Khúc tráng ca về khởi nghĩa Yên Bái
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/6/2012 | 2:53:32 PM
YBĐT - Trong lịch sử chống ngoại xâm của người Việt, rất nhiều câu nói của các anh hùng dân tộc được truyền tụng đến đời sau. Một trong những câu nói nổi tiếng đã đi vào lịch sử là câu: “Không thành công cũng thành nhân” của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học. Câu nói ấy trước ngày Khởi nghĩa Yên Bái thất bại (10/2/1930).
Tượng đài Nguyễn Thái Học tại Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái).
|
Tại pháp trường Yên Bái, vào lúc hơn 5 giờ 5 phút, sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930, sau khi phải chứng kiến 12 đồng sự rơi đầu với 12 lời hô “việt Nam vạn tuế” đứt đoạn dưới lưỡi máy chém; đến lượt mình, Nguyễn Thái Học còn đọc thơ bằng tiếng Pháp:
Mourir pour sa patrie
Cest le sort le plus beau
La plus digne denvie
(Chết cho đất nước của mình
Là cái chết đẹp nhất
Thanh thản tuyệt vời nhất)
Cũng như các đồng sự của mình, Nguyễn Thái Học bị lưỡi máy chém của thực dân Pháp phập xuống khi đang hô dở dang câu “Việt Nam vạn tuế”. Người đương thời chứng kiến kể rằng, máu ông phun xa hàng chục mét, miệng theo quán tính còn mấp máy một thoáng.
Còn chàng thanh niên Phó Đức Chính 22 tuổi đời (kém Nguyễn Thái Học 5 tuổi), người kỹ sư công chính, chỉ huy đánh Đồn Thông - Sơn Tây, bị bắt ra Tòa Đề hình của thực dân Pháp, cố đạo Méchet hỏi: “Cậu chết trẻ vậy có ân hận không?”. Phó Đức Chính trả lời: “Ở đời, mong làm lấy một việc lớn mà việc ấy không thành thì chết có gì ân hận? Cho ta nằm ngửa để nhìn lưỡi dao tội ác của người Pháp!”.
Cô Bắc (Nguyễn Thị Bắc) tại Tòa Đề hình Yên Bái ngày 23/3/1930, xử các nghĩa sĩ tham gia khởi nghĩa Yên Bái, trước viên Chánh án Osier, đã nói đanh thép rằng: “Này những người đại diện cho công lý của nước Pháp, nếu xử ta thì hãy về giật đổ tượng thánh nữ Jeanne d Arc, nữ thánh yêu nước Pháp chống ngoại xâm. Ta yêu Tổ quốc Việt Nam chống xâm lược, sao các ngươi lại đem xử?”.
Nguyễn Thị Giang (cô Giang, em ruột cô Bắc), người đồng sự, người tham mưu đắc lực, người vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học, sau khi chứng kiến cái chết oanh liệt của các nghĩa sĩ Yên Bái, đã về Thổ Tang quê chồng, thắp hương khấn tổ tiên và lễ sống bố mẹ chồng, rồi ra quán nước nơi hai người vẫn hò hẹn trước đây, dùng khẩu súng ngắn Nguyễn Thái Học tặng ở Đền Hùng mấy tháng trước, quyên thân. Nguyễn Thị Giang đã để lại 2 câu thơ tuyệt mệnh cảm động:
Thân không giúp ích cho đời
Thù không trả được cho người tình chung...
Nguyễn Khắc Nhu trực tiếp chỉ huy đánh đồn Hưng Hóa, đánh chiếm phủ lỵ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, bị thương nặng, khi sa vào tay lính Pháp, trong nhà giam đã tự đập đầu vào tường đến chết, quyết không khuất phục!
Cụ Hồ Chí Minh trong Diễn ca “Dân ta phải biết sử ta” cũng đã viết: “Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An/ Hai lần khởi nghĩa, tiếng vang toàn cầu”.
Nhà cách mạng Phan Bội Châu đã viết liền mấy bài văn tế, trong đó có bài văn tế các nghĩa sĩ hi sinh trong khởi nghĩa Yên Bái:
Tuy kim cổ hữu hình thì hữu hoại...
Nhưng sơn hà còn phách ắt còn linh...
Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, tiếng vang của “Khởi nghĩa Yên Bái” làm chấn động cả nước Pháp. Nhà thơ Pháp nổi tiếng Louis Aragon, tháng 6 năm 1930 đã viết bài thơ “Yên Bái” đăng trên tờ Front Rouge tại Paris: “Yên Bái, đây là cái từ nhắc nhở ta rằng, không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ!”...
Còn rất nhiều, rất nhiều những tác phẩm thơ, nhạc, văn xuôi, trong và ngoài nước viết về khởi nghĩa Yên Bái, không sao kể hết được. Nhân ngày giỗ lần thứ 82 của Nguyễn Thái Học và các đồng sự của ông 17/6/2012, xin điểm mấy chi tiết trên để thấy tinh thần yêu nước của dân Việt mình không bao giờ vơi cạn...
N.B
Các tin khác
Phó giáo sư-tiến sỹ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học, Trưởng đoàn khảo sát cho biết tháng Năm vừa qua, trong đợt điều tra, khảo sát khảo cổ học tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cán bộ Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tuyên Quang đã phát hiện một khu mộ thời tiền sử tại xã Thượng Ấm.
YBĐT - Sau một thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội đồng giám khảo, Ban tổ chức cuộc thi Giải báo chí Yên Bái năm 2012 đã lựa chọn được 42 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất từ vòng chung khảo để trao giải trong dịp kỷ niệm 87 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2012).
Ngày 14-6, tại buổi họp báo về Giải báo chí quốc gia năm 2011, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết, lễ trao Giải báo chí quốc gia năm 2011 sẽ được tổ chức vào 20h ngày 21-6.
Ngày 16/6 tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức lễ đón bằng công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao.