Trang phục cung đình Huế - Di sản thời trang đặc sắc
- Cập nhật: Chủ nhật, 15/4/2012 | 8:24:48 AM
Những bộ trang phục triều Nguyễn đã trở thành di sản đặc sắc, ẩn chứa sử liệu bất thành văn trong việc nghiên cứu và phát triển văn hóa Huế.
Trang phục Cung đình Huế - di sản đặc sắc trong kho tàng văn hóa Huế.
|
Du khách đến Huế, chắc hẳn nhiều người đã được “làm vua”: khoác long bào, hoàng bào… thông qua các dịch vụ chụp ảnh với ngai vàng, ăn cơm vua, nghe ca Huế trên thuyền rồng… Tuy nhiên, đó chỉ là những phiên bản tái tạo theo hình thức của trang phục cung đình Huế xưa. Còn thực chất trang phục cung đình Huế nguyên bản hiện nay còn lưu giữ được rất ít.
Nguyên nhân là do trang phục cung đình được các nghệ nhân cắt may, trang trí, thêu thùa hoàn toàn bằng thủ công nên được sản xuất rất ít, đôi khi chỉ là một bộ. Chất liệu chủ yếu lại bằng vải lụa nên tuổi thọ lại không cao trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết ở Huế. Hơn nữa, là tư trang cá nhân qua nhiều biến thiên của lịch sử cũng như sự thờ ơ của con người một thời gian dài trong và sau chiến tranh nên mất mát rất nhiều.
Nơi lưu giữ được nhiều nhất các loại trang phục triều Nguyễn hiện nay ở Huế là Bảo tàng mỹ thuật Cung đình Huế, cũng chỉ còn lại khoảng hơn 100 bộ áo quần rất quý hiếm của các vua, hoàng hậu, hoàng tử, quan lại... như áo sa kép có thêu hình rồng màu huyền đen dùng để mặc thường triều, áo lương dệt rồng tay rộng, có đính các hạt kim tuyến dùng để mặc trong lễ tế Đàn Nam Giao của vua Minh Mạng (1802 - 1840); áo thường triều của vua Tự Đức, Khải Định; áo đoạn gấm của bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (vợ vua Khải Định), cho đến lễ phục, thường phục của Nam Phương Hoàng hậu gần đây...
Tuy số lượng không lớn, nhưng trang phục triều Nguyễn đã trở thành di sản văn hóa đặc sắc trong kho tàng văn hóa Huế. Mỗi bộ trang phục thực sự là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, là sự kết hợp tài hoa của nghệ thuật dệt, may, thêu thùa, hội họa và nghệ thuật chế tác kim hoàn.
Các bộ trang phục cung đình Huế còn lưu giữ đến ngày nay chủ yếu được sản xuất từ các sản phẩm dệt cao cấp như nhiễu lụa, sa nam, gấm đoạn, kim tuyến…được cắt may tỷ mỷ công phu đến từng mũi chỉ. Ngoài ra các nghệ nhân xưa còn sử dụng các chất liệu phụ trợ như đồng, vàng, bạc, hổ phách, mã não, tua kim tuyến… đính trên mũ áo, làm cho trang phục vừa bền đẹp, vừa thể hiện phẩm cấp của người mặc.
Theo sử sách nhà Nguyễn, sau khi thống nhất đất nước, lập nên vương triều Nguyễn năm 1802, vua Gia Long mới giao cho Bộ Lễ trưng tập các nghệ nhân giỏi về cắt may, thêu thùa, trang trí trang phục trong cả nước về Kinh đô Huế để phục vụ cho việc thiết kế trang phục cho triều đình.
Đồng thời, triều Nguyễn cũng đưa ra những qui định cụ thể về màu sắc, hình tượng trang trí, chất liệu cho các loại phẩm phục tương ứng với phẩm hàm của vua, hoàng hậu, thái tử và quan lại, lính tráng. Chính sách về phẩm phục cung đình được vua Minh Mạng(1820 1840) một nhà cải cách hành chính nổi tiếng hoàn tất và thực hiện nghiêm minh từ đó trở về sau.
Long Bào triều Nguyễn được cắt may tỷ mỷ công phu đến từng mũi chỉ. |
Trang phục cung đình Huế không chỉ biểu hiện sự thống nhất tập trung của triều đình, mà còn là sự kế thừa nét văn hóa đặc trưng về trang phục của các triều đại Việt trước đó.
Trang phục của vua gồm nhiều loại được may theo cách thức riêng có tên gọi màu sắc và hoa văn khác nhau như: Long bào là áo thiết đại triều trang trí rồng mặt lớn, đi kèm có mủ cửu long, hia có thêu đôi rồng nạm vàng. Hoàng bào là áo thiết thường triều thêu long ngậm trân châu, đi kèm có mủ bình thiên, hài kim tuyến. Long cổn là áo vua dùng trong các dịp tế lễ Nam Giao, Xã Tắc…màu đen tay thụng lớn mặt trước thêu lưỡng long triều nhật. Hồng bào là áo vua dùng trong các dịp di cày tịch điền, mắt trước thêu rồng ẩn trong mây (long ẩn vân).
Trang phục của hoàng hậu và phi tần thì có Phụng bào mặc trong các dịp lễ tết quan trọng, mỗi chiếc phụng bào thường thêu nổi hình ba con chim phượng đang bay ở chính giữa thân áo. Đối với các hoàng tử thì có Mãng bào mặc trong các dịp lễ tết thiết đại triều, Công chúa thì có Áo đoàn phụng nhật bình công chúa thêu nổi 13 hình chim phượng lớn thể hiện dưới dạng cuộn tròn, trong những vòng tròn này thêu hình mặt trời và cái bầu như tên gọi của chiếc áo.
Đối với quan lại văn, võ thì tùy theo cấp bậc, phẩm hàm mà được vua ban phẩm phục qui định mỗi người một bộ trang phục đại triều và thường triều. Triều phục đại triều được cấp cho quan võ tam phẩm, quan văn lục phẩm trở lên, còn lại các bậc quan còn lại thì chỉ được mặc thượng triều.
Ngoài phân chia các loại trang phục theo công năng, phẩm hàm thì màu sắc, trang trí, chất liệu cũng là một yếu tố đặc trưng được qui định trong trang phục cung đình Huế. Chỉ có nhà vua mới được dùng màu chính hoàng (tức màu vàng), các bậc thiên tuế như hoàng thái tử là màu da cam, các bậc vương, hoàng tử và trưởng công chúa mặc màu đỏ, các phi tần mặc màu đại hồng, hoặc tím biếc tùy theo cấp bậc.
Trong các dịp tế lễ, vương triều dùng trang phục màu đen. Trong các buổi thường triều thì vua dùng trang phục màu vàng còn các thân vương, hoàng tử cho đến các quan lại đều sử dụng màu xanh lam, lục và đen…
Việc trang trí trên trang phục cũng tuân thủ nguyên tắc: Áo mũ của vua bao giờ cũng thêu rồng lớn, hoàng tử, hoàng thân thêu kỳ lân, phi tần công chúa thêu phượng, quan lại thì thêu chữ, hoặc kỳ lân…Chính nhờ sự tuân thủ nghiêm ngặt những qui định về trang phục của triều đình như thế, nên việc thiết kế, may, trang trí trên trang phục được các nghệ nhân may thêu của triều đình thực hiện hết sức công phu tỷ mỷ, không phạm phải một sai sót nào từ đường kim múi chỉ.
Nhờ những qui định nghiêm ngặt về trang phục như vậy mà cho đến nay, nhiều bộ áo quần được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo xứng đáng là di sản thời trang đặc sắc của một thời.
Điều thú vị làm ngỡ ngàng nhiều nhà nghiên cứu trang phục cung đình Huế là chất liệu để may trang phục, nhiều người cứ tưởng trang phục cho vua, quan xưa phải là những thứ lụa là ngoại nhập. Nhưng không, những loại gấm, nhiễu, lụa, sa tanh…dùng để may trang phục cung đình đều được sản xuất trong nước, là những sản phẩm của các làng nghề tơ tằm dệt lụa nổi tiếng ở nước ta.
Cũng chính từ những gì còn lưu giữ được hiện nay về trang phục cung đình Huế, nhiều nghệ nhân tâm huyết với văn hóa trang phục thời Nguyễn đã lấy làm cơ sở để tái tạo phục hồi được rất nhiều trang phục Huế xưa.
Nghệ nhân Trịnh Bách - một Việt kiều ở Mỹ đã không tiếc công sức tiền bạc khảo sát sản phẩm của hầu hết các làng nghề dệt lụa ở nước ta để phục hồi gần như nguyên vẹn những bộ trang phục của cung đình Huế (một phần những bộ trang phục này đã được tặng lại cho Huế). Hay lấy cảm hứng từ trang phục cung đình mà nhiều nhà thiết kế thời trang đã làm nên những bộ sưu tầm đặc sắc như nhà thiết kế Minh Hạnh với những đêm trình diễn thời trang lộng lẫy trên sông nước Hương Giang trong các kỳ Festival Huế. Ở Festival Huế 2012, một lần nữa du khách được thưởng lãm 12 bộ trang phục cung đình nguyên bản qua triển lãm trang phục cung đình Huế.
Có thể nói, trang phục cung đình Huế còn lại hiện nay là một phần rất nhỏ trong kho tàng văn hóa Huế. Nhưng ẩn chứa bên trong là cả một chiều sâu văn hóa, lịch sử, là sử liệu bất thành văn để nghiên cứu và phát triển văn hóa Huế.
(Theo VOV)
Các tin khác
Theo tin từ Bộ VH,TT&DL, thời gian qua, CNN đã phối hợp rất tốt với Bộ quảng bá các hoạt động văn hóa, du lịch của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Trong năm 2012, Bộ VH,TT&DL và tỉnh Ninh Bình sẽ hợp tác để quảng bá hình ảnh quần thể danh thắng Tràng An trên kênh CNN.
Với thu nhập 54 triệu bảng Anh, ngôi sao phim "Harry Potter"- Daniel Radcliffe đã đứng đầu danh sách diễn viên trẻ giàu nhất.
“Chương trình hòa nhạc Hennessy” được tổ chức thường niên tại Việt Nam trong 16 năm qua, kể từ năm 1996, đã trở thành một sự kiện âm nhạc có uy tín và được đông đảo khán giả yêu nhạc cổ điển Việt Nam đón đợi. Đặc biệt, chương trình lần thứ 16 này (đêm 12-4) đã chứng kiến hai cái nhất.
YBĐT - Nhiều tháng qua, mỗi khi Nhà máy Thủy điện Thác Bà đóng cửa xả thì phía hạ lưu sông Chảy lại diễn ra việc tìm kiếm cổ vật.