Tục cúng vía trong vòng đời của người Thái đen Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/9/2012 | 9:45:45 AM

YBĐT - Từ thuở xa xưa, người Thái đen ở vùng Mường Lò đã có cách nhìn vòng đời của mình qua tục cúng vía. Với họ, đây là cách để họ báo với Then (trời), với pẩu Pú (tổ tiên), đông cắm (rừng thiêng), với bản mường về thân phận sẽ đi trọn một vòng quay định mệnh “Sinh – Thành – Lão – Tử”.

Lễ Tằng cẩu của người Thái đen Mường Lò.
Lễ Tằng cẩu của người Thái đen Mường Lò.

Cũng như mọi đứa trẻ khác, khi một đứa trẻ của người Thái đen ra đời  là niềm vui khôn tả của cha mẹ và tất cả các thành viên trong gia đình. Cùng với niềm vui đó sẽ là một nghi lễ cúng vía cầu mong đứa trẻ và mẹ nó được khỏe mạnh.

Nghi lễ này diễn ra sau 9 ngày ngồi bên bếp lửa đối với đứa trẻ sinh ra là gái, 7 ngày đối với đứa trẻ là trai và nghi lễ này có tên là lễ Nằng phay (lễ ra lửa). Lễ Nằng phay thường được tổ chức trong sự quần tụ của tất cả anh em họ hàng hai bên nội, ngoại trong một không khí đầm ấm và trang trọng.

Đi kèm theo lễ Nằng phay là lễ cúng Phi hươn (ma nhà), cúng co lo hoong (bàn thờ tổ tiên) để thông báo với tổ tiên xin “nhập khẩu” cho đứa trẻ vào dòng họ; cúng nu (nôi), cúng đa (địu) - những đồ vật thường ở bên đứa trẻ khi còn nhỏ để cầu mong cho đứa trẻ luôn được khoẻ mạnh, bình an và không quấy khóc…

Đến tuổi trưởng thành, những chàng trai người Thái đen sẽ được đánh dấu bằng buổi săn bắn và các cô gái sẽ được đánh dấu bằng lễ Tằng cẩu. Tuy nhiên, lễ cưới lại mới được coi là dịp để công nhận sự trưởng thành về mọi mặt của cả hai người nam và nữ.

Bởi vậy nên, cùng với việc duy trì lễ Tằng cẩu và buổi săn bắn, khi hai người nam, nữ kết hôn, người Thái đen sẽ tiếp tục tổ chức lễ cúng vía (tám khuân cụp, khuân cu) để nhìn lại những gì đôi trẻ đã trải qua và hướng đến những điều sắp tới, cùng với một niềm tin lễ cúng sẽ góp phần giúp đôi trẻ gặp được nhiều may mắn, đầy đủ hơn trong cuộc sống.

Với người Thái đen, đây là lễ cúng mà bất cứ ai cũng phải trải qua khi xây dựng gia đình. Theo quan niệm của người Thái đen, từ đây hồn vía của đôi trẻ sẽ được gọi về từng vía một để nghe lại quá trình đôi trẻ gặp nhau, rồi yêu nhau và quyết định sống với nhau. Hồn vía cũng sẽ phải bắt đầu một cuộc sống mới, một nơi ở mới, đối diện với những khó khăn, vất vả mới.

Khi trở về già, trước cái tuổi được ví như ngọn đèn leo lét trước gió không biết sẽ tắt lúc nào, người Thái đen sẽ lại tổ chức lễ cúng vía (tám khuôn cụm cuôm) để mừng thọ động viên, an ủi tinh thần, cầu xin những điều tốt lành cho ông bà, cha mẹ của mình được mạnh khoẻ, sống lâu sum vầy bên con cháu, được hưởng phúc trọn vẹn bên người thân…

Và với cái vòng luân hồi “Sinh – Thành – Lão – Tử” cũng sẽ tiếp tục đưa con người ta đến cái chết, có thể là hết, có thể là quay về với cát bụi, song cũng có thể là lên thiên đàng, lên cõi niết bàn… Đối với người Thái đen thì sẽ là được lên mường Trời, nơi mà họ cho rằng người chết sẽ được tái sinh, được bắt đầu một cuộc sống mới và họ cũng làm lễ cúng gọi vía trong đám tang để dẫn dắt hồn vía người đó được lên đó.

Có thể nói, việc tạo dựng niềm tin là con người có hồn vía đã giúp cho người Thái đen ở vùng Mường Lò có đời sống tinh thần tốt đẹp hơn, vững tin hơn trước những khó khăn, đau khổ mà họ phải trải qua.  

Hồng Oanh - Vũ Hà

Các tin khác

Sau cuộc tranh tài của 8 chàng trai, 8 cô gái xinh đẹp của Vietnam Idol 2012 sẽ chính thức bước vào đêm thi thứ 2 của vòng studio.

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc 2012 sẽ diễn ra tại tỉnh Tuyên Quang từ ngày 27/9 - 30/9/2012. Với chủ đề “ Đông Bắc – Miền đất thiêng liêng tươi đẹp”, ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII được tổ chức gắn với Tuần Văn hoá-Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2012 là một sự kiện văn hoá có quy mô lớn.

Một cảnh trong phim

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các Đài truyền hình dành thêm thời lượng phát sóng cho phim Việt Nam.

Cô sinh viên ngành Ngữ văn Đức vừa được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép dự thi Siêu mẫu châu Á 2012 tại Nam Ninh, Trung Quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục