“Đi qua thương nhớ”

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/7/2013 | 9:28:35 AM

YBĐT - Với Nguyễn Phong Việt, có lẽ dung lượng sáng tác, dấu ấn tác giả và sự trải nghiệm cũng như sự trình làng trong giới thơ ca hiện nay chưa đủ tạo nên một phong cách nghệ thuật.

Tuy nhiên, là một phóng viên mảng văn hóa – nghệ thuật của Báo Mực Tím, ba lần đoạt giải thưởng Bút Mới của Báo Tuổi trẻ và là gương mặt ưu tú tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, Nguyễn Phong Việt đã được công chúng biết đến như một cơn gió lạ trong bối cảnh thơ ca vốn đang bị gần như nguội lạnh trong đón nhận hiện nay. Đặc biệt với tập thơ "Đi qua thương nhớ" bán được 3.000 bản sau 2 tuần ra mắt và in được 10.000 cuốn (gấp 4 lần dự kiến ban đầu) là một kì tích của làng thơ Việt.

Ấn tượng đọng lại trong tôi không chỉ là lời đề từ "Có bao nhiêu người đi qua thương nhớ mà quên được nhau", cũng không chỉ bởi nó là lời thổn thức chân thành của trái tim một người đàn ông sâu nặng tình cảm mà còn bởi sự thủy chung như nhất trong cấu tứ thơ của anh - đó là biểu tượng màu thời gian kí ức - dung nhan của sự lỡ nhịp tình yêu đeo đẳng trong tâm trí và òa vỡ nức nở trong từng bài thơ của anh!

"...Sớm hay muộn thì nắng cũng sẽ lên
nhưng mưa vẫn còn nhiều vô hạn
Xoay chiếc dù hướng nào thì đời ta cũng đã lỡ bị ướt.
chưa bao giờ và không bao giờ ta tin được
những ngày nắng sẽ hong khô
Chưa bao giờ và không bao giờ
ta ngừng bơ vơ...".

                           (Chưa bao giờ và không bao giờ)

Như một tiếng thở dài "sớm hay muộn",  "thì...cũng" để khẳng định chưa và không bao giờ ngừng bơ vơ... dù rằng nhân vật trữ tình đã tự căng mình lên, tự ru bản thân: nắng sẽ lên, nắng sẽ hong khô nhưng rồi sự đằm sâu trong trái tim về tình yêu quá vãng làm cho người đàn ông ấy dù có cố "xoay chiếc dù" mọi hướng nhưng sự tan vỡ của tình yêu như những giọt mưa mà khi đã lỡ bị ướt thì không thể hong khô.

Trong bài "Bên kia là nắng ấm" Nguyễn Phong Việt cũng viện dẫn đến mưa nắng của thời gian đất trời để nói đến những mưa nắng trong lòng người:

"Từ lúc ta biết nhìn lại và mỉm cười trên những mất mát
là khi ta biết mình bắt đầu sống một cuộc đời vô cảm
dù bên kia nắng ấm biết bao nhiêu...
Không ai mang những nỗi đau ra so sánh trong tình yêu
bởi vết thương nào trong tim người cũng không đáy
có người cần nỗi buồn để soi mình trẻ dại
nhưng có những nỗi buồn làm bạc tóc con người ta mãi mãi
(như ta đang bạc tóc mỗi ngày...)
   ...
Bên kia là nắng ấm
nhưng ta biết trong lòng người chỉ có mưa bay...
 (Vì có những tình yêu trong cuộc đời không đến lần thứ hai!)

Lại là nắng ấm, lại là mưa bay! Cái nắng ở đây có thể là sự hiện hữu, là sự cảm được đo bằng cảm giác của con mắt người đời, của "cái có thể trông thấy"; nhưng còn nỗi buồn xa ngái, cái làm con người bạc tóc không chỉ bởi dòng chảy thuần túy của thời gian mà là dòng xiết tâm trạng của quá khứ khiến lòng người chỉ thấy có mưa bay. Đó là vết thương không đáy - "cái không trông thấy" trong tâm hồn con người. Phải rồi, nếu thuần túy cho rằng cái đã qua là cái sẽ được lớp bụi thời gian phủ sạch trơn trong kí ức thì có lẽ sẽ không có một Nguyễn Phong Việt với những vần thơ đa mang, giàu suy cảm và có phần hình thức yếu đuối trong bản lĩnh của một người đàn ông dám thể hiện và khẳng định - đóng đinh tình cảm của mình dù cuộc đời mỗi người đã buộc rẽ sang một ngõ khác:

"Ta không hề muốn sống cuộc đời của những mẫu số chung
yêu một người và lấy một người khác...
rồi tự an ủi mình miễn là có bờ vai bên cạnh
tự an ủi mình ai cũng giống như mình thôi???

Người vẫn giữ cho riêng mình một khoảng trời
nhưng đã chôn giấu vào tận góc tâm hồn không có ánh sáng
người không muốn nhìn lại, không muốn rơi nước mắt...
dù trái tim mỗi ngày tự làm nó mưa tuôn..."
Nghe sao quặn thắt những làn mưa của tâm sự, mưa của thổn thức tâm trạng!

Tiếp nối hình ảnh ấy, đằm sâu trong miền tâm trạng ấy, anh day dứt, anh trăn trở, anh tự hỏi lòng để tự trả lời cái điều đã xảy ra mà dù muốn hay không nếu có phải làm lại từ đầu anh vẫn đi con đường đó- dù con đường đó là chia ly, là nước mắt, là hình dáng của bông hoa đỏ thắm ti-gôn:

"Ta không chọn người đó như không chọn một chiều mưa bay
(nhưng ta chọn người này cũng đâu phải ta yêu nắng ấm...)
            ...
không cần biết người đó sợ đến mức nào cảm giác ngồi trong đêm thâu
chẳng dám nằm xuống vì biết rằng không muốn đứng lên nữa
tại sao yêu một người mà không thể tựa vai vào người đó
yêu một người mà phải học cách đứng một mình trong chiều gió
nhìn hơi ấm cứ cạn dần đi...
   ....
những lựa chọn trong cuộc đời luôn nghiêng về hướng đắng cay
ta đủ hiểu biết nhưng chẳng bao giờ chấp nhận
sao không uống cạn một ly nước rồi nhìn vào đáy ly để tìm một giọt nước
có thật sự dễ dàng không?
Có thật sự tìm thấy được giọt nước mắt hay là chỉ hình dáng của giọt nước mắt ta vay từ yêu thương?"

                                    (Người này và người đó)

Sự lựa chọn của nhà thơ trong "Người này và người đó"  không phải là thuần túy so sánh thiệt - hơn, được - mất để lý giải cho sự lựa chọn. Cảm động hơn hết cả đó là tâm tình chân thành của chàng trai, dù bản thân không muốn mình cũng chỉ là sự na ná, là sự hùa theo để tìm đến một mẫu số chung như số đông bao người nhưng cuối cùng cũng chỉ bởi vì "ta trân trọng một đời sống bình thường", ta cần biết chấp nhận dừng lại, ta biết chấp nhận đứng trước lối rẽ để gìn giữ những giá trị thiêng liêng, đẹp đẽ và cao quý bất diệt đã từng có, từng tồn tại. Do đó, sự lựa chọn "người này và người đó" không phải là sự toan tính như "chiều mưa bay" hay ngày "nắng ấm". Đó chỉ là những biểu tượng cho những màu sắc, cho những biểu hiện của thời gian để trần tình các cung bậc nỗi lòng của tác giả. Vì thế, đau đớn nhưng thật đẹp, một nỗi buồn đẹp trong sáng như giọt nước mắt trong đáy ly nước thủy tinh được đan tạo từ yêu thương thưở trước.

"Có chông chênh để biết chúng ta còn cần
như nắm tay nhau đi trong lòng phố xá
như che lên chiếc dù cho ngày mưa bớt xa lạ
như ngồi lặng yên mỉm cười với vội vã
như đầy bao dung...

Là ngày mà tóc ướt sẽ hỏi có chải đầu giùm không
rồi chờ đợi thấy mình được nhỏ bé
co từng ngón chân vào yêu thương riêng lẻ
mà xâu chuỗi những quãng đường...
      
                                              (Như ngày nào)    

 Thảng thốt, bâng khuâng với cảm giác chông chênh, mơ hồ, với ước vọng "như" thiết tha mà đầy tội nghiệp. Những ngày mưa, thời tiết vẫn mưa, che chiếc dù lên vẫn che chắn  nhưng cái cảm giác mưa của hiện sinh sao xa lạ, sao lạc lõng, sao đơn côi đến vô cùng! Một câu hỏi tu từ đầy xa xót: "Là ngày mà tóc ướt sẽ hỏi có chải đầu giùm không" ?! Tôi có cảm giác, kí ức về tình yêu đã qua đong đầy trong tâm trí thi sĩ đến độ, mưa như những ngón tay buốt lạnh, nó đan dệt thành những mảng bông tuyết mùa đông mà chỉ cần mỗi khi có cơn gió nhẹ của ngoại cảnh dù là thoảng qua tác động, bông tuyết ấy cũng tan ra, lan thấm từng dòng lạnh vào chuỗi tâm tư của tác giả, của những người đã từng yêu, đã từng đi qua thương nhớ. Thảng thốt hỏi để rồi lại thảng thốt giật mình khi thấy mình không còn được nhỏ bé tựa vào bờ vai mạnh mẽ của tình yêu, để rồi lại thảng thốt giật mình "co từng ngón chân riêng lẻ" đi gom, đi nhặt, đi vun lại những mảnh yêu thương để xâu thành chuỗi cho chính điểm tựa hiện tại của chính mình.

Trong tổng số 62 bài thơ của tập "Đi qua thương nhớ", Nguyễn Phong Việt đã hơn 1/2 lần sử dụng hình ảnh thời gian kí ức qua hiện tượng nắng mưa trong tất cả các bài thơ của mình để kí thác, để tâm tư và nó như một bến neo đậu cho một tình yêu dở dang nhưng không bao giờ là một dấu chấm khóa chặt trong trái tim giàu cháy bỏng yêu thương của chàng lãng tử tài hoa, đa tình.

Không có gì là mới mẻ trong cấu tứ, không có gì là khám phá riêng trong cách dùng hình ảnh, từ ngữ "mưa", "nắng' của thời gian. Nhưng có lẽ, thành công của Nguyễn Phong Việt chính là ở giọng thơ chân thành, cách dùng từ không sáo rỗng mà tất cả thi liệu ấy cứ chảy về rất thủy chung, rất nhất quán trong hầu hết các bài thơ của anh. Điều đó tạo nên một nhịp riêng- một nhịp màu thời gian kí ức trong câu chuyện tình đẹp, buồn nhưng sáng trong và cao thượng của hồn thơ Nguyễn Phong Việt.

 Lưu Khánh Linh  (Trường THPT Đồng Tâm, thành phố Yên Bái) 

Các tin khác

BBC World News vừa công bố một loạt chương trình về Việt Nam với tên gọi Vietnam Direct (tạm dịch là Mùa Việt Nam) dự kiến sẽ lên sóng từ ngày 24-8 tới. Đây là lần đầu tiên kênh BBC World News dành thời lượng đặc biệt cho Việt Nam.

Cuốn sách quý "Danh ngôn Hồ Chí Minh" giới thiệu gần 2.000 câu nói mang tính triết lý và giáo huấn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được NXB Giáo dục gửi tới bạn đọc. Những câu nói này được tuyển chọn công phu từ 15 tập của bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập của NXB Chính trị Quốc gia, phiên bản mới nhất.

Lần đầu tiên có một tuyển tập thơ ca tuyển chọn hàng trăm bài thơ viết về địa danh lịch sử đặc biệt này - tập thơ Bài ca Đồng Lộc. Chủ biên tuyển thơ, soạn giả Gia Dũng cho biết: Sau 45 năm, ngày các cô gái Đồng Lộc hy sinh, đã có hàng nghìn bài thơ viết về sự kiện bi tráng này.

Chương trình “Linh thiêng Việt Nam” sẽ được tổ chức vào 20h30 ngày 25/7, tại Hà Nội, nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục