Những nghệ sĩ “săn lùng” cái đẹp

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/12/2012 | 9:10:42 AM

YBĐT - Tôi không phải là nghệ sĩ nhiếp ảnh nhưng có nhiều cơ may tiếp xúc với các tay máy “lão làng” của tỉnh Yên Bái nên đã chứng kiến nhiều ngày đi tác nghiệp của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, thực lòng tôi rất khâm phục niềm say mê của họ, quả là những người giàu tâm huyết với “nghiệp” nhiếp ảnh, tôi gọi họ là “đệ tử của cái đẹp”.

Tác phẩm “Cánh lưới” của Vũ Chiến.
Tác phẩm “Cánh lưới” của Vũ Chiến.

Khi tôi còn dạy học ở Nghĩa Lộ đã gặp Thanh Miền, Vũ Chiến, Hoàng Đô, Lê Bác Đạt… đi tác nghiệp ở Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải… Nơi nào cũng in dấu chân của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, kể cả những nơi “thâm sơn cùng cốc” như Tà Si Láng, La Pán Tẩn… họ cũng lặn lội “ôm máy” tới tận nơi, ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống vùng cao muôn hình muôn vẻ.

Có lần Vũ Chiến kể: “Hôm nay em bị trượt chân ngã, trượt dài từ sườn đồi tới chân đồi, quần bò rách xoạc mà hai tay vẫn phải giơ cao máy để máy không bị va đập, sái cả chân mà may là máy ảnh không bị sao” và ảnh “Mùa vàng Mù Cang Chải” đạt giải khuyến khích toàn quốc về đề tài du lịch được chụp trong chuyến đi ấy. Bức ảnh “Hòa âm Suối Giàng” của Vũ Chiến đạt huy chương Đồng liên hoan ảnh 15 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; nhóm ảnh: “Phụ nữ vùng cao làm theo lời Bác”, giải B của Hội nhà báo tỉnh Yên Bái là kết quả đi tác nghiệp ở những vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh.

Tôi rất tâm đắc khi xem bức ảnh: “Tìm đáp số” của nghệ sĩ Quách Hùng ghi lại cảnh các em học sinh dân tộc ít người đang chăm chú cùng giải toán. Đáp số của bài toán hôm nay chính là tri thức để ngày mai các em có một cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn. Bức ảnh nhỏ nhưng thông điệp lớn. Kỹ thuật và cảm xúc đã tạo ra ngôn ngữ riêng rất đa nghĩa.

Tôi được biết Quách Hùng là một nghệ sĩ đa tài, cùng với điêu khắc, âm nhạc, ảnh của anh đã gặt hái nhiều thành công: bức “Đường đến trường” đạt Huy chương Vàng và cúp bạc VaPa của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; “Ngày mùa ở Mù Cang Chải” đạt giải ba ảnh báo chí – nghệ thuật trên Báo Yên Bái; “Khách lạ” đạt Huy chương Bạc khu vực miền núi phía Bắc…

Khi đến thăm phòng trưng bày ảnh của Thanh Miền, tôi khen bức ảnh: “Thác Bà nhịp sống sinh sôi” đẹp, Miền kể: “Bức này em chụp được trong một ngày bơi thuyền lang thang săn ảnh trên hồ Thác Bà. Chiều về bỗng phát hiện một đàn cò trắng hơn trăm con đỗ xuống đảo nhỏ, em thích quá bơi thuyền vòng lại, chọn góc chụp rồi tìm mọi cách xua đàn cò bay lên. Tranh thủ lúc mặt trời chưa lặn, em “nháy” liên tục và chọn được kiểu này ưng ý nhất”. Tôi đã thấy bức ảnh này được phóng cỡ lớn treo ở các công sở và nhà riêng, vào tới Thanh Hóa cũng thấy ảnh này treo ở công sở ngành giáo dục.

Là Phó phòng Hành chính Trị sự của Báo Yên Bái, bận rất nhiều việc nhưng trái tim nghệ sĩ lại dành trọn cho niềm đam mê nhiếp ảnh nên Miền đã đạt nhiều giải lớn của khu vực và toàn quốc: ảnh “Mâm vàng” đạt Huy chương Bạc ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc, “Gương trời” đạt Huy chương Vàng ảnh nghệ thuật Khu vực Miền núi phía |Bắc, giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT (không có giải A), ảnh “Cả nhà cùng thực hiện” đạt giải nhì về An toàn giao thông của báo Bạn đường, ảnh “Ngày hội xuống đồng” giải nhất năm 2009, tác phẩm “Nước và cuộc sống” đạt Huy chương Vàng liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2011, giải C của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, tác phẩm “Lương thực cho nhân loại” được treo triển lãm tại cuộc thi ảnh ý tưởng toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức năm 2012.

Có lần Lê Bác Đạt và Hoàng Đô cùng bàn luận về nhan đề cho bộ ảnh dự thi của Lê Bác Đạt, có một bức chụp cảnh hai quả đồi chè nằm kề nhau xanh tươi và tròn đầy như vồng ngực người mẹ. Lê Bác Đạt đặt là “Sức sống của rừng”, Hoàng Đô đặt tên là “Bầu sữa ngọt của rừng”, thật là thú vị về những phát hiện giàu chất mỹ cảm như vậy trước cuộc sống. Lê Bác Đạt có ảnh “Cởi mở” được Huy chương Đồng Khu vực Miền núi phía Bắc; ảnh “Tình bà cháu” giải B cuộc thi ảnh báo chí nghệ thuật trên Báo Yên Bái…

Hoàng Đô là diễn viên Đoàn nghệ thuật tỉnh nhưng rất đam mê nhiếp ảnh. Để có bức ảnh “Lung linh Thác Bà”, Đô đã đi “săn” suốt một tuần, ngày nào cũng vào hồ lúc 5 đến 7 giờ chiều trèo lên một ngọn đồi, lá chè vè cứa rách tay, đến ngày thứ 6 mới chụp được bức ảnh như ý. Say mê và âm thầm cống hiến cho nghệ thuật như vậy thật đáng trân trọng.

Bức ảnh “Nhịp điệu ngày mùa” của Đô đạt giải B của hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái; ảnh “Đường ta thẳng tiến” giải A về an toàn giao thông; ảnh “Niềm tin” giải nhì cuộc thi bảo vệ môi trường; ảnh “Vườn xuân” đạt Huy chương Bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật Khu vực Miền núi phía Bắc lần thứ XII…

Tôi đã đi dự trại sáng tác cùng một nhóm nghệ sĩ nhiếp ảnh và chứng kiến những ngày đi tác nghiệp của các bạn. Khi tới thăm Tháp Bà Ponaga (Nha Trang), mọi người thư thái thưởng ngoạn thì các tay máy phải tranh thủ chụp. Tôi thấy Thái Hoàng đặt máy sát đất, đầu chúc xuống, tóc chạm đất, toàn thân trong một tư thế kỳ cục trông rất buồn cười, cứ thế hồi lâu để ghi lại những bước vũ uyển chuyển của các thiếu nữ.

Khi nộp tác phẩm Hoàng có bức ảnh: “Vũ điệu Chăm” quả là đã nắm bắt được thần thái của điệu dân vũ độc đáo này. Khi về tôi trêu Hoàng, em bảo: “Thế đã ăn thua gì, tháng trước đi chụp hoa sen, em lội xuống đầm nước đến ngực cả buổi sáng, mùa hè mà lạnh run lên đấy. Bức ảnh “Sắc xuân” được Huy chương Đồng Khu vực Miền núi phía Bắc là kết quả hàng tuần lang thang khắp Hà Giang”.

Hoàng cho tôi xem bức ảnh. Quả là đẹp! Một triền núi Hà Giang vốn khô cằn đá sỏi mà khi xuân về lại tràn trề sức sống từ nhiều loại hoa rộ nở. Một phụ nữ Mông đang cặm cụi trên mảnh nương cũng rực rỡ hoa. Thật là đầy ắp sắc xuân, ngắm hoa xuân thấy lòng mình thư thái…

Trong nhóm nhiếp ảnh có anh Tuấn Nghĩa lớn tuổi nhất. Anh thường bảo: “Đi “săn ảnh” vất vả lắm nhưng cũng vui, nhiếp ảnh tốn nhiều thời gian công sức, được cái giải nhỏ là vui rồi”. Anh khiêm tốn vậy nhưng tôi biết anh có tới 8 giải thưởng về ảnh…

Mỗi khi xem một bức ảnh trên báo, tạp chí, tôi cảm nhận được sức nặng của những giọt mồ hôi đổ ra trong quá trình lao động nghệ thuật và thấm thía hơn những thông điệp đầy ý nghĩa từ mỗi bức ảnh.

Dương Hiền Nga

Các tin khác
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”.

Tại chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông", Trung ương Đoàn, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chính thức phát động cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”.

'Ông già và biển cả' là một tác phẩm văn học kinh điển, được đánh giá cao bởi cả giới phê bình và công chúng.

Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố và 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Thành phố Yên Bái dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay tưng bừng các hoạt động văn hoá văn nghệ khắp địa bàn, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phầndần hình thành nên nét văn hóa đặc trưng riêng có của thành phố tỉnh lỵ.

Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục