Cần bảo vệ, nâng cấp Khu di tích lịch sử, văn hoá Căng - Đồn Nghĩa Lộ

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/10/2012 | 9:28:08 AM

YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ không chỉ có cánh đồng Mường Lò rộng lớn phì nhiêu, những bản làng người Thái với những điệu xoè nồng say mà nơi đây còn có Khu di tích lịch sử, văn hoá Căng - Đồn Nghĩa Lộ.

Toàn bộ phần taluy của Khu di tích đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng.
Toàn bộ phần taluy của Khu di tích đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Khu di tích này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia, vậy mà hôm nay Khu di tích này đang xuống cấp nghiêm trọng, rất cần được đầu tư tôn tạo.

Thị xã Nghĩa Lộ là nơi có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ phía Đông của cả vùng Tây Bắc, do vậy năm 1888, thực dân Pháp tiến hành xây dựng các đồn binh chốt giữ các tiểu quân khu trong vùng, trong đó có đồn bốt và nhà tù để giam giữ, đàn áp những người chống đối thuộc địa phận Căng Nghĩa Lộ. Đến năm 1930, Căng Nghĩa Lộ được mở rộng, nâng cấp thành nhà tù cấp Đông Dương. Nơi đây đã từng giam giữ, tra tấn nhiều cán bộ, chí sỹ yêu nước của ta, như các đồng chí: Trần Huy Liệu, Vương Thừa Vũ, Trần Đức Sắc…

Cũng tại đây, Chi bộ nhà tù đã được thành lập để tuyên truyền vận động cách mạng và ra tờ báo “Đường Nghĩa” do đồng chí Trần Huy Liệu - người thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam nhận ấn kiếm thoái vị của vua Bảo Đại năm 1945, là Bí thư Chi bộ đồng thời là chủ bút.

Ngày 17/3/1945, Chi bộ nhà tù đã tổ chức cuộc bạo động phá Căng vượt ngục. Cuộc bạo động không thành, 9 đồng chí đã anh dũng hy sinh, một số đồng chí thoát ra ngoài đã làm cho giặc Pháp hoang mang, lo sợ, góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng cho nhân dân trong vùng và tiếp tục chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Tháng 10/1947, thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Yên Bái, Nghĩa Lộ  lần thứ 2, chúng đã cho xây dựng ở đây một hệ thống đồn bốt kiên cố.

Vào thời điểm đó, Đồn Pú Trạng (Nghĩa Lộ đồi) và Đồn Nghĩa Lộ là một trong những cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Tây Bắc, đồng thời cũng là Sở chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ. Tháng 10/1952, cùng với chiến thắng Nghĩa Lộ, quân và dân ta đã san phẳng phân khu quân sự này, mở toang cánh cửa sang phòng tuyến sông Đà cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Với những ý nghĩa đó, năm 1996, Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng nơi đây thành Di tích lịch sử quốc gia. Khu di tích đã được đầu tư, tu bổ, tôn tạo giai đoạn 1. Toàn bộ Khu di tích rộng 2,5ha gồm 3 khu chính: Khu tượng đài chiến thắng (đây là biểu tượng thể hiện chiến công oanh liệt của quân và dân anh dũng đánh Pháp giải phóng Nghĩa Lộ 1952); khu nhà bia khắc tên 403 liệt sỹ (khắc ghi, tưởng nhớ những người con của mọi miền Tổ quốc đã anh dũng hy sinh trong giải phóng Nghĩa Lộ); khu mộ và đài tưởng niệm 9 liệt sỹ tù chính trị hy sinh trong cuộc bạo động phá Căng vượt ngục ngày 17/3/1945, trong đó có cố nhạc sĩ Đinh Nhu là tác giả khúc tráng ca bất hủ “Cùng nhau đi hồng binh”.

Có thể nói Khu Di tích lịch sử không chỉ là điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con cháu vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ. Mặc dù trong thời gian qua đã được Nhà nước đầu tư xây dựng tôn tạo, tuy nhiên do lịch sử để lại và ảnh hưởng của cơn bão số 5 ngày 17/8/2012 đã gây sạt lở nghiêm trọng, làm một phần của lô cốt bị sập vỡ, nửa còn lại cũng đang có nguy cơ sập nốt. Không chỉ có vậy mà toàn bộ ta luy dương của Khu di tích nằm sát với đường Pú Lo cũng đã bị rạn nứt sát vào tận khu tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ.

Bà Lò Thị Huân - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Việc sập ta luy dương và sập một phần của lô cốt nằm trong Khu di tích lịch sử văn hoá Căng - Đồn Nghĩa Lộ thị xã cũng đã biết. Không chỉ sập lô cốt mà bên cạnh đó toàn bộ phần ta luy dương dài 120m cũng đã có nhiều vết rạn nứt, nếu gặp mưa to rất dễ sập và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quần thể di tích.

Trước thực trạng đó, thị xã cũng đã nghiên cứu, khảo sát để sửa chữa tôn tạo phần sạt lở trước mắt cũng như lâu dài với tổng nguồn vốn khoảng trên 11,6 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn vượt quá khả năng của thị xã, trước mắt thị xã chỉ khắc phục tạm thời để giữ lấy phần lô cốt cũng như cẩu để đưa phần lô cốt bị sập về nguyên trạng ban đầu và chống sạt lở tạm thời phần còn lại.

Còn về lâu dài như việc xây dựng kè chống sạt lở toàn bộ 120m ta luy dương cũng như di dời các hộ dân tại khu vực chân lô cốt và tượng đài cần có sự đầu tư vốn của Nhà nước, thị xã dẫu rất muốn tôn tạo sửa chữa nhưng cũng không có kinh phí để làm được”.

Khu Di tích lịch sử văn hoá Căng - Đồn Nghĩa Lộ đã và đang có nguy cơ sập mất dần là một thực tế. Chính quyền cũng như người dân rất muốn sửa chữa, tôn tạo nhưng vượt quá khả năng của địa phương, do vậy rất cần được Nhà nước, đặc biệt là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đầu tư nguồn vốn để cùng với địa phương sửa chữa, nâng cấp, tôn tạo cho tương xứng với một khu di tích vừa có ý nghĩa văn hoá vừa có ý nghĩa lịch sử này.

Việc bảo vệ, tôn tạo, sửa chữa là một việc làm cấp bách, bởi nơi đây không chỉ là di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh mà nó còn có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của nhân dân ta cũng như tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào dân tộc, đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc phía Tây của tỉnh Yên Bái trong dịp hướng tới kỷ niệm 60 năm giải phóng Nghĩa Lộ (18/10) tới đây.

Thanh Phúc

Các tin khác
Tiết mục của Cụm thi đua số 5 giành giải Nhất thể loại tốp ca .

Thiết thực hưởng ứng các phong trào thi đua do công đoàn viên chức tỉnh phát động và chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), chiều 18/5, tại rạp Hồng Hà, Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động (CCVCLĐ)” năm 2024.

Việc lựa chọn công nghệ thực tế ảo tương tác 3D trong một không gian di sản đã được thực hiện tại một khu phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân dân

Nhiều bảo tàng ở Việt Nam hiện không chỉ đơn thuần là nơi diễn ra trưng bày, triển lãm theo kỳ/cuộc mà hướng tới cung cấp trải nghiệm toàn diện cho du khách từ không gian thực cho đến không gian “ảo”.

Cựu thanh niên xung phong tham dự triển lãm cùng thắp hương cho đồng đội từng tham gia mở đường Trường Sơn

80 bức ảnh tư liệu khơi gợi niềm tự hào, kiêu hãnh trong những năm tháng mở đường Trường Sơn vừa được Trung ương Đoàn tổ chức triển lãm tại Quảng Bình.

Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục