Khúc tri ân tháng Bảy

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/7/2012 | 10:48:34 AM

YBĐT - Tôi đã có lần, đứng lặng ở Nghĩa trang Trường Sơn, lắng nghe tiếng ngàn thông reo vi vu; đứng ở Ngã ba Đồng Lộc, giữa những hố bom, bên những cây bồ kết quanh khu mộ của 10 cô gái liệt sỹ dũng cảm; đứng bên bờ sông Thạch Hãn nhìn xuống dòng nước mà thấy lòng trào dâng bao cảm xúc.

Đêm Nghĩa trang Trường Sơn.
Đêm Nghĩa trang Trường Sơn.

Bạn tôi vốn là một người lãng mạn, có tâm hồn nghệ sĩ. Ở Nghĩa trang Trường Sơn, các khu mộ được quy tập theo các tỉnh. Tới khu mộ của các liệt sỹ Hà Nội, cậu ấy vừa đi thắp hương, vừa hát vang “Bài ca Hà Nội”, tôi cũng cảm hứng rút cây sáo thổi bài “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, bạn tôi lại hát “Hà Tây quê lụa”. Tới khu mộ của các liệt sỹ tỉnh Bắc Ninh, bạn lại hát “Trên quê hương quan họ”, tôi cảm hứng độc tấu sáo bài “Làng quan họ quê tôi”. Tới khu mộ của các liệt sỹ Phú Thọ, bạn tôi lại hát “Sông Lô chiều cuối năm”. Tới khu mộ của các liệt sỹ tỉnh Hà Tĩnh, bạn lại hát “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh…” …

Cứ như thế… tôi và bạn đi giữa bảng lảng khói hương và tiếng hát, tiếng sáo. Chẳng biết, các anh hùng liệt sỹ ở dưới mộ có nghe thấy tiếng chúng tôi hát, tiếng sáo của quê hương không? Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, một cảm nhận mơ hồ nào đó, rất linh thiêng, tôi tin là các anh nghe thấy, và cảm thấy.

Vượt mấy trăm cây số, tôi được đứng ở đây, giữa Ngã ba Đồng Lộc, nơi năm xưa là túi bom ác liệt, mà kẻ thù điên cuồng trút xuống. Giọng Hà Tĩnh nghe thật trầm ấm, lời anh thuyết minh kể lại, sự hy sinh cao đẹp của 10 cô gái Đồng Lộc làm cho mọi người xúc động không ai cầm được nước mắt… Nhất là khi nghe lá thư của chị Võ Thị Tần – người chị cả, người tiểu đội trưởng của tiểu đội nữ thanh niên xung phong viết cho mẹ: “Mẹ ơi, chúng con ở đây vui lắm, ban đêm chúng nó thả pháo sáng cho chúng con làm đường, ban ngày chúng nó thả bom đánh cá cho chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng nó có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được trái tim chúng con, mẹ ạ! Cuốn sổ mẹ tặng con, con viết đã gần hết rồi…”. Cảm động quá, và thương chị quá! Vừa hay tôi mang theo một cuốn sổ chưa ghi chữ nào, tôi nắn nót viết dòng chữ: “Em tặng chị để chị viết thư cho mẹ!” rồi kính cẩn đặt lên mộ chị.

Đồng đội tôi, người thì tặng nón, người lại tặng các chị gương, lược. Khách thập phương đến tặng các chị những quả bồ kết để các chị gội đầu. Và ở xung quang nghĩa trang nơi các chị đang yên nghỉ, chính quyền và nhân dân địa phương cũng trồng rất nhiều cây bồ kết. Bồ kết hàng ngày hát ca, với nắng, với gió ru các chị trong giấc ngủ ngàn thu.

Ngoài 10 cô gái huyền thoại, Ngã ba Đồng Lộc còn hàng nghìn liệt sỹ, họ đã cùng nhau bám trụ, bảo vệ những con đường, cho những đoàn xe nối đuôi nhau vào mặt trận, diệt quân thù, viết nên bản anh hùng ca vĩ đại của thế kỷ 20.

Dòng sông Thạch Hãn xanh trong soi bóng Thành cổ Quảng Trị. Nhìn dòng nước hiền hòa như thế, ai có ngờ đâu nơi đây năm xưa là nơi ác liệt vô cùng, giặc Mỹ đã trút xuống mảnh đất nhỏ bé này lượng bom đạn khổng lồ, tương đương 5 quả bom nguyên tử mà chúng thả xuống Nhật Bản năm 1945 và một thế hệ vàng thanh niên Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Thành cổ Quảng Trị ngày đó, không còn một viên gạch lành lặn, và có một “nghĩa trang” dưới dòng sông Thạch Hãn. Bởi thế Lê Bá Dương đã cảm động mà thốt lên rằng:

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ!
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”

Những địa danh như Dốc Miếu, Cồn Tiên, sông Hiền Lương, La Vang, Ái Tử, Khe Sanh… đều gợi sự linh thiêng và thân thương đến lạ. Nào có ai thống kê được trên dải đất hình tia chớp này, có biết bao người con đã anh dũng ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc? Có bao anh hùng liệt sỹ chưa tìm được mộ? Hay thân thể các anh đã hòa vào núi sông, cỏ cây để trường tồn cùng dân tộc.

Tôi có cảm tưởng, khi đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng với dân tộc, các anh lại thanh thản về trời, như Thánh Gióng của thời đại đi vào cõi bất tử. Các anh ngã vào lòng đất mẹ. Và đất mẹ thân yêu hiền hòa và bao dung, dang rộng cánh tay ôm các anh vào lòng, ru các anh ngủ yên trong mênh mông Tổ quốc thanh bình. Các anh sống trong lòng nhân dân, trong sự trân trọng, biết ơn vô hạn của bao thế hệ hôm nay và mai sau.

Ai đi qua Quảng Trị, xin đừng quên ghé qua Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường Chín, Thành cổ Quảng Trị, sông Thạnh Hãn…, thắp một nén hương tưởng nhớ các anh, rồi đứng ở đó mà suy nghĩ về cuộc sống của mình, mà chiêm nghiệm về lẽ sống và sự mất còn thì sự hẹp hòi ích kỷ, những toan tính nhỏ nhoi không có chỗ trong lòng ta. Tới thắp hương ở Nghĩa trang Trường Sơn, nhiều người đi từ cổng nghĩa trang mà thắp về phía cuối, nhiều mộ quá nên tới giữa nghĩa trang thì đã hết hương rồi. Tôi rủ người bạn làm ngược lại, đi về cuối nghĩa trang mà thắp ngược trở về phía cổng, cho tấm lòng ta được an ủi, được ấm lòng khi nghĩ về các anh.

Nhìn dòng người xếp hàng vào những nghĩa trang, các em học sinh tới sửa sang, nhổ cỏ thắp hương, các đoàn khách trên mọi miền Tổ quốc và cả quốc tế, tới tri ân các anh, tôi có cảm tưởng một nén tâm hương lớn mà cả dân tộc cùng thắp lên, cảm tạ công lao của các anh, lòng tôi lại dưng dưng một niềm xúc động!

Tháng bảy này, bạn đừng quên tỏ tấm lòng tri ân với các anh hùng liệt sỹ, với các cô chú thương binh. Cho trọn nghĩa vẹn tình, bồi đắp trong ta một nếp sống đẹp, biết hướng nguồn, hướng thiện, hướng đức…

Thiều Văn Dương (Trung đoàn 174)

Các tin khác
Các em học sinh thăm Di tích nhà ông Trần Đình Khánh tại làng Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên.

Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh tọa lạc tại làng Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Đây là 1 trong 4 điểm di tích nằm trong Cụm di tích lịch sử quốc gia Chiến khu Vần đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng quốc gia.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà văn hoá thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu.

Sáng nay - 4/5, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã tổ chức khánh thành Nhà văn hoá thôn Cửa Ngòi. Đây là công trình tiêu biểu của xã lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 79 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Yên Bái (7/5/1945 - 7/5/2024).

(Ảnh: tuyengiao)

Từ việc được đọc, được học, được nghe giảng bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu trong nhà trường, với thế hệ chúng tôi mỗi lần đọc lại bài thơ ấy vẫn như thước phim thời sự nóng bỏng, hôi hổi chuỗi thông tin chiến trường và sống động khúc ca trữ tình cách mạng reo vui muôn nốt.

Phim dự kiến ra rạp từ 17-5.

Phim "Vầng trăng thơ ấu" kể về thời thơ ấu của Bác Hồ được đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện, Công ty cổ phần phim Giải phóng sản xuất, dự kiến ra rạp từ ngày 17-5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục