Lang bang thú chơi gà chọi

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/2/2013 | 2:34:43 PM

YBĐT - Việc chơi gà chọi là một thú chơi tao nhã, tạo ra một không gian giải trí lành mạnh, là cơ hội để giao lưu, chia sẻ tình cảm và mong nhiều hơn những điều tốt đẹp, nhất là vào dịp năm mới xuân sang.

Sới chọi ở phố Trương Quyền.
Sới chọi ở phố Trương Quyền.

Lang bang trong cái lạnh còn vương trên những cành khẳng khiu vừa trút chiếc lá cuối cùng, bước chân du xuân chợt lạc vào đám đông của sới chọi gà ở phố Trương Quyền, phường Yên Ninh. Vòng trong, vòng ngoài làm không khí ở đây dường như “nóng” hơn. Họ đang theo dõi cuộc đấu giữa một “con ô” của ông chủ Đắc ở thành phố Yên Bái và “con xám” mà chủ Quảng của nó ở tận Lục Yên.

Tất cả chăm chú dõi mắt theo những cú đá, những đòn đánh của hai “kê chiến”, rồi cùng trầm trồ bình luận. Con thì được đánh giá tốt bởi chiều cao, con được khen bởi những đòn thấp nhưng hiểm. Người chưa biết có thể hỏi và nghe giải thích về những đòn đánh như: đánh đầu mặt, thọc hầu, bưng vựa lúa hay những cú đánh trực hầu, đòn đánh mé… nhưng hiểm nhất là đòn đánh xiên tâm, cú đá lia đánh cần cổ, cáo hoa mai. Nói vậy nhưng không phải ai cũng có thể xem, theo rõ và phân tích được những đòn đánh mà đưa ra nhận định được ưu thế của mỗi “kê chiến”. Rồi họ còn nhận xét từ cái mỏ, đến đầu, rồi chân, cánh và đến cả bộ lông và ánh mắt con gà.

Hồi thứ hai kết thúc, cuộc giao đấu vẫn bất phân thắng bại, hai chú gà được chủ đưa ra ngoài “làm nước” chăm sóc. Nào khăn sạch, nước ấm đã được chuẩn bị sẵn, hai ông chủ nhanh tay lau sạch những vết thương, lấy khăn ấm chườm vào vết xước ở đầu, xoa bóp cái cổ to chắc, cái ức nở cứng. Lúc thi đấu là vậy, chứ để có được con gà đủ độ vào sới thì sự chăm chút của những người chơi gà chọi còn công phu hơn rất nhiều.

Thời gian để gà chọi vào được sới phải tính bằng năm, chí ít cũng phải 10 tháng kể từ khi người chủ sở hữu con gà, ít hơn thì khó có thể trở thành gà chọi mà chỉ dừng lại ở dạng gà đang vần vỗ. Nuôi được từ 14 tháng trở lên, con gà đưa ra chiến mới tạm coi là chuẩn, là đủ cơ bắp và có đòn ngón.

Ông Đặng Tuyết ở phố Đoàn Kết, phường Yên Ninh - người có thâm niên với thú chơi này nói: “Gà chọi ăn nhau là ở cái lối anh ạ, phải biết đánh quản chứ nếu chỉ đánh đòn, đánh ngón thì khó thắng. Có được con gà chọi khó lắm, người ta chọn kỹ từng chi tiết từ mặt con gà, đến mắt, cổ… rồi chọn đến tổng thể con gà. Rồi con gà phải ít nhất có 4 - 5 lần vần tập mới may có thể cho ra sới chiến. Nuôi con gà phải biết con gà thế nào, có tình cảm với nó, hết mình với nó, thậm chí phải như bác sỹ riêng của nó, công phu lắm nhưng đó là thú vui anh ạ”.

Nuôi gà chọi phải mất thời gian và cũng không là việc dễ, còn chơi gà chọi là câu chuyện đòi hỏi người ta một niềm đam mê, sự kiên nhẫn, nghiêm túc và có khi cần cả đức trí của bậc quân tử.

Người ta ví von: “Nếu chưa xem đủ bảy hồ trên sới thì đừng tìm đến thú chơi gà chọi”. Thế nên mỗi chủ nuôi có một cách chăm sóc, chế độ cho ăn, tẩm bổ, om bóp chú “kê chiến” của mình khác nhau nhưng làm sao phải để con gà có thể lực tốt dù gà ở tầm vóc nào. Không chỉ tinh ở việc cho ăn, cho uống, mà còn phải biết luyện gân, bồi bắp bằng các loại thuốc bóp ngâm cây củ, dược thảo khác nhau, có khi là rượu ngâm gừng, nghệ và cả nước tiểu, mục tiêu để con gà có cơ bắp săn chắc, oai phong, vững vàng khi vào sới.

 

Ngón đòn quyết định.

Đã là nghề chơi thì phải có trải nghiệm, phải thâm uyên và tinh tường. Người nuôi có thể biết nhiều, người chơi thấy con hay thì mua nhưng nghệ thuật ấy phải thể hiện được tinh tường từ chọn giống: phải biết chân, cánh, mỏ là những yếu tố quyết định con gà chiến hay - dở thế nào mà công phu tìm chọn.

Ông Bùi Ngọc Thái - một người nuôi gà chọi ở xã Thịnh Hưng (Yên Bình) nói: “Đòn ngón là do bản thân con gà tự có nhưng người chơi có kỹ thuật chăn nuôi thì từ khi khai sơ con gà, người biết có thể xem tính nết từ con gà mẹ, to cao, cân nặng do gà bố quyết định. Người chơi thì tìm xem đến cái vảy chân, cái ngón chân, cái móng, cái đầu, mỏ, mắt và cả cái cánh, bộ lông con gà để chọn con gà đấu cho mình”.

Đối với mắt, người chơi có thể chọn con gà có vành mắt là đỏ, thau, hay trắng; mắt lồi, mắt to không ai chơi nhưng loại “mắt ếch, chân xanh” thì lại là loại hiếm, là loại đá hay. Hoặc người ta phải biết lòng bàn chân con gà không lồi ra để tránh lết bết, chậm chạp.

Trong 4 ngón, ngón chân dài có 19 - 22 vảy thì tốt, dưới 17 vảy thì ngắn, ngón cần 12, ngón cần 7 đốt vảy mới tốt. Vảy chân thường phải mỏng, bám vào quản, nếu vảy dày lại xem vảy chữ nhân hay dập răng cưa.

Khi đứng, chân mà xoạc chân thang thì rộng đòn hay trượt; tỷ lệ đùi và quản thế nào là phù hợp cho một con gà tốt. Cựa gà cũng phân ra các loại cựa kim, cựa vành nguyệt, cựa trúc, cựa hướng gió, cựa sừng trâu… Con nào cựa chuẩn, có thể ra những đòn độc vào hầu, hốc trều, cặp nách; có khi đánh vào cặp nách giết đối thủ ngay hoặc mất khả năng chiến đấu vĩnh viễn.

Người chơi kỹ chỉ cần nhìn cái đầu, cái cổ có thể biết con nào chịu đòn tốt, con hay chạy ngang, con đánh cửa trên với những cú đá lia, thọc hầu hay mé xiên, có con hay luồn rúc ráy, đá vỉa bên dưới. Mỏ con gà chọi cũng được phân loại thành mỏ quạ, mỏ giang, mỏ đại bàng, mỏ ba lá, mỗi thứ mỏ có cái hay dở khác nhau… Đôi cánh của chú “kê chiến” làm sao để khi đánh phải bay cao nhưng cần “ốp má chai” ở mức nào để khi đá không mở nách, chống đòn hiểm.

Người chơi đến mức thật kỹ lại phải ứng theo ngũ hành để chọn con gà màu gì, tương ứng mệnh hợp với mình thì được con gà hay. Nhất là khi ra sới đấu, chủ gà phải biết ghép đôi thế nào để có thể thắng. Cùng chạ nhưng khác màu lông vẫn có thể thua hoặc thắng. Ví như con vàng (mệnh là thổ) đánh con “ô” - đen (gọi là thủy) chắc thua nhưng “con thổ” đánh con trắng (gọi là kim) ắt thắng trận. Con gà điều (mệnh hỏa) đánh vào mùa đông ít thắng nhưng đánh mùa xuân, hạ, thu thường chiến thắng.

Thú chơi gà chọi cũng thật lắm công phu nhưng cũng có người chọn con gà chọi chỉ để để tạo ra sự hứng thú riêng, để tự cho mình một thứ để công phu chăm bẵm, để luyện bản thân. Họ tự coi việc chơi gà chọi là một thú chơi tao nhã, để tạo ra một không gian giải trí lành mạnh, để có thêm một cơ hội để giao lưu, chia sẻ tình cảm và mong nhiều hơn những điều tốt đẹp, nhất là vào dịp năm mới xuân sang.

Quang Tuấn 

Các tin khác
Bà Trần Thị Hoàng Mai (áo dài trắng), Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng và Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn tặng hoa các đoàn nghệ thuật tham gia liên hoan.

Tối 13/5, tại Nhà hát thành phố Hải Phòng, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng khai mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ nhất, năm 2024.

Màn đại Dậm thuông với sự tham gia của gần 800 nghệ nhân, diễn viên xã Thượng Bằng La

Trong những năm qua, huyện Văn Chấn đã quan tâm chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của 188 di sản văn hóa, chủ yếu là di sản văn hoá phi vật thể của các tộc người thiểu số, góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch và nâng cao đời sống cho người dân.

Vòng chung kết dự kiến chọn 300 thí sinh tham gia tranh tài tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Cuộc thi Festival Guitar Talent toàn quốc năm 2024 nhằm tìm kiếm tài năng guitar từ 7 tuổi trở lên trên toàn quốc.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn và nghệ nhân Mai Thị Hồng Chắn hướng dẫn các thành viên Câu lạc bộ Khắp Cọoi Trường Tiểu học và Trung hoc cơ sở xã Mường Lai cách hát Khắp

Mường Lai là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng của miền đất Ngọc Lục Yên. Đây là nơi thành lập căn cứ kháng Nhật và ra đời Đội du kích Cổ Văn. Không chỉ anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, mảnh đất Mường Lai còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của người Tày, là cái nôi của hát khắp, hát coọi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục