Sự cần thiết bảo tồn nhạc cụ Mông
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/9/2011 | 2:56:02 PM
YBĐT - Cho đến bây giờ Trạm Tấu (Yên Bái) vẫn là vùng đất mơ ước của nhiều nhà sưu tầm, nghiên cứu bởi nơi đây ẩn chứa một kho tàng văn hoá vô tận từ các làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian truyền thống đến các loại nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hoá tộc người rất Mông.
Múa khèn của người Mông.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Theo lời ông Giàng Nỏ Chua thôn Tấu Dưới, Xã Trạm Tấu thì xuất phát từ lao động sản xuất cũng như tình cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên hùng vĩ, giữa con người với vũ trụ bao la, đồng bào Mông đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mình vào các làn điệu dân ca, dân vũ. Để cho những sản phẩm văn hoá tinh thần đó thêm phong phú, họ sáng tạo ra những loại nhạc cụ riêng cho mình như: khèn, khèn lá, đàn môi, sáo, nhị….Trong cái bao la hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, âm hưởng của các loại nhạc cụ ấy đã tạo nên một bản tình ca ấm áp, đậm đà bản sắc tộc người. Mỗi nhạc cụ đều có những đặc trưng riêng và chứa đựng trong nó những sự tích về sự ra đời của mình.
Cây khèn Mông rất độc đáo và là một nhạc cụ rất đặc trưng của người Mông, ra đời gắn liền với sự tích, tình cảm sâu sắc của người em út đối với sự ra đi của cha mẹ và các anh. Chuyện kể rằng: “Chàng buồn rầu suy nghĩ chưa biết làm cách nào để thổi được cái khèn mà trước đó nó chỉ là 6 bộ phận tách rời nhau để 6 anh em cùng được thổi. Một buổi sáng đang cày nương bỗng nghĩ ra một ý, bèn tháo ách thả cho trâu ăn cỏ rồi vác dao lên rừng đốn cây gỗ ngả xuống. Chàng chặt lấy một đoạn mang về làm bầu khèn sau đó chặt trúc lựa lấy 6 đoạn làm ống khèn.
Cứ chiều chiều, mặt trời xuống núi chàng dắt trâu về chuồng, tranh thủ làm mùa liền tay cho kịp vụ. Đêm đêm cặm cụi chàng dùng dao nhọn đẽo gọt bầu khèn, khoét trúc làm lỗ, làm thành cái khèn mà một người cũng thổi được. Chàng đem khèn ra thổi, lạ thay, cả vùng rừng núi trầm lặng, quạnh hiu bỗng trở nên xôn xao, da diết, gợi nhớ, gợi thương. Dân bản từ khắp mọi nơi tụ tập về bên chàng nghe tiếng khèn...”.
Nói đến người Mông, chúng ta nghĩ đến vùng núi cao - nơi cư trú đã bao đời của họ. Một miền quê yêu dấu lẩn khuất trong sương mù, với những ngọn núi sừng sững vươn cao cùng mây trời bồng bềnh quấn quýt. Nơi ấy, xa xôi cách trở và muôn vàn khó khăn, đã tạo cho người Mông một sức sống kiên cường mạnh mẽ, đầy tinh thần thượng võ. Và cũng chính từ nơi đây, âm nhạc người Mông xưa vẫn còn giữ được những nét đặc thù, độc đáo không thể lẫn với âm nhạc của bất cứ một dân tộc nào, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc dân gian.
Quá trình sản xuất ra các loại nhạc khí ngoài cái khèn chung, tộc người Mông còn có nhạc khí kéo, nhạc khí gẩy, nhạc khí đồng, nhạc khí gỗ, nhạc khí gõ… Âm điệu của các loại nhạc cụ Mông vừa mang nét riêng của văn hoá tộc người, vừa mang nét chung của văn hoá vùng. Nó vừa da diết gọi mời, vừa góp phần làm phong phú thêm nền văn hoá 54 dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, người Mông đã và đang sáng tạo nên nhiều làn điệu âm nhạc mới, những hình thức biểu diễn mới. Điệu hát ru con, ru em đã xuất hiện cùng với việc biểu diễn kịch nói, hoạt cảnh trên sân khấu. Người Mông đã sử dụng hình thức biểu diễn ca hát có đệm đàn, ca hát tập thể và đối ca, thổi lá tập thể… Tuy nhiên, việc phát triển âm nhạc tộc người Mông theo hướng cải biên hiện đại xoá nhòa đặc trưng rất Mông là một điều đáng lưu tâm, nhất là những làn điệu dân ca sâu lắng, những tiếng đàn môi dịu ngọt, điệu khèn gọi bạn da diết.
Trước tác động của cơ chế thị trường vào cuộc sống xã hội nói chung, văn hoá nói riêng, thực sự vấn đề bảo tồn những di sản văn hoá tộc người là rất cần thiết và cấp bách.
Trong thời gian vừa qua ngành văn hoá tỉnh đã xây dựng đề án tổng kiểm kê di sản trên toàn tỉnh và đã tiến hành xong giai đoạn một. Tuy nhiên đây là một vấn đề nhạy cảm và phải thực hiện trong thời gian dài. Do vậy rất cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp các ngành và cả sự giúp đỡ của các tổ chức bảo tồn di sản văn hoá trong và ngoài nước để chúng ta có đủ điều kiện bảo tồn nền văn hoá nói chung, trong đó có nhạc cụ tộc người Mông không chỉ ở riêng Trạm Tấu đang trên đà mai một.
Hứa Thuý Vinh
Các tin khác
Ngày 22-9, tròn một năm ngày mất NSND Y Moan, đông đảo người thân, bạn bè và những người yêu mến nghệ sĩ đã tề tựu tại nhà tưởng niệm buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) thắp nén hương tưởng nhớ “cánh chim đầu đàn của đại ngàn Tây Nguyên”.
Trường Đại học Kinh tế TPHCM sẽ tổ chức khai mạc chương trình lập kỷ lục Guinness “Tranh ghép bản đồ tư duy Việt Nam nhiều mảnh nhất – The Largest Mindmap Jigsaw puzzle – most pieces”, tại Nhà thi đấu Phú Thọ, 221 Lý Thường Kiệt, quận 11 ngày 24-9.
Viện Hàn lâm Điện ảnh và khoa học Mỹ vừa ban hành quy định mới nhằm hạn chế những chiến dịch quảng bá, “vận động tranh giải” quá đà của một số hãng phim lớn của Hollywood.