Hái lộc
- Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2012 | 4:18:13 PM
YBĐT - Đêm giao thừa thiêng liêng và hồi hộp, rủ nhau đi hái lộc tìm kiếm sự may mắn, vuông tròn của một năm mới. Chả biết có tự bao giờ mà phong tục ấy trở thành niềm thiêng liêng trong tâm khảm tôi ngay từ thời trai trẻ…
Tết năm trước, đợi đến giao thừa để rủ nàng đi hái lộc, nàng từ chối:
- Ngượng chết! Ai dám cầm tay nhau đi hái lộc, gặp người quen thì sao…
Tôi biết, nàng hay xấu hổ. Cưới nhau rồi mà chả khi nào dám đi sóng đôi, cứ người trước, người sau đến lạ. Tôi đành đi hái lộc một mình. Ra đến bờ đê, rẽ xuống khu giếng làng đã thấy đông người. Nhanh chân trèo lên bờ tường hoa, tôi bẻ ngay được một cành lá xum xuê, lòng tràn đầy hứng khởi đem về.
Nàng vẫn đứng đợi tôi ở cửa để đón lộc. Tôi lễ mễ vác cành lộc vẻ kiêu hãnh.
- Sao cành lộc to thế? - nàng lấy tay che miệng cười sặc sụa - Cành này thì chỉ có lá thôi, làm gì có lộc. Trước khi hái lộc, anh có lễ xin không?
- Xin ai ở đấy?
Nàng lại cười:
- Xin trời, xin Phật chứ còn xin ai nữa?
Tôi ngẩn người ra. Nàng nói đúng. Cành lộc của tôi toàn những lá. Nhưng thôi, chẳng sao, có ai nỡ trách người chưa hiểu. Nói thế nhưng nàng vẫn đón nhận cành lá từ tay tôi một cách thành kính rồi đặt lên ở một góc bàn thờ. Mẹ tôi thắp hương cắm vào bình rồi khấn bái lẩm nhẩm điều gì tôi không rõ nhưng cũng đầy vẻ thành kính.
Giao thừa năm nay, tôi lại rủ nàng đi hái lộc. Nàng vẫn bảo:
- Ngượng lắm! Ở quê toàn người quen, có đông người như ở thành phố đâu…
Tôi cố thuyết phục nàng:
- Ngượng gì mà ngượng lâu thế? Lấy nhau đã gần hai năm rồi, năm nay còn là…
Tôi nhất quyết rủ nàng đi bằng được. Tôi nắm tay nàng đi về phía lối cũ chúng tôi vẫn đi ngày mới quen nhau. Con đường rợp bóng cây. Nàng hỏi tôi:
- Thế hái lộc ở đâu?
- Ở đâu có lộc thì hái. Hay ra công viên làng?
Quen gọi là làng nhưng quê tôi từ lâu đã là nửa phố nửa làng. Nửa phố, người ở đông hơn. Nhà xây, cao tầng nhưng vẫn xanh bóng cau, vẫn nghe tiếng chuông chùa rung ngân trong mỗi buổi ban chiều. Người ta vẫn quen gọi cái giếng Phượng của làng là công viên. Gọi như thế cũng chẳng sai vì ở đấy khuôn viên rộng, xung quanh có tường hoa bao bọc, có trồng hoa, trồng cây cảnh, chả mấy khi vắng bóng người. Ai đi đâu xa, tết đến về quê cũng ra đây thăm lại giếng làng với cái tên thật đẹp, giếng Phượng.
- Thôi, không kịp ra công viên nữa rồi!
Tôi nói với nàng như thế khi đã nghe thấy tiếng chuông đang ngân lên khoan thai, dõng dạc, báo hiệu thời khắc giao thừa. Nàng lần nắm tay tôi, dắt tôi đi về hướng khác:
- Ta vào vườn đền hái lộc.
Quê tôi, ngoài công viên làng còn có vườn chùa, vườn đền có nhiều hoa thơm, cây lạ. Vườn đền tối và lạnh, quyện sánh mùi hương trầm. Ánh nến đỏ lung linh từ ngôi đền cổ hắt ra chỉ đủ cho thấy lối đi. Nàng dắt tay tôi như dắt một đứa trẻ trong vườn. Nàng bảo tôi chắp hai tay trước ngực rồi nàng khấn. Những lời cầu xin của nàng với trời, với đất, với thần linh thổ địa, tôi suýt bật cười. Nhưng rồi thấy lời nàng thành kính, tôi lại chắp tay trước ngực. Và rồi nàng chìa hai bàn tay xin ăn mày tổ Mẫu cho nàng hái lộc. Nàng xin cho nàng một lộc, cho tôi một lộc và một lộc cho mẹ chồng.
Trong đêm, tôi thấy nàng đưa tay lên những cành cây vẻ như đã khô, không còn một chiếc lá nào. Nàng hái. Nàng đưa cho tôi một nhành lộc. Nàng bảo tôi kẹp vào giữa hai lòng bàn tay rồi hướng về phía mặt trời mọc vái đủ ba vái. Thấy tôi chưa hiểu, nàng bảo, mâm cúng ngoài trời trước giao thừa là lễ tạ công trời, công đất năm qua nên hướng về phía mặt trời lặn mà lễ, còn xin lộc là xin cho năm mới cho nên phải hướng về phía hừng đông mà lễ.
Trên đường đem lộc về nhà, nàng bảo tôi: “Anh biết không, những lời cầu xin thành tâm ấy cũng là lời người xưa truyền lại từ thuở vua Hùng. Vào đêm giao thừa, vua cha sai các con làm mâm cơm đem lên núi Nghĩa Lĩnh để Đức cha tạ ơn trời, tạ ơn đất, hướng về phía núi voi chầu nơi mặt trời lặn. Tạ ơn trời đất xong, Đức cha lên núi hái lộc. Trời tối như bưng, chạm tay vào lộc nào, vua cha hái lộc ấy. Hái xong rồi quay về phía núi voi chầu đằng đông và vái. Lộc xuân, vua cha đem về ban phát cho các con ngày đầu năm mới”.
- Lộc xuân là của trời, của đất, của tổ tiên để lại, muốn được phải thành kính cầu xin. Hình như lúc em cầu xin, anh suýt bật cười phải không?
Chúng tôi ôm khư khư ba nhành lộc trong lòng bàn tay. Về đến nhà, nàng đem đặt vào đĩa rồi dâng lên bàn thờ để mẹ thắp hương kính báo với tổ tiên. Đợi hương tàn mới được đem lộc xuống xem. Chao ôi, đẹp đẽ làm sao! Ba nhành lộc là ba chồi non của cây lộc vừng. Những lộc non rực rỡ, lung linh trong ánh sáng đèn, trong đôi mắt mẹ và nụ cười rạng rỡ của em.
Ấy là lần đi hái lộc đêm giao thừa năm nàng tròn 20 tuổi.
Hải Đường
Các tin khác
YBĐT - Ở vùng đồng bào Mông, nét văn hóa đặc trưng và nổi bật nhất trong gia phong là sự chi phối bởi quan hệ của dân tộc, dòng họ. Trong đó, tộc người này đặc biệt quan tâm đến ý thức đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc và sự đoàn kết của cộng đồng, dòng họ. Bởi vậy, khi cư trú, người Mông thường sống quần tụ theo dòng họ, huyết thống để dựa vào nhau trong cuộc sống và lao động sản xuất.
YBĐT - Xác định rõ ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, nhiều năm trở lại đây, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã khôi phục và truyền dạy 6 điệu xòe cổ dân tộc Thái, bảo tồn cũng như phát huy các điệu múa dân gian, các nhạc cụ dân tộc gồm 6 loại pí chế tác từ tre, nứa.
YBĐT - Tôi theo câu hát giao duyên của người con gái Dao tìm về làng văn hóa Khe Đát xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Cuộc sống đổi thay, đời sống văn minh hiện đại đã làm cho gái trai trong bản thêm xinh thêm đẹp, nhưng nét duyên quê và những tập tục sinh hoạt văn hóa của người Dao nơi đây thì vẫn còn lưu giữ được vẹn nguyên nét mộc mạc riêng có.
Chuyên trang sắc đẹp Globalbeauties vừa công bố danh sách Top 5 Hoa hậu hấp dẫn nhất hành tinh năm 2011. Cái tên Ivian Sarcos Colmenares (Venezuela) - Hoa hậu Thế giới 2011 được xướng lên.