Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/9/2012 | 10:13:20 AM

YBĐT - Văn hóa truyền thống của người Mông ở Yên Bái rất phong phú và đa dạng, gồm các tín ngưỡng, lễ thức văn hóa dân gian, kho tàng thơ ca truyện cổ, âm nhạc, vũ điệu và các nghề truyền thống.

Váy Mông - một nét văn hóa của đồng bào Mông.
(Ảnh: Hoàng Đô)
Váy Mông - một nét văn hóa của đồng bào Mông. (Ảnh: Hoàng Đô)

Người Mông ở Yên Bái có trên 56.000 nhân khẩu - đứng thứ tư về số dân trong tỉnh. Hai huyện vùng cao phía tây của tỉnh là Mù Cang Chải và Trạm Tấu là những địa phương có tỷ lệ đồng bào Mông chiếm 80% đến 90%. Văn hóa của người Mông ở Yên Bái luôn hòa vào dòng chảy của trên 30 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh, góp phần hình thành sắc thái văn hóa chung, thống nhất trong đa dạng.

Văn hóa truyền thống của người Mông ở Yên Bái rất phong phú và đa dạng, gồm các tín ngưỡng, lễ thức văn hóa dân gian, kho tàng thơ ca truyện cổ, âm nhạc, vũ điệu và các nghề truyền thống.

Tín ngưỡng của người Mông luôn hòa quyện với các lễ hội tạo nên sắc thái độc đáo và phong phú trong đời sống văn hóa  tinh thần của đồng bào. Lễ hội của người Mông thường mang tính cộng đồng và giàu tính nhân văn, tinh thần thượng võ. Các lễ hội trong năm của đồng bào Mông phải kể tới Lễ hội Tầu sừ (còn gọi là lễ hội đấm lưng) thường được tổ chức vào dịp Tết Mông, đồng thời với hội Gầu tào, thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng, xua đuổi bệnh tật, rủi ro, đón một năm mới may mắn, người người có sức khỏe, cuộc sống yên vui; lễ Nào xông của cộng đồng làng bản được tiến hành vào ngày Thìn tháng Giêng; đặc biệt là lễ hội Gầu tào nhằm mục đích cho gia chủ cầu con và gắn với cộng đồng là cầu được mùa tổ chức vào dịp Tết Mông.

Văn nghệ dân gian dân tộc Mông ở Yên Bái cũng rất phong phú với kho tàng truyện kể, hát ru, dân ca và múa phản ảnh cuộc sống lao động, đấu tranh, chinh phục tự nhiên, khả năng sáng tạo, thể hiện ước mơ khát khao vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hát ru và dân ca chiếm vị trí đáng kể trong văn nghệ dân gian Mông, có các bài hát ru em, ru con và đặc biệt là Gầu plềnh - tiếng hát tình yêu. Gầu plềnh thường được diễn xướng trong các dịp vui xuân, lễ tết của đồng bào Mông.

Cùng với văn hóa phi vật thể, người Mông ở Yên Bái còn có các loại hình văn hóa vật thể độc đáo như kiến trúc nhà ở, trang phục, trang sức và nghề truyền thống hàm chứa nhiều giá trị văn hóa. Trong đó phải kể tới trang phục, đặc biệt là váy của phụ nữ Mông với những hoa văn tinh xảo.

Nếu như trang phục phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải luôn tạo được ấn tượng bởi những bộ áo váy hoa văn giàu tượng hình như hình thoi, hình vuông, hình xoáy ốc, hình móc câu, đường rích rắc và những chiếc khăn đội đầu, vòng thắt lưng được đính nhiều đồng tiền xu, tạo nên chuỗi âm thanh “rung reng, rung reng” thật vui tai theo mỗi bước chân của các cô gái trên đường xuống chợ thì phụ nữ Mông ở Trạm Tấu lại luôn rực rỡ trong những bộ áo váy với gam màu tươi tắn, những vòng tròn nhiều màu xinh xắn trên ống tay áo cùng những chiếc khăn đội đầu duyên dáng. 

Đồ trang sức của người Mông thường là khuyên tai, vòng tay, vòng cổ, xà tích quanh thắt lưng, chủ yếu làm bằng bạc với hình thức và hoa văn nạm khá tinh xảo, đồng thời cũng thể hiện sự giàu sang và ngăn chặn tà ma theo tín ngưỡng dân gian. Bên cạnh đó người Mông ở Yên Bái còn các nghề truyền thống như nghề rèn đúc công cụ: dao, cuốc, lưỡi cày, phục vụ lao động sản xuất.

Trước đây ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải hay ở Suối Giàng, nghề đúc, nghề rèn từng phát triển mạnh mẽ. Mỗi sản phẩm công cụ gia dụng như dao, cuốc, lưỡi cày và đồ trang sức phụ nữ, quả nhạc ngựa và chuông bò đều mang đậm dấu ấn của những đôi tay tinh xảo trong nghề rèn đúc, sự kiên trì và tinh thần lao động sáng tạo của người Mông...

Đời sống văn hóa tinh thần phong phú như vậy, song do nhiều nguyên nhân, cũng như một số dân tộc khác, ngày nay, bản sắc văn hóa của người Mông có phần bị mai một.

Một số lễ hội không còn giữ được nguyên gốc lễ thức, có lễ hội đứng trước nguy cơ bị rơi vào quên lãng như lễ hội Tầu sừ chỉ còn được tổ chức không thường xuyên ở Nậm Có (Mù Cang Chải). Những làn hát dân ca cũng có chiều hướng thưa dần trong niềm yêu thích của lớp trẻ người Mông.

Việc truyền dạy dân ca cho thế hệ tương lai hiếm thấy được tổ chức một cách bài bản, các gia đình hát dân ca Mông nhiều thế hệ ở Yên Bái dường như thiếu vắng. Nghệ nhân dân gian dân tộc Mông có thể nói là rất hiếm.

Trang phục truyền thống của các ngành Mông có phần bị pha trộn, nam giới người Mông có chiều hướng thích ăn vận quần áo theo xu thế hiện đại. Một số nghề truyền thống như rèn, đúc cũng chỉ còn lại ở một vài bản, chất lượng, rèn đúc không còn như xưa. Thương hiệu “dao Mèo”, “lưỡi cày Mông” - sản phẩm độc đáo của kỹ nghệ thủ công truyền thống một thời đang bị nhạt dần nơi các phiên chợ vùng cao... 

Đây là vấn đề đặt ra với ngành chức năng cũng như chủ thể của văn hóa để tìm giải pháp phù hợp, khơi dậy niềm tự hào truyền thống dân tộc cũng như ý thức trách nhiệm trong việc chọn lọc, gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Mông.

Thanh Tửu

Các tin khác
Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà văn hoá thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu.

Sáng nay - 4/5, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã tổ chức khánh thành Nhà văn hoá thôn Cửa Ngòi. Đây là công trình tiêu biểu của xã lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 79 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Yên Bái (7/5/1945 - 7/5/2024).

(Ảnh: tuyengiao)

Từ việc được đọc, được học, được nghe giảng bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu trong nhà trường, với thế hệ chúng tôi mỗi lần đọc lại bài thơ ấy vẫn như thước phim thời sự nóng bỏng, hôi hổi chuỗi thông tin chiến trường và sống động khúc ca trữ tình cách mạng reo vui muôn nốt.

Phim dự kiến ra rạp từ 17-5.

Phim "Vầng trăng thơ ấu" kể về thời thơ ấu của Bác Hồ được đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện, Công ty cổ phần phim Giải phóng sản xuất, dự kiến ra rạp từ ngày 17-5.

Thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc” vào ngày 4 - 5/5/2024.

Dự kiến trong 2 ngày 4 – 5/5, thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục