Cái chõ trong nhà người Thái
- Cập nhật: Thứ tư, 15/6/2011 | 9:50:30 AM
YBĐT - Cái chõ (hóng) là đồ dùng trong bếp, rất cần thiết hàng ngày của gia đình người Thái Nghĩa Lộ. Các món ăn mà đồng bào ưa thích là những món được xôi chín khi chế biến. Nào là cơm xôi, rau xôi, măng xôi, thịt xôi, cá xôi, khoai lang xôi, sắn xôi…
Trong cuộc sống thường ngày, đồng bào có món cỏ dầy xôi, lá bắp cải xôi… Khi tiếp khách, đồng bào có món pa mọ (cá xôi), tau nửng (rêu đá xôi)…
Trong xôi thực phẩm, đồng bào Thái có cách làm riêng, để phân biệt với các dân tộc khác. Chẳng hạn xôi cơm, đồng bào cũng ngâm gạo nếp trước, cũng đưa vào chõ xôi như mọi dân tộc.
Nhưng khác, khi xôi cơm chín, đồng bào đổ ra mâm gỗ, tay đảo, tay quạt cho cơm nguội bớt, khô bớt hơi nước, dẻo thêm, rồi mới lèn vào bồ nhỏ (giỏ, cóng khẩu). Cách làm này quả là cách làm riêng, độc đáo của đồng bào Thái.
Mỗi lần xôi, ngoài chiếc chõ, đồng bào còn có cái ninh đi kèm. Vì vậy, nếu nói đủ ra, dụng cụ để xôi thực phẩm của người Thái phải có đủ hai thứ là chõ và ninh. Hai dụng cụ này luôn dùng cùng nhau. Chõ, đồng bào khéo tay đẽo khoét bằng gỗ. Có người làm chõ, phải kỳ công chọn cây vông già, có đủ độ to lớn. Gỗ vông nhẹ, dẻo, xôi trên bếp nóng lâu ngày không bị nứt vỡ. Nhiều nhà còn làm chõ xôi rau riêng. Chõ này làm bằng cả dóng gốc mai to, khéo léo chẻ đan…
Còn ninh được làm bằng đồng, có đáy to bằng cái nồi nấu bình thường nhưng cao, thuôn nhỏ dần ở trên miệng. Miệng ninh có bộ phận loe ra, uốn cong lên để chứa nước. Nhờ có nước ở trên miệng ninh mà khi xôi thực phẩm phần nối giữa chõ và ninh rất khít, kín, hơi nóng từ dưới khi đun nấu chỉ tập trung vào chõ làm chín thực phẩm.
Chõ là dụng cụ nấu ăn hàng ngày, đồng bào cần đến và quý. Đồng bào Thái còn trọng cái chõ cả trong tâm linh. Theo các cụ già, cái chõ, cái ninh còn ẩn chứa cả những điều cấm kỵ.
Từ xa xưa đã truyền lại một điều: Kẻ nào muốn hại người khác thì tìm cách lấy trộm áo, cho vào chõ mà xôi (người Thái quan niệm: chiếc áo của ai mặc sẽ mang hồn của người đó. Vì thế khi cúng mường, cúng bản (xên mường, xên bản) thầy cúng phải đặt áo của mình (chẩu xửa) lên mâm cúng.
Trong cưới xin, người Thái thường đem áo của người con gái nhờ thầy bói xem lành hay dữ. Hoặc khi vợ hay chồng chết, khi làm ma, gia đình đưa áo vào quan tài, đưa theo vợ, hay chồng (Đồng bào quan niệm đem áo đi để sau này người còn lại cũng đi mới tìm được nhau). Vì chiếc áo mang hồn của người mặc, nên áo bị xôi nóng sẽ làm tổn hại cho người có áo.
Vào nhà người Thái Mường Lò, nếu ta để ý, còn thấy điều nữa. Hai quai của chiếc ninh khi đặt lên bếp luôn nằm dọc theo hướng nhà. Đây là việc làm ý tứ, có quy định ngầm nhưng rất được tôn trọng.
Để hiểu phong tục này, ta hãy quan sát: Nhà người Thái ở là nhà sàn. Từ đất lên nhà có cầu thang. Cầu thang đặt ở đầu nhà. Cửa vào nhà từ đầu hồi. Lối vào nhà từ cửa đó, qua bếp, rồi vào nơi ngủ, nơi tiếp khách, bàn thờ. Quai ninh (hay quai nồi, quai chảo…) khi đặt lên bếp, mọi người luôn có ý đặt dọc theo hướng nhà, để hướng dẫn mọi người đi lại. Đó là cách chỉ dẫn mọi người đi đúng theo đường lối, thuận lẽ, thuận phép.
Nếu khi nào hai quai này quay ngang nhà là gia đình có chuyện, nhà có tang, đi lại loạn xạ, là cách làm dẫn đến tai họa. Vào nhà người Thái, nếu có nấu ăn, ta nên lưu ý đến chi tiết nhỏ này, khỏi xảy ra quan hệ không hay giữa chủ và khách.
Trần Cao Đàm
Các tin khác
VTV1 - Kênh thời sự chính trị tổng hợp với nội dung thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội sẽ chính thức phát sóng 24h mỗi ngày bắt đầu từ 0h ngày 15/6.
Nhân ngày nhà báo Việt Nam 21-6, NXB Thanh Niên và Công ty sách Phương Đông đã ấn hành tập phóng sự, bút ký “Cánh chim rừng không mỏi” của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Cuốn sách gồm 17 bài viết kèm nhiều hình ảnh minh họa sinh động, trong đó có nhiều bài dài 3-4 kỳ, được tác giả viết trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Câu chuyện mới của “King Kong” sẽ xoay quanh điểm nhìn của chính "vua khỉ", với những cảm xúc hoang dã nhất.
Cả 3 ca sĩ Tùng Dương, Đàm Vĩnh Hưng và Nguyên Vũ đã cùng đoạt giải Album vàng của năm tại Gala Album vàng mùa thứ 4 tổ chức tối 13-6 tại Nhà thi đấu Nguyễn Du, TP.HCM.