Yên Tử xứng tầm kinh đô Phật giáo

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/9/2012 | 8:33:55 AM

Đã hơn 700 năm kể từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông tịch diệt, non nước Yên Tử bí ẩn, linh thiêng và xa xôi năm nào đã hiện diện sâu sắc và đi vào đời sống, tâm thức của biết bao người với phái Thiền Trúc Lâm đậm dấu ấn Việt (ảnh).

Quảng Ninh nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Trung ương Giáo hội Phật giáo VN để phục hồi lại những giá trị văn hóa của kinh đô Phật giáo thời Trần với quần thể di tích Yên Tử và Bạch Đằng, thu hút hàng triệu lượt du khách hành hương mỗi năm.

Yên Tử - niềm tự hào của người Việt

Dẫu ai quyết chí tu hành / Có về Yên Tử mới đành lòng tu”. Câu ca dao quen thuộc ấy thể hiện ước mong của mỗi người con Phật, rằng trong cuộc đời đều mong một lần được đến với Yên Tử - nơi gắn liền với tên tuổi một vị vua hiếm hoi trên thế gian dám từ bỏ ngai vàng, quyền lực để xuất gia tu hành và lập ra một dòng Phật giáo riêng của VN. Với đời, vị vua ấy có thành tích lẫy lừng, hai lần cầm quân ra trận đánh lui giặc Nguyên - Mông. Với đạo, Đức Trúc Lâm Đại Đầu Đà Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm đã có công xây dựng  một hệ thống hàng trăm công trình gồm chùa, am, tháp... làm nơi tu tập và truyền giảng. Sử sách ghi nhận trong thời gian 19 năm tu hành của ngài, khoảng 800 chùa, am, tháp đã được xây dựng trong cả nước. Đó là một công việc hết sức đồ sộ.

Những triết lý của Phật giáo, qua trí tuệ mẫn tiệp của vị vua anh minh Trần Nhân Tông đã trở thành mạch nguồn trong lành và tưới tẩm trong suốt lịch sử thăng trầm của nước Việt, đóng góp cho đất nước hàng trăm năm hạnh phúc và bình an. Mạch nguồn ấy vẫn duy trì và tươi xanh đến nay, khi thiền phái Trúc Lâm Yên tử đang hiện diện tại nhiều nơi trên khắp cả nước.

Tại Quảng Ninh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã có nhiều đóng góp khôi phục Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, viết nên truyền thống yêu nước, đạo pháp gắn bó với dân tộc. Công việc trùng tu di tích với nhiều hạng mục đã được thực hiện trong 5 năm qua với tổng kinh phí trên 150 tỉ đồng từ nguồn công đức và xã hội hóa. Nhiều đền chùa ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo như đền - chùa Xã Tắc (Móng Cái), đền - chùa Hải Hà đã được xây dựng. Lễ hội xuân Yên Tử cũng được đánh giá là có quy mô và công tác tổ chức tốt nhất cả nước.  

Trong đại lễ VESAK năm 2008, 80 phái đoàn Phật giáo quốc tế đã hành hương về Yên Tử, tổ chức lễ cầu nguyện thế giới hòa bình tại chùa Đồng. Tuần lễ du lịch Hạ Long năm nay, 500 tăng ni, phật tử đã tham gia giới thiệu với du khách bản sắc văn hóa Phật giáo Trúc Lâm.

TS Phật học - thượng tọa Thích Thanh Quyết - Trưởng ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh - chia sẻ: “Đại hội đại biểu Phật giáo Quảng Ninh lần thứ III diễn ra cùng thời điểm với lễ trao giải thưởng Hòa giải và Yêu thương mang tên Trần Nhân Tông được tổ chức tại Đại học Harvard (Mỹ, ngày 22.9) là niềm tự hào cho chúng ta. Để từng bước giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhiệm kỳ này, Ban Trị sự đẩy mạnh việc quy hoạch trùng tu tôn tạo khu di tích danh thắng Yên Tử kết nối với khu di tích nhà Trần (Đông Triều), nối thông đông và tây Yên Tử, tiếp tục quy hoạch xây dựng một số chùa tại huyện đảo Cô Tô, huyện miền núi Bình Liêu, Ba Chẽ; thực hiện đề án trình UNESCO công nhận thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là di sản phi vật thể của nhân loại”.

Tinh thần “bồ tát đạo”

Ở đâu có sự hiện diện của tình thương, ở đó có mặt Bồ tát. Thấu hiểu điều này, Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh đã có chính sách nhằm mang ánh sáng tâm linh và giúp đỡ vật chất tới từng cơ sở, vùng sâu vùng xa. Với 152 ngôi chùa, trong đó 31 ngôi chùa là di tích lịch sử văn hóa, việc trùng tu, xây dựng và nâng cao trình độ học vấn cho các tăng ni trụ trì đang được từng bước thực hiện. Hoạt động từ thiện, cứu trợ nhân đạo là ưu tiên hàng đầu, trong đó một số chùa như: Phúc Nghiêm (Đông Triều), Giữa  Đồng, Vãng (Quảng Yên), Long Tiên (Hạ Long), Phả Thiên (Cẩm Phả)...  tổ chức nuôi dưỡng người già cô đơn, trẻ em mồ côi... 15 ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách đã được xây dựng; Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật, chất độc da cam đã đến với nhiều mảnh đời bất hạnh... Năm 2009 - 2010, Ban Trị sự Tỉnh hội tuyên truyền, giáo dục, thăm nom hàng nghìn lượt đối tượng nhiễm HIV/AISD. Tổng kinh phí công tác từ thiện xã hội trong 5 năm qua đạt hơn 20 tỉ đồng.

Yên Tử thực xứng là kinh đô của Phật giáo, của tâm linh. Tâm thức của dân tộc hướng về nơi ấy và Phật giáo Việt Nam bao đời nay đều được liên kết với toàn dân trong công cuộc bảo vệ đất nước. Bởi vậy, dẫu “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá”, nhưng “Non sông nghìn thuở vững âu vàng”(*).
(*) Thơ Trần Nhân Tông

Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh: “Nhờ đoàn kết, thống nhất nên uy tín của Phật giáo Quảng Ninh ngày càng cao, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã được nhân dân khắp nơi trong tỉnh ủng hộ. Các hoạt động của Phật giáo tỉnh đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo tốt nguyện vọng của phật tử. Thời gian tới, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cần góp phần cùng với tỉnh phát huy tốt giá trị của các di tích Yên Tử, Ngọa Vân, tạo thành một di sản không gian văn hóa lịch sử nhà Trần, tạo nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. 

(Theo LĐO)

Các tin khác

Tối 23-9, chào mừng "Năm hữu nghị Việt Nam - Lào năm 2012" và kỷ niệm 35 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác; 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, tại Nhà hát Quân đội (Hà Nội) diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Văn công Quân đội nhân dân Lào.

30 nghìn vé xe buýt đã được ghép thành bản đồ Việt Nam

Ngày 23-9, tại Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng (quận 10), gần 4.000 bạn trẻ là sinh viên, học sinh, các câu lạc bộ đội nhóm… thuộc các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tham dự “Ngày hội chuyển động xanh” trong dự án “Nào ta cùng buýt 2012”.

Chương trình “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 4.

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 5 đã diễn ra tối 23/9, tại Nhà hát lớn Hà Nội, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và đông đảo các em thiếu nhi.

Các tình nguyện viên tích cực tập luyện trước chương trình

1.000 người sẽ cùng tham gia sự kiện Hãy cùng hát vang tại Quảng trường Sân vận động Mỹ Đình ngày Chủ nhật 7/10. Sự kiện này được Sở VH,TT & Du lịch Hà Nội tổ chức, nhằm truyền tải thông điệp vì hòa bình đến cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục