Khôi phục nghi lễ Khảm Hải

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/9/2012 | 9:51:18 AM

YBĐT - Ngành văn hoá, thể thao và du lịch Yên Bái đã phối hợp với Viện Văn hoá dân gian cùng gia đình ông Hoàng Tương Lai ở xã Xuân Lai (huyện Yên Bình) phục dựng lại nghi lễ Khảm hải để thu thập tài liệu nghiên cứu và bảo tồn bằng hình ảnh.

Thầy mo đang làm lễ cúng dâng lễ vật.
Thầy mo đang làm lễ cúng dâng lễ vật.

Nghi lễ Khảm hải của bà con người Tày ở Yên Bình, Lục Yên từ lâu đã không còn  được duy trì. Những thầy mo thực hiện được nghi lễ này còn rất ít và đều đã già không đủ sức để ngồi cúng suốt một ngày một đêm. Từ thực trạng này, vừa qua ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã phối hợp với Viện Văn hoá dân gian cùng gia đình ông Hoàng Tương Lai ở xã Xuân Lai (huyện Yên Bình) phục dựng lại nghi lễ này để thu thập tài liệu nghiên cứu và bảo tồn bằng hình ảnh.

Bản chất của nghi lễ Khảm hải thực chất là tục cầu cúng giải hạn, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu trường thọ. Tuy nhiên, người Tày ở vùng này trước đây chủ yếu thực hiện nghi lễ Khảm hải khi gia đình có người già vì quan niệm dân gian của họ cho rằng càng cao tuổi số mệnh con người càng ngắn lại nên dễ sinh bệnh tật mà chết. Bởi vậy, muốn sống lâu, khoẻ mạnh thì phải làm lễ nối số. Đồng thời, khi thực hiện nghi lễ Khảm hải cho người già, gia đình có thể kết hợp cầu may, cầu tài, cầu lộc…

Việc tổ chức nghi lễ không tốn kém lắm bởi quy mô khách mời chủ yếu là anh em, con cháu thân cận trong dòng họ và những cụ già trong thôn xóm đến mừng cho người được nối số. Dẫu vậy, lễ vật thì phải chuẩn bị khá tỷ mỷ như giã bánh dày, đan lát nhiều đồ cúng tế như mô hình tháp chín tầng, nhà miếu tế lễ, sọt đựng lễ vật nhiều dạng, nhiều kích cỡ cùng với nhiều sản phẩm nông nghiệp vừa đặc trưng vừa được coi là của ngon vật quý.

Khi chuẩn bị xong lễ vật, hai ông thầy mo gồm thầy cả, thầy phụ cùng nhau làm lễ cúng thần linh thổ địa, gia tiên, cúng vía các lễ vật để xin được làm lễ Khảm hải hay còn gọi là cúng dâng lễ tổ. Tổ trong quan niệm của người Tày là một thế lực siêu nhiên ở trên trời đã sinh ra con người giống như Phật tổ trong tín ngưỡng Phật giáo.

Từ hạ giới, con người muốn dâng được lễ tổ, muốn đem được ước vọng của mình hay vía của người cần được nối số đến với đức tổ thì phải có một thầy mo thật cao tay mới dẫn được những thứ đó vượt qua sông Ngân Hà ở trên trời đến nơi đức tổ.

Dòng sông Ngân Hà trong tưởng tượng là biển nước mênh mông bao la nơi thượng giới và vượt được qua nó cũng đồng nghĩa với việc vượt qua muôn vàn bể khổ bởi sóng gió, thuỷ quái giống như người ta thường nói là vượt qua mười hai bến nước cuộc đời. Cho nên, trong văn tế Khảm hải, có nhiều chương đoạn nội dung khác nhau tương ứng với những gian nan mà con người phải trải qua. Lời tế của thầy khiến người nghe vừa thấy thống thiết vừa vô cùng cảm động.

Các cụ già giải thích rằng, đức tổ cũng phải vượt qua muôn vàn gian truân mới đến được miền cực lạc. Vì thế, khi dâng lễ tổ mà con người cũng vượt qua được những bể ải gian nan ấy thì mới là sự thành tâm, nghị lực to lớn của con người và xứng đáng được đức tổ ban cho phúc, lộc, thọ, khang để sống an nhàn.  

Về ý nghĩa nhân văn, nghi lễ này hướng con người ta về cội nguồn tổ tiên, biết quan tâm đến cha mẹ già và sống có đức tin hướng thiện, răn dạy con người sống phải biết tôi luyện nghị lực và ý chí để vượt qua được muôn vàn khó khăn vươn tới một cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Ngày 24/9, vòng casting 'Tìm kiếm tài năng Việt' tại Hà Nội thu hút lượng lớn thiếu nhi, thiếu niên tham gia.

Ngày 24/9, vòng casting 'Tìm kiếm tài năng Việt' tại Hà Nội thu hút lượng lớn thiếu nhi, thiếu niên tham gia.

Cảnh trong phim Mùi cỏ cháy.

Chiều 25.9, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết bộ phim Mùi cỏ cháy đã được quyết định đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự hạng mục Phim nước ngoài hay nhất của Oscar 2013.

Hát múa mừng cơm mới của bà con Bru-Vân Kiều.

Ngày 25/9, tại xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), Ban quản lý Dự án phát triển du lịch bền vững Tiểu vùng Mekong tỉnh Quảng Bình đã tổng kết lớp “Phục dựng và truyền dạy âm nhạc truyền thống của người Bru-Vân Kiều tại cộng đồng kết nối du lịch” cho các thế hệ trẻ tại bản Khe Cát, xã Trường Sơn.

YBĐT - Mùa Sơn tra chín rộ, thành phố trở thành tâm điểm cho việc trung chuyển, như một thị trường đặc biệt cho thú ẩm thực của người gần bạn xa. Và phố phường vẫn như tiếp tục bừng hương sắc đặc trưng thứ trái cây đặc sản của vùng cao Yên Bái…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục