Chính phủ ban hành Nghị quyết về 8 giải pháp kiềm chế lạm phát

Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi tiêu công

  • Cập nhật: Thứ bảy, 19/4/2008 | 12:00:00 AM

Ngày 17-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP về 8 biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch tổ chức, triển khai nghị quyết này ngay trong tháng 4-2008.

Giá thực phẩm sau thời gian tăng mạnh đã có dấu hiệu chựng lại sau hàng loạt biện pháp kiềm chế của Chính phủ.
Giá thực phẩm sau thời gian tăng mạnh đã có dấu hiệu chựng lại sau hàng loạt biện pháp kiềm chế của Chính phủ.

Nhóm giải pháp thứ nhất là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ. Một trong những mục tiêu của nhóm giải pháp này, theo nghị quyết, để giảm dần lãi suất huy động theo hướng thực hiện chính sách lãi suất thực dương. Các hoạt động của ngân hàng thương mại về huy động, cho vay, tín dụng cần được giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi tiêu công. Cụ thể, thực hiện việc cắt giảm, sắp xếp lại vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2008 từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư Nhà nước và đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước, trước hết là các công trình đầu tư kém hiệu quả, các công trình chưa thực sự cần thiết. Cắt bỏ các công trình đầu tư kém hiệu quả, tập trung vốn cho những công trình sắp hoàn thành, những công trình đầu tư cho sản xuất hàng hóa thuộc mọi thành phần kinh tế để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sản xuất.

Năm 2008, ngoài việc tiết kiệm bình quân 10% chi phí hành chính (trừ tiền lương, phụ cấp lương, các khoản chi cho con người theo chế độ quy định) của các cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện cắt giảm những khoản chi mua sắm chưa thật cần thiết, giảm tối đa các hội nghị toàn quốc, giảm chi phí đi lại (nhất là đi lại bằng máy bay); cắt giảm các khoản chi tiếp khách, các đoàn công tác nước ngoài bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách mà không thật thiết thực; tiết kiệm năng lượng, phương tiện triệt để hơn nữa. Giảm các chi phí cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua... gây tốn kém, lãng phí.

Thứ ba, tập trung sức phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, bảo đảm cân đối cung cầu về hàng hóa. Muốn vậy, Chính phủ yêu cầu khắc phục nhanh hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, tập trung phát triển trồng rau màu, chăn nuôi, chuẩn bị đủ giống cho sản xuất vụ hè thu, tăng nguồn cung thực phẩm.

Thứ tư, đẩy mạnh sản xuất, kiểm soát nhập khẩu, giảm nhập siêu. Bộ Tài chính cần điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức hợp lý đối với một số mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu như ô tô nguyên chiếc, rượu, bia...nhưng vẫn đảm bảo phù hợp cam kết hội nhập. Bộ Công thương được giao phối hợp với Bộ NN-PTNT điều hành và kiểm soát để xuất khẩu gạo năm 2008 ở mức 3,5 - 4 triệu tấn.

Thứ năm, triệt để thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng. Chính phủ chỉ đạo việc triệt để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách Nhà nước. Các đơn vị phải chủ động sử dụng dự toán đã được giao để thực hiện các nhiệm vụ, kể cả trong trường hợp giá cả tăng. Không bổ sung chi ngân sách ngoài dự toán. Chính phủ kêu gọi mọi người, mọi nhà triệt để tiết kiệm tiêu dùng, nhất là nhiên liệu, năng lượng.

Thứ sáu, tăng cường công tác quản lý thị trường chống đầu cơ buôn lậu và gian lận thương mại, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá. Nhất thiết không để xảy ra tình trạng lạm dụng các biến động về nguồn hàng, giá cả trên thị trường để đầu cơ, nâng giá, nhất là đối với các loại vật tư quan trọng như: xăng, dầu, điện, xi măng, sắt, thép, phân bón, thuốc trừ sâu và hàng tiêu dùng thiết yếu như: lương thực, thuốc chữa bệnh... Các tổng công ty Nhà nước phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện yêu cầu này và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hoạt động của hệ thống bán lẻ và đại lý bán lẻ của doanh nghiệp.

Thứ bảy, tăng cường các biện pháp hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, mở rộng việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội. Chính phủ yêu cầu thực hiện đầy đủ và có hiệu quả chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân. Bộ Công thương giám sát việc triển khai thực hiện từ nay cho đến hết tháng 6-2008, chưa tăng giá điện, than, xăng, dầu; giữ ổn định giá xi măng, phân bón, nước sạch, thuốc chữa bệnh, vé máy bay, tàu hỏa, vé xe buýt; giữ ổn định mức thu học phí, viện phí.

Thứ tám, đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền. Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin chính xác, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Nhà nước trên lĩnh vực nhạy cảm này, tránh những thông tin sai sự thật có tính kích động, gây tâm lý bất an trong xã hội. 

(Theo SGGP)

Các tin khác

Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định về thu tiền sử dụng đất, theo đó các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được miễn tiền sử dụng đất.

Liên Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Y tế - Bộ Giao thông vận tải - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT/CA-QP-YT-GTVT-KH&CN quy định tiêu chuẩn và lắp đặt, sử dụng tín hiệu còi, đèn của xe ưu tiên.

Hộ gia đình, cá nhân có đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối trong hạn mức giao đất nông nghiệp sẽ được miễn thủy lợi phí.

Rượu thuộc nhóm hàng hoá nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công tự tiêu dùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục