190 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 2012): Văn chương là liều thuốc cứu đời
- Cập nhật: Thứ ba, 17/4/2012 | 8:11:40 AM
Nguyễn Đình Chiểu sinh năm 1822 ở làng Tân Thới (có sách ghi là Tân Khánh) phủ Tân Bình, Gia Định, mất năm 1888 tại Ba Tri, Bến Tre. Cuộc đời ông là bài ca bi tráng còn mãi với muôn đời sau về nghị lực phi thường vượt qua số phận, trọn đời vì sự còn mất của đạo hạnh, của dân tộc, giống nòi.
Nhân dân đến viếng khu lưu niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre.
|
Năm 21 tuổi đậu tú tài. 25 tuổi ông ra kinh ứng thí kỳ thi hương. Nào ngờ ngày thi cận kề thì đột ngột hay tin thân mẫu mất. Sẵn tâm hiếu thảo khôn đong, ông vật vã khóc than, đành bỏ thi về chịu tang mẹ. Vì khóc thương mẹ quá nhiều, nỗi sầu bi quá lớn, con đường hồi hương lại vời vợi cách xa, chập chùng núi đồi ngàn dặm giữa những ngày hè cháy lửa, đôi mắt ông sinh trọng bệnh đã mờ dần rồi mù hẳn khi vừa đặt chân tới nhà.
Trong ngôi nhà dựng tạm, mái che giản đơn bằng mấy tàu dừa nước, dù gieo neo, nghèo khó, ông vẫn luôn đặt việc cứu đời, cứu người, cứu đạo lên trên hết. Biết bao người dân quê nghèo đã nhờ ông cứu rỗi thoát qua bạo bệnh mà chẳng mất một xu. Biết bao người khát khao đạo học song chưa một lần dám bén chân đến cửa Khổng sân Trình chỉ vì biết phận mình nghèo khó thì nay nghe tiếng thầy khóa Đình Chiểu mở lớp dạy chữ miễn phí đã nô nức rủ nhau đến học. Nhiều người trong số họ sau này đã trở thành nghĩa binh cảm tử dưới ngọn cờ Bình Tây Nguyên Soái Trương Định.
Rồi cũng bằng chính cái tâm nồng nàn của một nhà giáo lớn luôn trọn đời khát khao đem đạo nghĩa truyền bá cho muôn dân, ông đã tìm đến với văn chương như một điểm tựa mới, một vũ khí nhiệm mầu. Ông quan niệm văn chương không thể là thứ tiêu khiển để quên đời mà là một liều thuốc linh nghiệm để cứu đời, một thứ vũ khí đặc biệt để ông góp phần cùng nhân dân chống lại cái ác. “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Người dân Ba Tri kể lại sức làm việc của ông thật phi thường. Suốt ngày ông tất bật với việc bốc thuốc, dạy học. Đêm về ông bí mật tiếp các nghĩa binh bàn chuyện lớn. Khuya đến ông thao thức trăn trở, khóc cười đánh vật với từng câu thơ mới, bài thơ mới, nhào đi, sửa lại trong óc trong tâm đến thuộc lòng, có lúc cả trăm câu rồi sáng ra đọc cho người nhà hoặc học trò chép lại. 2.082 câu thơ trong truyện Lục Vân Tiên bất hủ đã được ông viết như thế trong ròng rã gần 5 năm trời. Thơ ông rất đậm tính dân gian, dân tộc nên được người dân Nam bộ truyền nhau thuộc lòng.
Hai tiếng ĐỒ CHIỂU càng trở thành niềm tự hào trân trọng lớn lao bao nhiêu trong lòng người dân Nam bộ thì càng trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi bấy nhiêu trong mắt nhìn của lũ bán nước và cướp nước. Có lần Đốc phủ sứ Tôn Thọ Tường với danh nghĩa bạn cũ nho sinh đã gửi quà và viết thư dụ ông cùng cộng tác với người Pháp để được “đổi đời”. Ông đã khước từ và đáp trả vẻn vẹn hai câu đầy cảm khái khinh thường: “Tôi thà đui mà giữ được đạo nhà chứ không bao giờ làm điều vô phúc, vô luân, vô đạo, vô học như lũ người sáng mắt mà ông cha không thờ”.
Giáp Tết Quý Hợi 1863 lại có người từ Soái phủ Nam kỳ tìm đến nhà ông trao món quà tết sang trọng cùng 20 lạng bạc với bức thư của một quan chức Pháp ngụ ý muốn mua chuộc ông bằng một mánh lới mới. Ông nhổ bọt cười khảy: “Đồ Chiểu này thà ngửa chén xin cơm của đồng bào mình chứ không bao giờ ngửa tay nhận một hạt gạo của lũ Lang Sa”.
Càng thương dân, càng yêu nước, lòng căm thù phẫn uất không đội trời chung với bọn cướp nước càng ngùn ngụt bốc cao trong ông. Ông ghét lũ chúng như “nhà nông ghét cỏ”. Bước chân xâm lược của chúng tràn tới đâu ông cùng gia đình lùi xa tới đó. Gia Định thất thủ, ông đưa gia đình lui về lánh mình ở Cần Giờ (TPHCM) rồi Cần Giuộc (Long An) và cuối cùng là Ba Tri (Bến Tre).
Đến thăm nơi yên nghỉ cuối cùng của ông, tại đây mọi người vô cùng xúc động khi được nhìn, được nghe giới thiệu về nấm mộ của ông. Vâng, mộ được đặt theo lời trăng trối cuối cùng của ông là đạp chân về phía Tây, phía có bọn Lang Sa ngàn lần đáng căm phẫn, phỉ nhổ đã đến xâm lược Tổ quốc ông, tàn phá quê hương ông, gây bao cảnh tang thương cho những người dân hiền lành chất phác mà ông gắn bó một đời yêu, một đời kính trọng.
Cùng với Lục Vân Tiên, những áng thơ như Chạy Tây, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc… mãi mãi là những viên ngọc quý chói sáng nhân cách ấy, tấm lòng ấy của ông.
Là nhà giáo, nhà thơ không nhìn thấy ánh sáng. Song chính ông đã đem lại ánh sáng cho bao người, bao thế hệ. Ông xứng đáng là ngôi sao lớn mãi mãi tỏa sáng trên bầu trời văn hóa Việt Nam như đánh giá của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Nhân Ngày Bảo vệ và chăm sóc người khuyết tật VN (18-4), chúng ta nhớ về ông, nhớ về tấm gương mẫu mực vượt qua nghịch cảnh, vượt qua bạo tàn để sống và cống hiến cho đời, cho nước, cho dân, cho sự nghiệp vun trồng đạo nghĩa xiết bao cao cả. Hai tiếng ĐỒ CHIỂU mãi mãi là bài học lớn cho mỗi chúng ta; đặc biệt cho người khuyết tật hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
(Theo SGGP)
Các tin khác
YBĐT - Trang phục truyền thống của người Mông được làm bằng vải dệt từ sợi lanh nhuộm màu chàm, có trang trí bởi những đường kim, mũi chỉ và nét vẽ bằng sáp ong tạo nên những hoa văn đẹp. >>>Nét nghệ thuật trong trang phục dân tộc Mông
Ngày 16-4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh vừa có chỉ thị về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong đó có nhấn mạnh việc kiên quyết không cấp phép biểu diễn, tiếp nhận giấy phép biểu diễn đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn, các ca sĩ đã có sai phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
YBĐT - Thế Lữ tên khai sinh là Nguyễn Thế Lữ, quê ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (sau này là huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc). Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Ông còn có bút danh khác Lê Ta.
Tối ngày 14/4, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, số 19 phố Albert, trung tâm Thủ đô Paris (Pháp) diễn ra lễ khai mạc Triển lãm tranh, ảnh và nghệ thuật sắp đặt của họa sĩ Việt kiều, Vương Pat Cam, mang tên “Hà Nội, 36 phố phường.”