Vi phạm về xây dựng bị phạt đến 500 triệu đồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/3/2009 | 12:00:00 AM

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 23/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2009.

Sai phạm trong trật tự xây dựng nếu tái phạm có thể bị phạt từ 300-500 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có).
Theo nghị định này, các vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, ngoài việc bị phạt tiền còn có thể bị thu hồi, tước quyền sử dụng Giấy phép xây dựng, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chứng chỉ hành nghề.

Về hoạt động xây dựng, chủ đầu tư có các hành vi như tự thực hiện khảo sát xây dựng khi không đủ điều kiện năng lực, không thực hiện giám sát khảo sát xây dựng hoặc không tổ chức nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.

Các chủ đầu tư vi phạm về trật tự xây dựng gồm tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, tổ chức thi công xây dựng sai thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt; xây dựng sai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với công trình xây dựng được miễn Giấy phép xây dựng... sau khi có quyết định đình chỉ thi công của cấp có thẩm quyền mà chủ đầu tư vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm, sẽ bị xử phạt từ 300 đến 500 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có).

Đối với các nhà thầu, nếu vi phạm một trong những hành vi như nghiệm thu khống, tổ chức bàn giao công trình cho chủ sở hữu, sử dụng công trình khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định, báo cáo tài liệu, số liệu khảo sát không trung thực, không đúng quy định dẫn tới phải điều chỉnh thiết kế 2 lần trở lên... sẽ bị phạt từ 80 đến 100 triệu đồng.

Về lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, hành vi bán, cho thuê mua bất động sản thuộc diện phải qua Sàn giao dịch bất động sản mà không thông qua Sàn giao dịch; kinh doanh các bất động sản không đủ điều kiện hoặc không được phép đưa vào kinh doanh... bị phạt từ 60 đến 70 triệu đồng.

Về lĩnh vực khai thác, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, Nghị định quy định phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng không có tiêu chuẩn chất lượng hoặc không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn đã được công bố; kinh doanh vật liệu xây dựng nhập khẩu không có xuất xứ.

Về quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, các tổ chức, cá nhân xây dựng các loại công trình trên bờ, trên mặt nước, dưới mặt nước trong khu vực bảo vệ an toàn nguồn nước mặt, bị phạt từ 30 đến 50 triệu đồng; tự ý đục tuyến ống nước thô hoặc đường ống truyền tải nước, bị phạt từ 60 đến 70 triệu đồng...

Ngoài việc áp dụng các hình thức phạt tiền, phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định, một số hành vi vi phạm còn phải được công bố trên Trang tin điện tử của Bộ Xây dựng và của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

(Theo VTC)

Các tin khác

Từ 1-5-2009, các vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở… thì ngoài việc bị phạt tiền còn có thể bị thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. Đây là quy định tại Nghị định 23/2009-NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động này vừa được Chính phủ ban hành.

Ngày 25-2, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã ký thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Theo đó, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong 4 trường hợp.

Chính phủ vừa quyết định tăng nặng các mức phạt, bổ sung thêm các chế tài mới nhằm chấn chỉnh và răn đe các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục