Ám ảnh... chợ chiều

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/4/2013 | 9:10:02 AM

YBĐT - Chợ chiều, nhọ mặt người rồi ai còn tâm trạng, thời gian đâu mà dừng lại chiếc xe của nó.

Ừ thì rõ là mồng một nhưng hầu hết họ đều sắm lễ vào buổi sáng cho thanh tịnh. Nó hiểu thế nên niềm hi vọng gỡ gạc chút tiền gốc cho mẹ đang lụi dần theo từng tia nắng cuối ngày.

Nó nhỏ bé đứng lặng lẽ bên chiếc xe đạp khung đã hoen gỉ không còn biết là màu gì, miệng liên tục mời như xin những người đi đường bất chợt hay cố ý đi qua chỗ nó: "Bác mua hoa, cô mua hoa cho cháu đi". Đáp lại ánh mắt như cầu khẩn của nó là những cái gật đầu thờ ơ, hay cái nhìn như ban ơn quét qua hai xô hoa cúc vàng trên gác ba ga.

Tôi dừng chân trước hàng hoa của nó bởi cái ánh mắt như van như xin ấy. "Hai nghìn một bông bác ạ". Chẳng buồn nhìn mặt nó, tôi vừa chăm chú lựa hoa vừa trả giá: "Nghìn rưỡi thôi". "Không bác ạ". "Giờ trời tối rồi, ai mua nữa. Không bán mai có mà bỏ đi". Chẳng thấy con bé nói gì, tôi đưa mắt xem thái độ của nó. Một cái mặt bé choắt, đen sạm, với mái tóc tém cao đến tận gáy. Tôi ngỡ ngàng: "Ơ thế cháu là trai hay gái?". Nó cười: "Là cháu ạ".

Tôi bật cười vì câu trả lời ngô nghê của nó nhưng nhìn hàm răng đều đặn và cái giọng nói thanh thanh tôi đoán nó là con gái. Nó chừng tuổi con gái tôi, vậy mà đã phải bươn bả xuống đường kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. ở cái tuổi lên 9, lên 10 của nó nhẽ ra phải được vui chơi, được học hành, được bố mẹ chăm chút, nâng niu. Sớm phải va đập với chốn chợ búa này không hiểu con bé đã học được những gì gọi là mánh lới để lừa người mua không nhỉ?

Tôi nảy ra điều băn khoăn đó bởi rất nhiều lần bắt gặp những cháu nhỏ cắp chậu rau có vài ba mớ, len lỏi đến từng chiếc xe máy đang đi chầm chậm tìm mua thức ăn để mời chào: "Rau nhà cháu trồng đấy, làm gì có thuốc". Nhìn cái bộ dạng con trẻ của chúng, ai cũng tin ngay. Với lại dân đi buôn thì cả thúng, cả xe chứ ai lại cò con có vài mớ thế này.

Vậy là họ tin, như tin tưởng cái vẻ ngây thơ bề ngoài thì ắt trong trí óc còn non nớt tuổi đời sẽ chẳng thể nào có thể tư duy được những chiêu bài ngoạn mục để lừa dối. Nhưng khi rau "của nhà" hết, chúng lại vui vẻ bê đến một sọt rau lớn nhặt lấy vài mớ bỏ vào chậu rồi lại nhanh nhảu cắp đi mời chào. Chúng chẳng có chút gì băn khoăn trước hành động lừa dối của mình mà chỉ chăm chắm vào nắm tiền trong tay có đang chặt dần hay không, những chậu rau có vơi dần theo ánh nắng cuối chiều đang vô tình tắt dần hay không.

Với những hôm ế ẩm, chúng thấy hoàng hôn vô tình lắm, người xe ken vào nhau nườm nượp chạy qua mặt chúng cũng vô tình lắm. Sao không dừng lại mà chiếu cố nhặt cho chúng mớ rau. Thế có phải là họ đang giúp gia đình chúng có một ngày lao động tuy mệt nhọc nhưng vui vẻ vì hàng không bị ế ẩm không.

Nhưng ấy chỉ là mơ ước mà cuộc đời này lại thực tế, thực tế đến mức trần trụi nên cái việc mẹ chúng chở cả nửa sọt rau ế về nhà là chuyện cơm bữa. Miếng cơm, manh áo đã xô đẩy mẹ chúng nghĩ ra cái trò đóng kịch này. Nói dối mà lại hay, rau mẹ chúng bán nhanh hơn, niềm vui luôn tràn ngập trong gia đình chúng. Thế rồi cái sự ngây thơ trong trắng, sự thật thà vốn có của trẻ nhỏ bị cuốn phăng cùng với guồng quay của cơm áo gạo tiền. Những người lớn có bao giờ thấy mình có lỗi?

Hình ảnh những đứa trẻ sớm ranh ma để kiếm tiền ấy nảy ra trong suy nghĩ của tôi, khiến tôi nhìn cháu bé bán hoa cúc trước mặt bằng ánh mắt cảnh giác, dè chừng. Tôi quả quyết: "Nghìn rưỡi bán đi, mai là vứt đi đấy". Con bé một mực lắc đầu: "Cháu bán hai nghìn là giá gốc bác ạ. Bác mua cho cháu đi”. Tôi nhìn con bé, sự trong trẻo trong ánh mắt của nó khiến tôi tin con bé nói thật.

Nhưng tôi vẫn cố tình tạo hoàn cảnh xem con bé phản ứng ra sao. Tôi cắm lại mấy bông hoa đã lựa vào xô, làm động tác chuẩn bị bỏ đi không mua nữa: "Thôi không bán bác đi hàng khác vậy". Chẳng thấy mồm năm miệng mười như những đứa trẻ bán hàng khác, con bé nhìn tôi, ánh mắt của nó có cái gì đó như van lơn, như oán trách.

Hình như nó đang trách tôi sao lại không tin lời nó, sao không thương cho hoàn cảnh khốn khổ của nó, sao không xởi lởi mà lại cứ bo bo vài nghìn bạc như thế. Vài nghìn với bác có to tát gì, cớ sao lại không nhân đức mà xuống tay mua cho nó vài bông hoa? Tôi khựng lại, định bụng mở ví mua cho con bé thì chị bán hoa bên cạnh nói: "Nó nói thật đấy. Chị mua cho nó đi. Mẹ nó phải đạp xe 20 cây vào tận Yên Bình mà mua đã hai nghìn rồi”.

Tôi đưa ánh mắt dò xét về phía chị, không thấy được sự dối trá nào trong đó. Có lẽ chị nói thật. Mấy chị bán hoa đứng bên cũng đồng tình: "Nó nói đúng đấy! Mua cho nó vài bông đi". Tôi thấy lạ, sọt của họ cũng còn đầy hoa đấy thôi, sao không chớp thời cơ mà mời chào, biết đâu sẽ bớt được vài bông hoa ế.

Thì ra ở cái nơi cạnh tranh bạc bẽo này vẫn đằm thắm cái tình, cái nghĩa của con người đấy chứ. Bán được vài bông hoa cho tôi, nét mặt con bé rạng rỡ hẳn, giờ tôi mới thấy nó nở nụ cười: "Cô ơi, cô có nhìn thấy mẹ cháu đâu không?". Người đàn bà bán hoa bên cạnh rướn cái cổ xương xẩu nhìn về phía cuối con đường đang thưa dần dòng người vào chợ, nói như reo: "Kia kìa, đang dắt xe kia thây".

Tôi nhìn theo tay chị, thấy một bóng người phụ nữ, nhỏ thó, nhập nhòe trong bóng chiều chạng vạng, đang liêu xiêu đẩy xe đạp với theo một người phụ nữ ngồi trên xe máy, có lẽ chị đang cố gắng mời chào. Chị ngồi trên xe máy gạt ngang, gắt gỏng ra chiều bực bội. Hình như nó thấy xót mẹ nên nói như trách: "Họ không mua đâu, mời nhiều làm gì cho khổ". Tôi giật mình quay nhìn đứa bé. Nó không để ý đến tôi, chỉ hướng đôi mắt u buồn, nhuốm màu hoàng hôn về phía mẹ. Bất giác tôi muốn mở ví rút cho nó một ít tiền nhưng rồi lại không dám.

Những con người vẫn giữ được phẩm giá của mình trong khó khăn như thế, chắc chắn lòng tự trọng của họ sẽ không cho phép họ yếu hèn mà nhận chút lòng thương ấy nơi tôi.

Hoàng Kim Yến - Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái

Các tin khác
Thiếu nữ Tày với điệu hát then. (Ảnh: Đức Hồng)

YBĐT - Là xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn (Yên Bái), Đại Lịch được xem là vùng đất khá đa dạng về sắc màu văn hóa, trong đó phải kể đến những những điệu khắp then – đàn tính của người Tày nơi đây.

Một tiết mục dự LHDCVN lần 5, khu vực Bắc Trung bộ.

Đến lần tổ chức thứ 5, Liên hoan dân ca Việt Nam (do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức) đã thật sự là một sân chơi hấp dẫn, thú vị; là nơi nghệ thuật dân ca được phổ biến rộng rãi và đến gần với công chúng khắp cả nước.

Đây là linga độc đáo nhất tại Đông Nam Á, tiến sỹ Ngô Đăng Doanh nhận xét

Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, thông tin về việc dòng suối cổ tại khu di tích Mỹ Sơn bị san ủi, bêtông hóa một cách vội vã đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự can thiệp thô bạo của con người đối với di sản, nơi được đánh giá là còn rất nhiều bí ẩn mà mọi sự can thiệp vào cần hết sức thận trọng.

Chiều 11-4, Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) có văn bản chính thức thông tin về một số vi phạm trong quy trình sản xuất, quảng bá của nhà sản xuất bộ phim truyện nhựa "Bụi đời Chợ Lớn".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục