“Chào Yên Bái...” ca khúc sâu nặng nghĩa tình quê hương
- Cập nhật: Thứ tư, 14/11/2012 | 9:38:15 AM
YBĐT - “Chào Yên Bái, thành phố quê hương” là nhạc phẩm của nhạc sỹ Trọng Loan viết dâng tặng tỉnh nhà cũng đồng thời là món quà tinh thần gửi đến quê mẹ, nơi ông sinh ra và lớn lên.
Cầu Yên Bái.
|
Tháng 4 năm 1998, tại hội trường tỉnh, nghệ sỹ ưu tú Kim Tiến - diễn viên Đoàn Ca múa nhạc Trung ương thể hiện ca khúc “Chào Yên Bái, thành phố quê hương” đã thực sự làm rung động biết bao trái tim yêu nhạc có mặt lúc bấy giờ.
“Chào Yên Bái, thành phố quê hương” là nhạc phẩm của nhạc sỹ Trọng Loan viết dâng tặng tỉnh nhà cũng đồng thời là món quà tinh thần gửi đến quê mẹ, nơi ông sinh ra và lớn lên. Trọng Loan sinh năm 1923. Tuổi 22, ông vào bộ đội, biên chế vào Sư đoàn 316. Chiến dịch Tây Bắc 1951, ông chiến đấu tại Cao Vịnh - Ba Khe - Nghĩa Lộ, sau đấy tham gia mặt trận Điện Biên phủ. Năm 1956 Tổng cục Chính trị giao cho ông làm Trưởng đoàn Ca múa 2, tiếp đó là Phó giám đốc Nhà hát Quân đội. Với quân hàm đại tá, nhạc sĩ Trọng Loan tiếp tục hoạt động thêm ở tổ sáng tác quân đội đến lúc nghỉ hưu.
“Chào Yên Bái, thành phố quê hương” - ca khúc dáng dấp dòng nhạc vừa chính ca, vừa tụng ca. Nhưng khi thể hiện, giai điệu cùng ca từ lại đậm pốp-ba-lát bởi tính chất nhẹ nhàng, tình cảm. Sự sáng tạo đến tột đỉnh là toàn bộ ca khúc này được vận dụng, khai thác và phát triển mang chất liệu dân gian (dân ca Thái), đặc biệt cuối mỗi câu nhạc những nốt móc đơn được luyến láy rất kỹ thuật đổ về âm chủ.
Sau những dòng nhạc mở đầu (18 ô nhịp) là lời ca đầy hào hứng, đưa người nghe nhận biết toàn cảnh thành phố.
Đoạn A 3 câu:
“Một ngày mới sáng lên rồi, một thành phố sáng xanh tươi
Chào bình minh cao nguyên bao la khắp nơi nơi”.
Sang đến câu 2:
“Miền Tây Bắc mênh mông đẹp trời, cầu Âu Lâu hân hoan gió mới
Những ngày mới Yên Bái hôm nay rừng hát vui”
Tiếp câu 3:
“Chào Yên Bái, thành phố mới, sông Hồng dài reo vang chiến công. Thời kháng chiến vang lừng chiến thắng, nay hòa bình xây phường phố đông”.
Đoạn B cũng ba câu nhạc nhưng được phát triển, nhằm giới thiệu con người nơi đây gắn bó xây dựng.
“Quê hương mình quân dân chung một lòng, cùng hợp tác xây thành phố đẹp lên mãi. Cùng cả nước tiến lên, đẹp giầu lên mãi và tình yêu thương bên nhau như hoa tươi, như biển hồ nước trong xanh trời ban mai”.
Cuối cùng, tác phẩm được nâng lên và kết thúc bằng một đoạn được xem như điệp khúc. Chỉ hai câu nhạc (mỗi câu 8 nhịp) được nhắc lại bởi 2 lời cụ thể, khiến ca khúc thêm trọn vẹn, thẳm sâu vào lòng người nghe.
Lời 1: “Chào Yên Bái thành phố mới, những nương chè xanh thêm sắc xanh. Nhà máy nơi vọng đều tiếng máy, ta xây hạnh phúc lâu dài”.
Lời 2: “Chào Yên Bái thành phố mới, những mái trường thêm vang tiếng ca. Quảng trường mới chan hòa nắng mới, hướng xây dựng thành phố quê hương sáng ngời”.
Mười bốn năm đã trôi qua nhưng mỗi lần được nghe lại nhạc phẩm này trên Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn rung động như nghe lần đầu. “Chào Yên Bái thành phố quê hương” là một ca khúc hay, ca từ giầu chất thơ, âm nhạc mượt mà, tươi tắn, sáng đẹp; nhịp điệu thôi thúc, hào hứng, lan tỏa nghĩa tình với quê hương, con người Yên Bái.
Với nhạc sỹ Trọng Loan, những người yêu nhạc nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều sáng tác của ông dành viết về Yên Bái, có thể kể những ca khúc: “Ta đi xây cho sáng đẹp trời xuân” (1971) viết về thủy điện Thác Bà, “Trăng sáng trên rừng quế” (1978) viết về người Dao Văn Yên, “Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?” (1989)...
Bùi Huy Mai
Các tin khác
Hơn 100 tác phẩm ảnh giới thiệu với người xem những khoảng khắc mà các tác giả đã ghi lại trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước.
Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa cấp phép để Lưu Thị Diễm Hương đến Mỹ tham dự cuộc thi Miss Universe vào tháng 12. Diễm Hương làm cô giáo lớp học tình thương.
Giải thưởng Âm nhạc MTV Châu Âu vừa kết thúc sáng nay, 12-11 (giờ VN) tại Festhalle, Frankfurt (Cộng hòa liên bang Đức) với chiến thắng áp đảo dành cho Taylor Swift và Justin Bieber.
Sáng 12/11, tại Hà Nội, chùa Một Cột đã vinh dự được công nhận kỷ lục "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á" do Tổ chức Kỷ lục châu Á trao tặng.