Gửi gắm ước nguyện

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/2/2013 | 9:25:07 AM

YBĐT - Nói Tết nhảy là “đặc sản” của người Dao ở Tây Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng chắc cũng không quá. Bởi nó hội tụ đầy đủ những sắc màu văn hóa dân gian của người Dao từ tín ngưỡng tôn giáo, thần linh đến dân ca, dân vũ.

Vui nhộn những điệu múa trong Tết nhảy.
Vui nhộn những điệu múa trong Tết nhảy.

Đúng như tên gọi, Tết nhảy là tết của những điệu dân vũ truyền thống đặc sắc của người Dao. Múa ở đây có sự đan xen hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới. Nhưng đặc trưng, đặc sắc, vui nhộn nhất và cũng là quan trọng nhất trong tết nhảy đó là múa rùa.

Người Dao có quan niệm hình thái tín ngưỡng vạn vật hữu linh giáo. Đó là quan niệm đa thần, vạn vật hữu linh - tức là vạn vật đều có linh hồn. Chính điều này tạo thành một bức màn huyền bí phủ lên văn hóa của người Dao. Và cũng chính vì lẽ đó mà mọi nét sinh hoạt văn hóa đều có những truyền thuyết thực hư, huyền ảo đem theo cả ước vọng của con người.

Điệu múa rùa cũng có những câu chuyện truyền thuyết xung quanh, ở mỗi vùng hoặc mỗi nhánh người Dao chi tiết có khác nhau nhưng đều thể hiện thái độ thành kính tôn nghiêm với loài rùa. Điều đó lý giải tại sao rùa là một trong 2 loài vật người Dao thờ cúng và kiêng không ăn.

 Người Dao Đỏ Yên Bái xưa có câu chuyện kể rằng: Ở khu rừng nọ có một loài ác thú đến phá phách nhà cửa, nương rẫy của dòng họ người Dao. Tuy dân làng chống trả kiên cường nhưng không thắng nổi. Bỗng nhiên từ dưới suối xuất hiện một đàn rùa, chúng tiến đến nơi cuộc giao chiến đang diễn ra để bênh vực người Dao. Lũ ác thú điên cuồng dùng đá, gậy để tấn công lại.

Nhưng rùa có chiếc mai cứng rắn bảo vệ cơ thể nên không đá nào có thể làm bị thương. Thừa lúc ác thú sơ hở, đàn rùa bèn giương cổ dài há miệng to cắn vào chân chúng, ác thú không chạy được bị dân làng dùng cung nỏ, gậy gộc để hạ gục. Ác thú đã bị đàn rùa cùng dân làng tiêu diệt hết, người Dao đã thoát khỏi hiểm họa.

Từ đó, ngừời Dao luôn nhớ công ơn của loài rùa và rùa được coi là loại động vật thông minh, dũng cảm, có thể giúp đỡ con người trong tai họa, hiểm nguy. Người Dao đã lấy đồng, nhờ thần núi đúc thành con rùa - đó chính là cái chũm chọe được dùng trong các lễ tiết quan trọng, đặc biệt là tết nhảy. Trong nghi lễ nông nghiệp, sự giao hòa âm dương của đôi chũm chọe còn cầu sấm chớp, mưa thuận gió hòa, cầu cho gia chủ, dân làng được mùa, bình an.

Trước khi múa rùa phải làm thủ tục lập đàn cúng. Lễ vật dâng gồm có bát nước, bát hương, vuông vải trắng và để vào khoảng ba nắm gạo vài đồng bạc trắng, rồi lấy mũ của ông chủ đám úp lên. Ông khoi tàn - thầy múa dẫn đầu tốp nam theo tiết tấu của trống phách, kèn so la, đi vòng quanh đàn cúng thực hiện nghi lễ đã được xác định. Tốp múa thông thường 5 - 7 người tùy thuộc vào độ rộng của sàn múa, nhưng bắt buộc phải là số lẻ.

Những động tác múa vui tươi, nhẹ nhàng, uyển chuyển của người múa diễn tả tuần tự việc đi tìm rùa, bắt rùa, trói rùa rồi đem về nhà làm lễ vật cúng Bàn Vương, thần thánh, gia tiên, rồi động tác mô tả hình ảnh người Dao ăn thịt rùa nhưng sau khi ăn xong thì tất cả đều chạy vòng quanh đàn lễ rồi quay tại chỗ, điều đó thể hiện người Dao nếu như ăn thịt rùa sẽ bị đau bụng có thể dẫn đến chết. Điệu múa diễn ra trong tiếng trống, thanh la, não bạt và tiếng hú, tiếng hò vui nhộn làm rung động cả núi rừng.

Múa bắt rùa cũng biến đổi ở các nhánh Dao, có khi nữ cầm chũm chọe đập vào nhau tương tự như tốp nam múa. Nữ múa với đạo cụ là chũm chọe nhưng có phần nhẹ nhàng hơn. Qua những động tác hình thể trong điệu múa rùa người Dao muốn báo với Bàn Vương rằng người Dao vẫn duy trì bảo vệ loài rùa. Điệu múa cứ thế lặp đi lặp lại và đan xen với múa chuông, múa kiếm, cứ hết tốp này đến tốp khác thay phiên nhau liên tục cho tới sáng.

Múa rùa diễn ra trong không khí vui tươi, những động tác nhịp nhàng, khỏe khoắn. Qua điệu múa, người Dao gửi gắm ước nguyện cầu mong Bàn Vương phù hộ cho gia đình, dòng họ, bản làng được sống yên vui, hạnh phúc, mùa màng, cây cối bội thu. Kết thúc màn múa rùa, tất cả mọi người đều hồ hởi, phấn khởi và tin tưởng rằng những gì xấu xa nhất đã bị loại trừ, con người sẽ được sống vui vẻ, mùa màng sẽ tốt tươi...

Múa rùa là một nét đẹp, thể hiện sự phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng dân tộc. Vì vậy, nó có một sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa của người Dao.

Thanh Ba

Các tin khác
Màn đại Dậm thuông với sự tham gia của gần 800 nghệ nhân, diễn viên xã Thượng Bằng La

Trong những năm qua, huyện Văn Chấn đã quan tâm chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của 188 di sản văn hóa, chủ yếu là di sản văn hoá phi vật thể của các tộc người thiểu số, góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch và nâng cao đời sống cho người dân.

Vòng chung kết dự kiến chọn 300 thí sinh tham gia tranh tài tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Cuộc thi Festival Guitar Talent toàn quốc năm 2024 nhằm tìm kiếm tài năng guitar từ 7 tuổi trở lên trên toàn quốc.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn và nghệ nhân Mai Thị Hồng Chắn hướng dẫn các thành viên Câu lạc bộ Khắp Cọoi Trường Tiểu học và Trung hoc cơ sở xã Mường Lai cách hát Khắp

Mường Lai là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng của miền đất Ngọc Lục Yên. Đây là nơi thành lập căn cứ kháng Nhật và ra đời Đội du kích Cổ Văn. Không chỉ anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, mảnh đất Mường Lai còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của người Tày, là cái nôi của hát khắp, hát coọi.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề "Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao" diễn ra sáng 12/5 tại Quảng Ninh, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động tối đa nguồn lực phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục