Cuộc thi viết "Hoa đời thường": Tiếp thêm niềm tin yêu cuộc sống
- Cập nhật: Thứ năm, 16/6/2011 | 3:29:33 PM
YBĐT - “Người ta là hoa của đất” - con người là chủ thể, là trung tâm của tất cả các hoạt động xã hội. Đề tài và cảm hứng chủ đạo ấy đã xuyên suốt trong mọi tác phẩm tham dự cuộc thi.
Phóng viên Báo Yên Bái điện tử, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phỏng vấn cử tri huyện Mù Cang Chải đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. (Ảnh: Thái Hoàng)
|
Đọc, suy ngẫm, khâm phục, tin yêu và hy vọng, những tác phẩm dự thi “Hoa đời thường” đã mang đến cho độc giả bao cảm xúc tươi mới, tựa như được chiêm ngưỡng sắc màu của hoa, được đắm say trong hương thơm nồng nàn, được thưởng thức trái ngọt dâng đời. Sắc màu, hương thơm và trái ngọt lành hội tụ đầy đủ để “Hoa đời thường” có ích với đời. “Hoa đời thường” đã khơi gợi ở mỗi người ý thức hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ và nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn trong sáng, lành mạnh. Cuộc sống luôn tươi đẹp và cảm xúc đó đã tiếp thêm niềm tin yêu cuộc sống!
“Hoa đời thường” - ngay bản thân tên gọi này đã bao hàm ý nghĩa và mục đích của cuộc thi. Đây là một chặng đường nối tiếp những cuộc thi viết liên tục được tổ chức của Báo Yên Bái.
Khai thác, khám phá những cuộc đời, những số phận, những hành động, những suy nghĩ, những việc làm… của biết bao con người đang sinh sống, lao động, học tập, công tác trên quê hương Yên Bái đồng nghĩa với việc, các tác giả mang đến cho người đọc thật nhiều cảm xúc chân thực về những sắc màu của cuộc sống hôm nay.
“Người ta là hoa của đất” - con người là chủ thể, là trung tâm của tất cả các hoạt động xã hội.
Đề tài và cảm hứng chủ đạo ấy đã xuyên suốt trong mọi tác phẩm tham dự cuộc thi. Mỗi một số phận riêng lẻ, độc lập nhưng không tách rời các mối quan hệ cộng đồng, xã hội.
Mỗi một miền quê hòa chung sức sống, nhịp phát triển của cả dân tộc và đất nước. Trong sự riêng - chung đó, con người đã, đang và sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình trong dòng chảy của cuộc đời.
Giữa những bộn bề, lo toan thường nhật, mỗi người có cho riêng mình một lý tưởng, một mục đích sống. Sống cho ra sống, sống đẹp và sống có ích, không chỉ ý nghĩa cá nhân mà với cả cộng đồng.
Hàng trăm tác phẩm dự thi của đội ngũ phóng viên Báo Yên Bái cùng lực lượng cộng tác viên đã đi sâu tìm hiểu, biểu dương những tấm gương điển hình như thế ở khắp các địa phương, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trung thực, sinh động, cụ thể với nhiều cách thể hiện và chuyển tải nội dung thông tin đã giúp người đọc hình dung, cảm nhận và thêm gần gũi, trân trọng những tấm lòng.
Từ vùng thấp đến vùng cao, chốn thị thành hay nơi rẻo cao, vùng bờ bãi màu mỡ phù sa hay miền khô cằn sỏi đá, ở đâu có con người là ở đó có sự chinh phục thiên nhiên, có khát vọng vươn lên bất diệt.
Ý chí không cam chịu đói nghèo luôn song hành với cuộc mưu sinh đầy gian nan, khó nhọc bởi “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Cũng hẳn là thế nên đã có rất nhiều những con người từ đói nghèo trở nên giàu có nhờ sức lao động chân chính ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Năng động, táo bạo, dám nghĩ dám làm, kiên trì theo đuổi mục đích đến cùng chính là điểm chung nhất của những nhân tố điển hình phát triển kinh tế. Điều đáng quý hơn cả, họ không chỉ giàu của cải, vật chất mà thật sự rất giàu tình người, lòng yêu thương đồng loại.
Sự sẻ chia đã làm giàu hơn thật nhiều kho của cải mà họ sở hữu. Thêm một người no cơm ấm áo, bớt đi một căn nhà dột nát, nhiều hơn những gia đình khá giả, niềm vui tưởng như giản dị đó lại sâu thẳm gốc rễ của “dân giàu, nước mạnh”.
Những con người luôn mang trong mình khát vọng làm giàu và giúp ích cho mọi người thật đáng quý biết bao! Đó là ông Nguyễn Đức Năng ở thôn Đồng Cáy, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên trong tác phẩm ““Vua nhím” miền sơn cước” của tác giả Triệu Huấn.
Đó là thương binh hạng 2/4 ở thôn 4, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên - ông Nguyễn Văn Thành, người “Viết tiếp bài ca lao động” mà tác giả Ngọc Sơn đã khắc họa. Đó là anh Phạm Hồng Giang ở thôn 9, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên - “Biết làm giàu, rộng lòng nhân ái” được tác giả Huy Trung phản ánh rõ nét…
Kinh tế là yếu tố vật chất, văn hóa là yếu tố tinh thần. Kinh tế phát triển, tạo nền tảng quan trọng để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Trong xu thế hội nhập toàn cầu, mỗi quốc gia khó có thể “khép mình”, “đóng cửa”. Điều quan trọng là làm sao để hạn chế những tác động xấu, đồng thời tiếp nhận những tinh hoa của nhân loại để phát triển.
Giao thoa văn hóa là tất yếu, tiếp thu cái đẹp và tích cực cũng cần thiết song gìn giữ, phát huy, nối tiếp truyền thống văn hóa hết sức quan trọng vì văn hóa là cội nguồn sức mạnh dân tộc. Quên quá khứ sẽ dễ đánh mất bản thân trong hiện tại và tương lai. Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, văn hóa các tộc người thiểu số cũng đứng trước những thách thức của sự mai một. Vì thế, có những con người hết sức lặng thầm làm những công việc bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc để truyền lại cho lớp trẻ.
Tác giả Văn Thông đã giới thiệu với bạn đọc về “Người lưu giữ tiếng sáo Tồm Ông Dặt” ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên. Ông là Đặng Nho Vượng - “kho tư liệu sống” và người duy nhất của cộng đồng người Dao nơi đây có thể cùng lúc thổi hai sáo “Tồm Ông Dặt” bằng mũi mà miệng vẫn hát. Ông luôn trăn trở với việc làm sao giúp lớp trẻ dân tộc mình giữ gìn được nghệ thuật thổi sáo.
Đến với xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tác giả Thanh Chi chia sẻ và đồng cảm cùng những băn khoăn, nỗi niềm của ông Hoàng Tương Lai - “Người “say” với hồn dân tộc”. Ông Lai đã dày công ghi chép, sưu tầm, chỉnh sửa các điệu hát khắp, coọi, phong sư, khảm hải… rồi dịch từ tiếng Tày ra tiếng phổ thông. Ông còn tận tâm tận lực dạy hát cho các bạn trẻ để giữ liền mạch tình yêu với cội nguồn dân tộc…
Hơn bốn năm qua, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Rất dễ lý giải về điều đó bởi con người - nhân cách - đạo đức của Hồ Chí Minh - Người mang tên đẹp nhất có một sự ảnh hưởng, sức thuyết phục lớn lao đối với tất cả mọi người dân đất Việt. “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”, hẳn thế nên mỗi người đều muốn hoàn thiện bản thân mình. Dường như ai trong mỗi chúng ta cũng đều tôn kính Bác, yêu Bác và nhớ Bác trong mỗi việc làm, trong mỗi nghĩ suy. Tình cảm yêu kính ấy rất đỗi tự nhiên, rất đỗi thân thương, rất đỗi gần gũi nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng. Ông Trần Đức Hồi ở tổ 46, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái nhiều năm qua đã miệt mài đi tìm những “dấu chân” của Bác với vài chục quyển sổ ghi chép có phụ lục, 120 bức ảnh và gần 2.000 bài viết về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mọi lĩnh vực được chép tay cẩn thận. Ông Hà Văn Tích ở thôn 4 Thanh Bồng, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn sưu tầm được hơn 300 kỷ vật chiến tranh, nông cụ sản xuất, những hình ảnh hoạt động cách mạng của Bác Hồ và quê hương Đại Lịch. Tác giả Tô Anh Hải - Ngọc Sơn đã gửi đến người đọc một tình yêu lớn lao, xúc động của “Những người đi tìm hình của nước” như ông Hồi, ông Tích. Đặc biệt, “Ông vệ sinh môi trường” Hoàng Đình Mâu ở thôn 3, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn 15 năm qua đã tự nguyện dọn vệ sinh con đường làng mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Lý do ông làm công việc ấy chỉ đơn giản “Vì tôi luôn học tập theo gương của Bác Hồ”. Người cựu chiến binh Hoàng Đình Mâu qua trang viết của tác giả Phạm Thảo đẹp một cách giản dị với niềm vui, niềm hạnh phúc được lao động và được cống hiến…
Bạn đọc thật sự khâm phục ý chí, nghị lực vượt khó trên con đường học chữ của Thào A Sĩ Di, một học sinh người Mông huyện Trạm Tấu bị khuyết tật trong tác phẩm “Khát vọng học chữ” của tác giả Phương Thùy. Tác giả Thu Hạnh lại trải nghiệm những khó khăn, vất vả trong công việc cùng “Bác sĩ Hà Minh Thư và hành trình loại trừ bệnh sốt rét” suốt gần 30 năm. Nơi vùng cao Mù Cang Chải, tác giả Nguyễn Thị Hồng ngợi ca “Nữ chiến sĩ an ninh người Mông “Hai giỏi”” Lý Hoàng Cung luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Cũng có nhiều thú vị với những “cao kiến” về cách tuyên truyền độc đáo của anh Sùng A Vàng ở bản Thào Xua Chải, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải qua lối viết sinh động của tác giả Kim Giao trong tác phẩm “Chuyện học sinh và điếu thuốc lá”. Tác phẩm đậm tính thời sự khi chúng ta đang đẩy mạnh việc tuyên truyền không hút thuốc lá, nhất là đối tượng học sinh trong các nhà trường.
Cuối cùng, phải nhắc đến một điểm nhấn ấn tượng nhất, sức gợi lớn nhất, tính nhân văn sâu sắc là tác phẩm “Cổ tích giữa đời thường” của tác giả Hồng Vân. Câu chuyện kể như trong cổ tích mà lại hiện hữu rất thật giữa đời thường. Hai cháu bé bị bỏ rơi đã được chị Lương Thị Vân ở thôn 6, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên nuôi nấng, yêu thương, cho một mái ấm suốt 15 năm qua. Vượt lên định kiến xã hội, sự phản đối của cha mẹ, những khó khăn đời thường, chị Vân như bình minh, như nắng mới sưởi ấm hai trái tim thơ dại. Có một tình yêu, ba mẹ con chị cùng nhau sống và hướng đến ngày mai tươi đẹp. Cùng xã Lâm Giang, vợ chồng anh chị Đỗ Văn Tuấn - Lê Thị Tuyến ở thôn Khe Sẻ đã nhận nuôi bé Nam, dân tộc Dao đỏ xã Kim Sơn, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai sớm mồ côi cha mẹ. Cũng trong gia đình này 22 năm qua còn có bà cụ Sơn không nơi nương tựa, đi lang thang mà anh chị đưa về nuôi. Đông con, nuôi thêm một đứa trẻ và một người già, cuộc sống nhiều lúc vô cùng khó khăn, anh chị phải làm việc cật lực. Dù vất vả là thế nhưng trong ngôi nhà ấy luôn đầy ắp tiếng cười, niềm vui và tình yêu thương. Tình thương giữa con người với con người đã thắp sáng cuộc đời của những số phận kém may mắn và gắn kết họ với nhau bền chặt.
Đọc, suy ngẫm, khâm phục, tin yêu và hy vọng, những tác phẩm dự thi “Hoa đời thường” đã mang đến cho độc giả bao cảm xúc tươi mới, tựa như được chiêm ngưỡng sắc màu của hoa, được đắm say trong hương thơm nồng nàn, được thưởng thức trái ngọt dâng đời. Sắc màu, hương thơm và trái ngọt lành hội tụ đầy đủ để “Hoa đời thường” có ích với đời. “Hoa đời thường” đã khơi gợi ở mỗi người ý thức hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ và nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn trong sáng, lành mạnh. Cuộc sống luôn tươi đẹp và cảm xúc đó đã tiếp thêm niềm tin yêu cuộc sống!
Nguyễn Thơm
Các tin khác
Trung tâm Truyền hình thanh niên T.Ư Đoàn cho biết, Liên hoan Truyền hình thanh niên toàn quốc sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 21.6, tại Nha Trang (Khánh Hòa).
YBĐT - Ngày 15/6, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2011 và trao Giải thưởng VHNT tỉnh Yên Bái năm 2010. Dự có đồng chí Ngô Thị Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
YBĐT - Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, việc hẹn hò tìm hiểu tiến tới hôn nhân đều có hát tỏ tình giao duyên. Hát giao duyên của người Cao Lan được gọi là Sịnh Ca có nơi gọi là Sình Ca.