Nét riêng trong sịnh ca Cao Lan

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/6/2011 | 9:52:57 AM

YBĐT - Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, việc hẹn hò tìm hiểu tiến tới hôn nhân đều có hát tỏ tình giao duyên. Hát giao duyên của người Cao Lan được gọi là Sịnh Ca có nơi gọi là Sình Ca.

Chung quy là bên này hát xướng lên bên kia hát đối đáp lại. Song, nét riêng độc đáo ở đây là chỉ có thanh niên nam nữ chưa vợ chưa chồng mới hát đối đáp giao duyên với nhau. Những bậc cao niên hoặc những người đã có vợ có chồng chỉ đứng đằng sau làm “cố vấn” cho cuộc hát đối đáp đó. Ngôn từ ở đây là không dùng tiếng nói hàng ngày mà hát theo nghĩa nôm để biểu tả, do vậy việc truyền tụng từ câu hát phải nhờ đến các nghệ nhân.

Từ xưa, dân tộc Cao Lan đã có sử thi nàng Chúa thơ Kó Lau Sjam. Tác phẩm đã được cố nhà thơ Lâm Quý biên soạn, dịch, phóng tác toàn bộ thiên tình sử đó ra ngôn ngữ phổ thông. Trong Kó Lau Sjam có đoạn:

...Con khỉ chết vì tham ăn quả
Chim gáy chết vì tham ăn vừng
Cành cây gẫy cũng vì tham quả
Con người chết vì miệng nói ngoa...

Hay:

...Quả ớt dù cay cũng ăn cả vỏ
Quả chuối dù ngọt cũng bỏ vỏ ngoài

Hoặc:

...Một nhời hay quả ớt cay cũng ngọt
Nhời dở quả vả chát thành chua...

Trong hát đối đáp giao duyên, mặc dù ở cách bản cách mường, dù họ đã biết nhau, người con trai vẫn cất lời ướm hỏi:

Anh là khách lạ phương xa
Có lời xin hỏi em đà yêu ai
Yêu ai anh cũng xin mừng
Nếu chưa em cũng xin đừng trách anh...

Người con gái hát:

Người yêu chưa có anh ơi
Dao quăng xuống nước cho đời chứng minh
Dao nổi thì em bạc tình
Dao chìm đáy nước thì tình trắng trong...

Dân tộc Cao Lan tự hào có nàng Chúa thơ Kó Lau Sjam, nên bước vào các cuộc hát giao duyên với nhau, bao giờ họ cũng khấn thỉnh nàng thi ca đó nhập vào mình để trợ giúp. Nếu được chủ nhà đồng ý, người hát bao giờ cũng phải hát một chương mở đầu gọi là “Sếnh Lau Sjam”, nghĩa là thỉnh mời nữ thánh thi ca Lau Sjam nhập vào mình để có đủ trí tuệ thông minh hát đối đáp với bạn. Tiếng hát mở đầu có khoảng 10 bài (cả nam nữ hát đối nhau, nam hát trước dẫn đường cho nữ hát theo). Cuộc hát đó nếu cả hai bên trai gái chưa thuộc lời hát được phép xem sách. Cuộc hát ví đó đến khuya mới được chen các bài do hai bên tự sáng tác cho hợp tình hợp cảnh.

Trong những dịp hát vào đêm trăng rằm, trai gái thử tài nhau. Chẳng hạn: “Nếu anh thỉnh được hồn nữ thành thi ca về thì em mới phục, mới đồng ý yêu anh...”. Lúc đó, người con trai phải đặt một thau nước lã ra chỗ đất bằng hoặc trên sàn nhà, cầm một chiếc đũa dựng giữa thau nước rồi đặt ngang một chiếc đũa khác lên đầu chiếc đũa đứng, miệng khấn gọi hồn nàng Lau Sjam.

Khi bỏ tay ra, hai chiếc đũa chỉ nhẹ nhàng đung đưa mà không bị đổ, mọi người đều phục vì đã gọi được hồn nàng thơ Lau Sjam về giúp. Vì thế cuộc hát ví càng thêm sôi nổi, kéo dài đến khi trăng kề núi. Chủ nhà đã đưa lên nồi cháo gà mời mọi người ăn, uống rượu, rồi có những đôi trai gái say nhau đã hát suốt đêm bên bếp lửa, ai mệt thì đi nghỉ, không giở trò lăng nhăng, sàm sỡ. Trời hửng sáng, họ lại hát tiễn nhau hoặc hát mời nhau đến thăm nhà.

Cứ thế họ trao đổi, tâm tình với nhau đến say sưa mỗi khi gặp lại nhau trong lễ hội, ở các đám cưới để rồi thắp lên ngọn lửa tình rực cháy trong tim nhau để nên vợ nên chồng, rồi thành ông bà yêu nhau bền chặt cùng với núi rừng, làng bản, làm cho cuộc sống đơm hoa kết trái, đời tiếp đời hạnh phúc bền lâu.

Hoàng Tương Lai

Các tin khác

YBĐT - Cái chõ (hóng) là đồ dùng trong bếp, rất cần thiết hàng ngày của gia đình người Thái Nghĩa Lộ. Các món ăn mà đồng bào ưa thích là những món được xôi chín khi chế biến. Nào là cơm xôi, rau xôi, măng xôi, thịt xôi, cá xôi, khoai lang xôi, sắn xôi…

VTV1 - Kênh thời sự chính trị tổng hợp với nội dung thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội sẽ chính thức phát sóng 24h mỗi ngày bắt đầu từ 0h ngày 15/6.

Nhân ngày nhà báo Việt Nam 21-6, NXB Thanh Niên và Công ty sách Phương Đông đã ấn hành tập phóng sự, bút ký “Cánh chim rừng không mỏi” của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Cuốn sách gồm 17 bài viết kèm nhiều hình ảnh minh họa sinh động, trong đó có nhiều bài dài 3-4 kỳ, được tác giả viết trong khoảng 3 năm trở lại đây.

Câu chuyện mới của “King Kong” sẽ xoay quanh điểm nhìn của chính "vua khỉ", với những cảm xúc hoang dã nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục