Bác về Yên Bái chiều thu ấy

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/9/2012 | 3:39:04 PM

YBĐT - Năm 2012, kỷ niệm lần thứ 64 ngày Bác Hồ lên thăm Yên Bái. Đọc lại bài thơ để được cùng tác giả Vũ Chấn Nam sống lại hạnh phúc trong giờ phút thiêng liêng đón Bác.

Ảnh Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với nhân dân tỉnh Yên Bái ngày 25/9/1958.
Ảnh Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với nhân dân tỉnh Yên Bái ngày 25/9/1958.

Bác về Yên Bái chiều thu ấy
Năm chục năm rồi đó Bác ơi!

Bác đi trên một con tàu chợ
Như bao hành khách ở trong toa
Đôi dép lốp, bộ bà ba gụ
Người vẫn là Ông Ké, vẫn Già Thu.

Đất nước vừa ra khỏi chiến tranh
Thị xã còn tranh tre, nứa lá
Vùng cao còn bao người mù chữ
Đất rộng, người thưa chưa đủ ăn.

Phòng Bác vào khuya vẫn sáng đèn
Rạng ngày Bác đến với nhân dân
Người dân mong Bác như mong mẹ
Lời Bác như lời cha với con.

Lễ đài đơn sơ ngày đón Bác
Sớm thu chớm lạnh gió sông Hồng,
Chiếc áo len màu ghi Bác mặc
Bóng Người lồng lộng trước sân Căng.

 VŨ CHẤN NAM

Đôi dòng cảm nhận của Nam Hà:

Ngày 25 tháng 9 năm 1958, Bác Hồ lên thăm tỉnh Yên Bái. Bác đã có cuộc nói chuyện với đồng bào và chiến sĩ tại sân vận động thị xã. Sự kiện này để lại một ấn tượng sâu sắc và trở thành nguồn đề tài sáng tạo của nhiều văn nghệ sĩ trong tỉnh.

Là người từng có nhiều tác phẩm viết về lãnh tụ, nhà thơ Vũ Chấn Nam đã cảm xúc viết nên bài thơ “Bác về Yên Bái chiều thu ấy”. Sau 50 năm nhớ lại, cảm xúc vẫn tươi nguyên như thưở ban đầu. Một Bác Hồ giản dị, gần gũi nhân dân “Đôi dép lốp, bộ bà ba gụ/Người vẫn là Ông Ké,vẫn Già Thu”.

Những cái tên thân thương ông Ké, Già Thu từ ngày Bác hoạt động cách mạng ở Việt Bắc được tác giả nhắc lại không chỉ gợi bao kỷ niệm mà còn như khẳng định “Người là cha, là bác, là anh” của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Không đứng trên nhân dân, giữa lãnh tụ và nhân dân hầu như không có sự cách biệt “Bác đi trên một con tàu chợ/Như bao hành khách ở trong toa”.

Nhớ lại kỷ niệm này, ông Đào Tiến Lộc kể: “Bác từ toa số 5 bước xuống, với dáng ung dung thanh thản trong bộ áo quần bà ba đã phai màu, đầu đội mũ cát, chân đi dép lốp, khăn mặt vắt vai, tay cầm quạt giấy giống hệt như một ông lão nhà quê phúc hậu cả đời người đã sống với đồng quê Việt Nam. Xuống tầu, Bác không đi ra cửa nơi chúng tôi đón mà tiến thẳng lên đầu tầu… Thoắt một cái thấy Bác leo lên đầu máy bắt tay người lái tầu và hai công nhân xúc than ở đó, Bác cảm ơn chúc sức khỏe và tạm biệt!”.

Lên thăm Yên Bái trong hoàn cảnh khi “Đất nước vừa ra khỏi chiến tranh”.Tất cả vẫn ngổn ngang khó khăn “Thị xã còn tranh tre, nứa lá/Vùng cao còn bao người mù chữ/Đất rộng, người thưa chưa đủ ăn”. Nhưng cũng  trong bối cảnh đó, chân dung người cầm lái vĩ đại được khắc họa rõ nét hơn bao giờ hết:

Phòng Bác vào khuya vẫn sáng đèn
Rạng ngày Bác đến với nhân dân
Người dân mong Bác như mong mẹ
Lời Bác như lời cha với con.

Hết lòng lo toan việc nước, chăm chút đến hạnh phúc của nhân dân, phẩm chất này chỉ có ở những người thực sự “lấy dân làm gốc” và con người đó chính là Bác Hồ. Cũng vì vậy sự tin yêu của người dân đối với Bác ngày được nhân lên, không còn ở  mức bình thường mà là niềm tin mang tính chất gia đình, hiếu tử “Người dân mong Bác như mong mẹ/Lời Bác như lời cha với con”. Và vượt lên  nghi thức “lễ đài đơn sơ”, thì “Chiếc áo len màu ghi Bác mặc” cùng bài nói chuyện chân phương mà sâu sắc lại tạo nên một hình ảnh cao đẹp, một tượng đài sống mãi trong lòng nhân dân “Bóng Người lồng lộng trước sân Căng”.

Năm 2012, kỷ niệm lần thứ 64 ngày Bác Hồ lên thăm Yên Bái. Đọc lại bài thơ để được cùng tác giả Vũ Chấn Nam sống lại hạnh phúc trong giờ phút thiêng liêng đón Bác. Và để gửi tới lãnh tụ lời ước của lớp con cháu hôm nay “Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.

Nam Hà

Các tin khác
Tiết mục của Cụm thi đua số 5 giành giải Nhất thể loại tốp ca .

Thiết thực hưởng ứng các phong trào thi đua do công đoàn viên chức tỉnh phát động và chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), chiều 18/5, tại rạp Hồng Hà, Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động (CCVCLĐ)” năm 2024.

Việc lựa chọn công nghệ thực tế ảo tương tác 3D trong một không gian di sản đã được thực hiện tại một khu phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân dân

Nhiều bảo tàng ở Việt Nam hiện không chỉ đơn thuần là nơi diễn ra trưng bày, triển lãm theo kỳ/cuộc mà hướng tới cung cấp trải nghiệm toàn diện cho du khách từ không gian thực cho đến không gian “ảo”.

Cựu thanh niên xung phong tham dự triển lãm cùng thắp hương cho đồng đội từng tham gia mở đường Trường Sơn

80 bức ảnh tư liệu khơi gợi niềm tự hào, kiêu hãnh trong những năm tháng mở đường Trường Sơn vừa được Trung ương Đoàn tổ chức triển lãm tại Quảng Bình.

Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục