Nếu người Dao đỏ thể hiện nét văn hóa qua bộ trang phục chủ yếu là màu đỏ và ở nhà đất, thì người Dao quần trắng ở nhà sàn và nhận ra ngay bởi chiếc quần trắng không lẫn với nhóm Dao nào khác. Về cơ bản trang phục của người Dao quần trắng gồm có: trang phục của nữ giới, trang phục của nam giới, trang phục trẻ em, trang phục của thầy cúng, trang phục cô dâu, chú rể, trang phục đám ma. Mỗi bộ trang phục lại được tạo hình và trang trí theo những phong cách riêng, độc đáo mang đậm dấu ấn của tộc người.
Bà Hoàng Thị Cửu - thôn Đồng Tý, xã Phúc An, huyện Yên Bình cho biết: "Đối với phụ nữ Dao quần trắng, một trong những kỹ năng quan trọng nhất cần học là may vá. Các em bé gái ngay từ lúc lên 10 đã được các bà, các mẹ dạy thêu thùa, khâu vá, chỉ dạy cho những đường kim, mũi chỉ từ đơn giản nhất đến những kỹ thuật khó, tinh xảo để khi lớn lên có thể may những bộ trang phục truyền thống cho bản thân, chồng và con cái”. Để làm nên bộ trang phục của người Dao quần trắng thì trải qua rất nhiều quy trình như: trồng cây bông, dệt vải và nhuộm vải, cắt may, tạo hình trang trí, nghệ thuật trang trí trên trang phục.
Đối với bộ y phục của nữ giới Dao quần trắng có: Khăn đội đầu, áo dài, yếm, quần, xà cạp, thắt lưng, dây quấn cổ (dây tơ hồng). Mỗi bộ phận cấu thành bộ y phục nữ giới đều được thêu hoa văn, ghép vải để trang trí rất cầu kỳ. Các hoa văn trang trí trên trang phục của người Dao quần trắng được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, con người, sinh hoạt tín ngưỡng, lao động sản xuất và mang giá trị biểu tượng sâu sắc thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan cua tộc người. Mỗi loại hoa văn được đưa vào trang phục đều mang các ý nghĩa biểu tượng riêng, gửi gắm tâm tư tình cảm, ước vọng về một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ về tổ tiên, nguồn cội.
Áo dài của phụ nữ người Dao quần trắng có màu chàm, may theo kiểu xẻ ngực, không có cúc, dài chấm đầu gối, tay áo rộng, có trang trí đường viền. Áo dài được mặc với chiếc yếm thêu. Ở thân áo chỉ thêu điểm một vài họa tiết nơi ngang thân và góc tà. Nẹp cổ áo nhỏ được thêu hai đường song song bằng chỉ đỏ, nẹp hai thân trước từ cổ áo tới viền tà áo dưới bằng vải trắng, đỏ hoặc xanh được may đối nhau. Gấu áo, tay áo và nẹp tà được may bằng chỉ trắng. Áo có hai loại áo cho người già và áo cho người trẻ. Đối với áo cho người già từ tuổi trung niên trở lên sẽ có họa tiết hoa văn thêu trên áo nhỏ hơn một chút so với hoa tiết hoa văn trên áo người trẻ tuổi.
Người Dao quần trắng trong Hội thi đan rọ tôm trong Lễ hội Cầu Mùa
Trang phục của nam giới đơn giản hơn nữ giới gồm: Khăn đội đầu, áo và quần. Áo của nam giới người Dao Quần Trắng gồm hai loại đó là: Áo ngắn để mặc lao động thường ngày và áo dài mặc trong dịp quan trọng như lễ tết, hay cưới hỏi.
Màu chủ đạo trên trang phục của người Dao quần trắng là màu chàm. Đây là gam màu chủ đạo của bộ trang phục giúp liên kết các màu được trang trí trên trang phục và làm nổi bật các họa tiết hoa văn, trung hòa các màu sắc trang trí. Bên cạnh đó màu chàm cho người mặc cảm giác trầm ấm, hòa đồng với thiên nhiên núi rừng. Màu chàm cũng có tính ứng dụng cao vì trong cuộc sống lao động vất vả, mặc trang phục màu chàm ít để lộ những lấm lem của bùn đất.
Gam màu nhấn được sử dụng để trang trí trên màu nền trong bộ trang phục của người Dao quần trắng là màu đỏ, trắng, đen. Tuy có diện tích nhỏ nhưng, các chi tiết trang trí lại chính là phần hồn của bộ trang phục. Trong bộ trang phục của người Dao quần trắng chi tiết nổi bật nhất là chiếc khăn đội đầu màu đen có hình các ngôi sao 8 cánh, hình các ngôi sao 8 cánh còn xuất hiện hầu như ở khắp các họa tiết trang trí trên vạt áo, ngực áo…
Điểm nhấn trên trang phục của người Dao quần trắng là dây lưng bằng vải chàm hoặc vải lụa đỏ dài khoảng 1,5m rộng từ 3 - 4cm thêu nhiều họa tiết bằng chỉ đỏ đen vàng. Quần phụ nữ Dao quần trắng dài đến ngang bắp chân, gấu to, cạp rộng. Xà cạp bằng vải thun nhuộm chàm, hai mép viền vải đỏ, quấn từ cổ chân lên tới đầu gối rồi buộc lại. Để trang phục thêm đẹp và hấp dẫn, phụ nữ người Dao quần trắng còn kết hợp với đồ trang sức như đeo vòng cổ, vòng đeo tay, nhẫn hoa tai bằng bạc. Từ giá trị sử dụng đến giá trị nghệ thuật trong trang phục đã phản ánh tư duy thẩm mỹ vô cùng đặc sắc của người Dao quần trắng.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Hữu Định - xã Yên Thành, huyện Yên Bình cho hay: "Hiện nay, một bộ phận người Dao quần trắng đã chuyển sang mặc âu phục trong những ngày thường. Đây cũng là một xu hướng tất yếu của nhiều dân tộc thiểu số bởi tính tiện dụng và phổ biến của âu phục. Tuy nhiên, trong những ngày diễn ra lễ hội, và các nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng không ai bảo ai, tất cả người Dao quần trắng đều diện những bộ trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống gắn bó như máu thịt, và trở thành một thành tố văn hóa quan trọng của người Dao quần trắng trong quá khứ, hiện tại và tương lai”.
Dù đã có nhiều sự thay đổi, xáo trộn bởi văn hóa hiện đại, nhưng trang phục của người Dao quần trắng Yên Bái vẫn còn giữ nguyên vẹn những giá trị nhân văn trong bức tranh văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Thanh Chi