hương, nhằm giảm tải lượng người xếp hàng và hạn chế tình trạng ùn tắc, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực đông người tham dự. Lễ kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (tối 2-2, tức mùng 5 tháng Giêng âm lịch) sẽ kết hợp công nghệ 3D mapping, kể lại câu chuyện lịch sử qua ca hát, xiếc, múa, và đồng diễn trống. Lễ hội Đền Sóc (Hà Nội), gắn các hoạt động lễ với quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo cơ hội phát triển du lịch bền vững và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Những điểm mới này không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ mà còn hướng đến việc phát huy các giá trị văn hóa lâu dài, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách và cộng đồng.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) Lương Đức Thắng thông tin, công tác kiểm tra, giám sát cho thấy công tác chuẩn bị, bảo đảm các hoạt động lễ hội đều theo hướng thiết thực, an toàn, tiết kiệm, tập trung khai thác yếu tố văn hóa truyền thống… Những nỗ lực này không chỉ tạo không khí lễ hội vui tươi mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Hướng tới mùa lễ hội an toàn

Để đảm bảo một mùa lễ hội an toàn, văn minh và tiết kiệm, các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ. Một trong những điểm nhấn quan trọng là việc kiểm tra, giám sát các hoạt động lễ hội nhằm ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, đặc biệt là những hành vi phản cảm và bạo lực trong các lễ hội.

Ví dụ, lễ hội Phết Hiền Quan, vốn từng bị chỉ trích vì những tranh cãi và bạo lực trong các trò chơi, nay đã có những cải tiến lớn. Hội thảo khoa học về lễ hội này đã được tổ chức thu hút các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để tìm ra giải pháp tổ chức khoa học, vừa phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống vừa loại bỏ những yếu tố không phù hợp với đời sống hiện đại…

Theo nhận định của Cục Văn hóa cơ sở, các lễ hội mùa xuân cũng đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền. Việc thông tin về các nghi thức, giá trị văn hóa và tín ngưỡng truyền thống thông qua các kênh truyền thông như loa phát thanh tại lễ hội giúp nâng cao ý thức cộng đồng. Mỗi du khách và người dân tham gia lễ hội đều được nhắc nhở về trách nhiệm trong việc bảo vệ giá trị di tích và giữ gìn nếp sống văn minh. Nhiều lễ hội cũng đã triển khai các biện pháp cụ thể để loại bỏ những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như cấm bán hàng rong, hàng giả, hàng kém chất lượng trong khu vực di tích. Các đơn vị liên tục tuần tra nhằm ngăn chặn nạn cờ bạc trá hình và các hoạt động trái phép…, nỗ lực để có được môi trường lễ hội lành mạnh và an toàn.

Bên cạnh những biện pháp tổ chức, các địa phương cũng đã tăng cường phối hợp cơ quan chức năng để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ. Lực lượng công an, an ninh và tình nguyện viên được huy động để kiểm soát những khu vực có đông người tham dự, hạn chế tối đa những sự cố không mong muốn. Chẳng hạn, lễ hội Đền Trần (Nam Định) đã lên kế hoạch cụ thể, huy động thêm lực lượng để đảm bảo an toàn cho hoạt động khai ấn vào đêm 14 và sáng rằm tháng Giêng, đây là một trong các một điểm nóng ở các mùa lễ hội trước đây.

Việc thành lập "đường dây nóng” phản ánh vi phạm trong lễ hội tại Hà Nội cũng cho thấy sự quyết tâm trong việc bảo đảm an toàn cho người dân và du khách. Đường dây nóng sẽ là một hình thức giúp xử lý kịp thời các vi phạm, đồng thời thể hiện sự chủ động trong công tác quản lý và điều hành lễ hội. Với những giải pháp này, mùa lễ hội năm 2025 đang hướng đến xây dựng một mùa lễ hội thực sự văn minh và ý nghĩa.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Họp báo công tác quản lý, tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2025.

Lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2025 có chủ đề “Lễ hội Chùa Hương - Điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt" diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3-2 đến hết ngày 1-5 (tức từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến hết ngày 4 tháng 4 năm Ất Tỵ). Lễ khai hội vào ngày 3-2 (tức ngày mồng 6 tháng Giêng).

Di tích chùa Bối Khê.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký ban hành Quyết định số 152/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025) đối với 5 di tích.

Lễ vật cúng ông Công, ông Táo không thể thiếu 3 bộ mũ cánh chuồn và hài

Theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải, tùy mỗi vùng miền có phong tục riêng nhưng vẫn có một số điểm chung cần lưu ý khi cúng ông Công ông Táo.

Nghệ nhân Ưu tú Âu Thị Chính truyền dạy văn hóa dân gian dân tộc Cao Lan cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Yên Bình.

Say sưa với từng câu hát, điệu múa, Nghệ nhân Âu Thị Chính dành hết nhiệt huyết để truyền dạy cho các “học sinh” của mình, già có trẻ có, những mong có thêm nhiều người biết để không mai một giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhiệt huyết ấy của bà đã lan tỏa niềm tự hào cho lớp trẻ người Cao Lan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục