Lớp học chữ giữ tri thức bản địa

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/4/2013 | 9:12:50 AM

YBĐT - Mỗi người một công việc, một chức vụ, có người đầu bạc, có kẻ đầu xanh, họ khác nhau về nhiều thứ nhưng trong họ có một tình yêu, một nguyện vọng chung là bảo tồn nguồn tri thức bản địa khi đến với lớp học dạy chữ Thái.

Một buổi dạy và học chữ cái của thầy Dung và các học trò.
Một buổi dạy và học chữ cái của thầy Dung và các học trò.

Trăn trở, lo lắng khi chữ viết, tiếng nói dân tộc mình đang đứng trước nguy cơ ngày càng mai một, năm 2006 người nghệ nhân già Lò Văn Biến (bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ) đã tự mình mở lớp học đọc và viết chữ Thái đầu tiên với chỉ một thầy và mười trò. Những thế hệ đầu tiên đã kiên trì vượt qua những khó khăn ban đầu, để kết thúc khóa học đầu tiên với những thành công ngoài mong đợi. 

Chỉ trong vòng một tháng, tất cả những học viên đã có thể đọc và viết thành thạo tiếng nói dân tộc mình.  Điều đáng nói là học viên khóa một ấy đều là những cán bộ viên chức, cả những người đã có tuổi nhưng vẫn hăng say với việc học hành. Người thầy khi ấy đã ngoài tuổi 70 vẫn miệt mài soạn giáo án và lên lớp.

6 năm trôi qua, 6 năm với nhiều thế hệ học viên đã kết thúc khóa học với tấm giấy chứng nhận trên tay, lớp học vẫn được duy trì với số lượng ngày càng đông. Khóa học thứ 7 với 50 học viên đã bước sang buổi thứ 7, hầu hết học viên đều là những người đã đi làm, cán bộ viên chức, cả những cụ già đã lớn tuổi, lớp học được tổ chức vào buổi tối thứ 2, thứ 4, thứ 6.

Dù đã có được người học trò xuất sắc, nay đã tự tin đứng trên bục giảng là thầy Lò Tuyên Dung nhưng cụ Biến vẫn thấy chưa yên tâm. Cụ vẫn lên lớp trong vai trò là người cố vấn, cùng thầy Dung soạn giáo án và hướng dẫn học viên trong lớp. Là học viên của khóa thứ 3, thầy Dung đã nhanh chóng nắm bắt được những kiến thức mà cụ Biến truyền đạt.

Với tình yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình, thầy đã bước tiếp con đường mà người nghệ nhân già đã kiên trì theo đuổi. Thầy tâm sự: “Mình chỉ biết đem hết nhiệt huyết và những kiến thức mình có để truyền đạt cho các học viên, hy vọng các học viên có thể tiếp thu được phần nào”.

Với những nỗ lực của cả thầy và trò, lớp học đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương và lãnh đạo tỉnh, thu hút ngày càng nhiều học viên tham gia. Dạy và học chữ là một trong những hoạt động quan trọng của Hội bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái (viết tắt là CSDM).  Với mong muốn bảo tồn nguồn tri thức bản địa dân tộc vốn rất phong phú đa dạng, mang bản sắc riêng nhưng có nguy cơ mai một dần, lớp học nói riêng và Hội bảo tồn nói chung đang cố gắng để giữ lại những giá trị văn hóa mà cha ông để lại.

Mường Lò là nơi cư trú lâu đời của người Thái đen. Người Thái có chữ viết từ rất lâu đời, nó thể hiện qua các văn tự cổ, còn lưu giữ tại Mường Lò, ghi lại lịch sử quá trình di thiên của dân tộc Thái vào Việt Nam, ngoài ra chữ Thái còn là “phương tiện” để gìn giữ thơ ca, văn học dân gian, các nghi lễ, luật tục và đặc biệt chữ Thái cổ được các thầy mo, thầy cúng sử dụng qua các bài cúng cũng được lưu giữ cho tới ngày hôm nay. Văn hóa Thái đen, trong đó có chữ viết là những tài sản quý báu của dân tộc cũng như nhân loại, góp phần tạo nên nền văn hóa phong phú đậm đà bản sắc dân tộc của nước ta. Vì vậy, những nỗ lực mà cụ Biến, thầy Dung cũng như nhiều cá nhân tập thể khác đang làm thật đáng quý.

Một mái đầu xanh bên cạnh một mái đầu bạc vẫn ngày ngày bên nhau, nuôi dưỡng và truyền thụ nét đẹp văn hóa dân tộc mình đến thế hệ con cháu. Công cuộc bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc chưa bao giờ là dễ dàng nhưng khi vẫn còn những người như cụ Biến, thầy Dung, chắc chắn những giá trị ấy sẽ còn được duy trì và phát triển. 

Thanh Hà

Các tin khác
Liên hoan âm nhạc khu vực phía Bắc năm 2012 tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc

Trong hai ngày 12 và 13/4, tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La sẽ diễn ra “Liên hoan Âm nhạc toàn quốc khu vực phía Bắc năm 2013”. Đây là ngày hội của các nhạc sỹ và những người yêu âm nhạc.

Tiệc phim ngắn trực tuyến (YxineFF) lần thứ 4 - năm 2013 đã chính thức khởi động với chủ đề "Lựa chọn", mục tiêu là khuyến khích các nhà làm phim trẻ nuôi dưỡng niềm đam mê điện ảnh, dám đi theo con đường mang dấu ấn cá nhân của mình.

Sáng 9-4, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với các đơn vị chức năng về công tác chuẩn bị cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013 (DIFC 2013).

Đồng chí Trần Công Thành - Phó bí thư Thường trực Thành ủy trao thưởng cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

YBĐT - Đến nay, thành phố Yên Bái đã có 4 nhà văn hóa đa năng; 143/146 khu dân cư có nhà văn hóa cộng đồng; 100% số xã có điểm bưu điện - văn hóa xã. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được xây dựng rộng khắp, xóa các “điểm trắng” về hoạt động văn hóa - thông tin.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục