Mỹ: Đã có 34 quốc gia, tổ chức ủng hộ đánh Syria

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/9/2013 | 1:43:41 PM

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố đã có 34 quốc gia và tổ chức cho biết sẽ ủng hộ các hành động chống Syria. Nhưng giới ngoại giao Nga nhận xét đây là "con số ma".

Chính quyền của tổng thống Barack Obama đã phần nào có được sự ủng hộ ở nước Mỹ và trên thế giới trong quyết định thực hiện hành động sức mạnh tại Syria. Để thuyết phục Quốc hội biểu quyết cho phép tiến công Damascus, Ngoại trưởng John Kerry đã tuyên bố đã có 34 quốc gia sẵn sàng trừng phạt Bashar Asad. Nhưng ông không kể được tên những nước đó. Nguồn tin ngoại giao của Kommersant đã gọi đây là “con số ma” và cho rằng: “Nhà Trắng đang nhận xằng điều họ mong đợi là có thực”.

Ông Obama còn vài ngày để thuyết phục quốc hội chấp thuận tiến công Syria, thủ tục biểu quyết có thể diễn ra ngày 9/9. Ủy ban đối ngoại của Thượng viện đã ủng hộ hành động vũ lực.

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ đã sẵn sàng đợi lệnh ở biển Địa Trung Hải
Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ đã sẵn sàng đợi lệnh ở biển Địa Trung Hải.

Nhiệm vụ thuyết phục các nghị sỹ quốc hội được đặt lên vai Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel và Ngoại trưởng John Kerry. Một người dựa vào “mức độ hạn chế” và “tổn phí” không quá cao của chiến dịch chống Asad, còn người kia hy vọng vào lập luận “bảo vệ uy danh của nước Mỹ và nguy cơ tạo ra tiền lệ xấu nếu không hành động”. Cả hai quan chức đều nói về những bằng chứng quân đội của Assad sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus ngày 21/8 như một tiền đề.

Ông John Kerry nói: “Tư duy lành mạnh, kinh nghiệm và thực tiễn mách bảo chúng ta nếu không hành động sẽ mạo hiểm hơn là hành động. Assad sẽ coi sự im lặng và việc không sẵn sàng hành động của chúng ta như tín hiệu cho phép ông ta tiếp tục sử dụng vũ khí của mình trong tương lai mà không bị trừng phạt. Thế giới đang nhìn vào nước Mỹ và chờ đợi những hành động cụ thể. Không nghi ngờ gì về việc Assad đã làm điều này”(thực hiện cuộc tập kích bằng vũ khí hóa học).

Để chứng minh với các nghị sỹ rằng kế hoạch tiến công Syria của ông Obama nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên thế giới, ông John Kerry đã nêu ra những con số cụ thể. Theo đó, Mỹ đã đàm phán với hơn 100 quốc gia, 53 nước trong số đó thừa nhận vũ khí hóa học đã được sử dụng, 37 nước công khai tuyên bố lên án. Ông Kerry quả quyết: “Con số này sẽ ngày càng lớn khi các nước khác thấy được những bằng chứng của chúng ta”.

Ông bổ sung thêm 31 quốc gia và tổ chức đã tuyên bố chính quyền của tổng thống Assad phải chịu trách nhiệm về cuộc tiến công hóa học ở ngoại ô Damascus. Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố: “Đã có 34 quốc gia và tổ chức cho biết sẽ ủng hộ các hành động chống Syria ở hình thức này hay hình thức khác, nếu những cáo buộc (sử dụng vũ khí hóa học) được chứng minh”. Ông Kerry cũng cho biết nhiều nước thậm chí đã tuyên bố sẵn sàng tham gia vào chiến dịch chống Damascus cùng với Mỹ, đó là Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Arabia Saudi, Qatar, UAE và nhấn mạnh: “Chúng ta đã có số tình nguyện viên nhiều hơn cần có”.

Tên lửa Tomahawk sẽ đóng vai trò chủ đạo trong cuộc tấn công quấn sự 'giới hạn' của Mỹ nhằm vào Syria
Tên lửa Tomahawk sẽ đóng vai trò chủ đạo trong cuộc tấn công quân sự 'giới hạn' của Mỹ nhằm vào Syria.

Tuy nhiên, danh sách cụ thể các nước sẵn sàng ủng hộ Mỹ về tiền bạc hay lực lượng trong chiến dịch Syria không được ông Kerry nêu ra. Ông Kerry thông báo Liên đoàn Ả rập ủng hộ, nhưng nhiều thành viên của tổ chức này phản đối can thiệp vào Syria như Ai Cập, Iraq và Libanon. Trong khối NATO và EC cũng không có sự đồng thuận về việc này. Rumania, Ba Lan, Đan Mạch và các quốc gia Baltic ủng hộ việc trừng phạt chính quyền tổng thống Bashar Assad theo kịch bản của Mỹ. Còn đa số các nước châu Âu kêu gọi chờ đợi báo cáo của các thanh sát viên Liên hợp quốc và hành động với sự chấp thuận của Hội đồng bảo an.

“Những con số mà ông Kerry đưa ra giống như bịa. Nhà Trắng nhận xằng điều họ mong đợi là có thực để cố gắng chứng minh cho các nghị sỹ và công dân Mỹ rằng những kế hoạch của ông Obama được thế giới ủng hộ- Một nguồn tin ngoại giao Nga đã tuyên bố như vậy – Nếu ngay cả các đồng minh thân thiết của Mỹ còn nghi ngờ vào mức độ hợp pháp của những bằng chứng như cuộc biểu quyết của Nghị viện Anh cho thấy, làm sao có thể tin những điều còn lại?”.

Theo một nguồn tin ngoại giao khác, có lẽ Mỹ cũng đã tính cả Nga vào danh sách những nước ủng hộ cuộc tiến công Damascus, sau khi tổng thống Vladimir Putin nói rằng Moscow có thể tán thành tiến hành chiến dịch tiến công chống Syria nếu chứng minh được 100% việc quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này cũng lưu ý: “Nhưng tổng thống Nga cũng nhắc nhở rằng chỉ Hội đồng bảo an Liên hợp quốc mới có thể chuẩn y việc sử dụng vũ lực, trong khi đó Mỹ có ý định tự hành động phớt lờ tổ chức này. Và những quốc gia ủng hộ lập trường của nước Nga chắc chắn không phải là nhỏ”.

* Trả lời phỏng vấn báo giới ngày 5/9, Tướng quân đội Syria Muhammad Isa cho biết toàn bộ khí tài quân sự ở Syria đã được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, trong khi các đơn vị quân đội tăng cường được triển khai bảo vệ những mục tiêu chiến lược trước nguy cơ về một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Ngoài ra, tất cả các hầm trú ẩn trên khắp đất nước cũng đã được mở kết hợp với việc triển khai cung cấp thực phẩm, nước và thuốc men dự trữ ở các thành phố và khu dân cư.

Cũng theo lời Tướng Isa, dù biết cuộc tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng người dân Syria vẫn tiếp tục cuộc sống thường nhật như trong suốt thời gian hơn 2 năm diễn ra nội chiến.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ cho biết đã chọn xong những mục tiêu cần bắn phá tại Syria và đang cân nhắc những tình huống có thể xảy ra một khi quyết định khai hỏa trận đánh.

Theo giới chức quân đội Mỹ, mục đích cuộc tấn công nhằm làm suy yếu khả năng phòng vệ của Syria ở mức đủ để buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi. Cuộc tấn công sẽ được mở màn bằng chiến dịch do Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Ban tham mưu liên quân Mỹ, chỉ huy.

“Cuộc tấn công có mục đích ngăn chặn, có nghĩa là làm thay đổi sự tính toán của chế độ (Syria) về việc sử dụng vũ khí hóa học và phá vỡ khả năng của Tổng thống Syria (trong việc tiếp tục sử dụng loại vũ khí này)”, Đại tướng Dempsey nói với các nghị sĩ, không quên tái khẳng định đây chỉ là “một cuộc tấn công cân đối và có giới hạn”.

Để thực hiện mục tiêu trên, Mỹ sẽ sử dụng khoảng 40 tên lửa Tomahawk đặt trên 4 khu trục hạm đang neo ở phía Đông Địa Trung Hải. Ngoài ra, còn có sự góp sức của tàu đổ bộ USS San Antonio cũng đang có mặt tại Địa Trung Hải và tàu sân bay hạt nhân Nimitz tại Biển Đỏ. 

Tàu đổ bộ USS San Antonio đã được điều động đến Ðịa Trung Hải
Tàu đổ bộ USS San Antonio đã được điều động đến Ðịa Trung Hải

Kể từ khi cảnh báo sẽ “dạy” cho Syria một bài học vì tội sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ đã tăng gấp đôi con số chiến hạm trong vùng.

Mỹ dự tính cuộc tấn công sẽ kéo dài trong vài tiếng, hoặc tối đa vài ngày, nhưng các hoạch định của Lầu Năm Góc vẫn phải sẵn sàng đối phó với những hậu quả rộng lớn hơn.

Giới quan sát nhận định, một khi tên lửa được bắn đi, Mỹ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên chính thức can dự vào nội chiến Syria. Lời hứa đứng ngoài cuộc tranh chấp đưa ra lâu nay sẽ khó giữ được.

 “Ngay lúc này chúng ta phủ nhận việc muốn lật đổ chế độ (al-Assad) nhưng một khi oanh kích những mục tiêu tại Syria… thì ít nhiều đã là hành động lật đổ chính phủ”, nhà phân tích Benjamin Friedman thuộc viện Cato nói.

Quân đội Mỹ cho biết họ không ngại phải đối mặt với quân đội đang suy yếu của Syria, mà là đòn phản công trả đũa của lực lượng Hezbollah được Iran yểm trợ và các tổ chức chủ chiến khác nhằm vào Israel và các đồng minh khác của Mỹ trong vùng.

(Theo TPO - Dân Trí)

Các tin khác
Tổng thống Nga Putin trong chuyến công du tới Bắc Kinh

Tổng thống Nga Putin trong buổi họp báo nhân chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày khẳng định Moscow sẵn sàng đàm phán nhưng không bao giờ đồng ý những điều kiện không thể chấp nhận.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở quận Fukushima của Nhật Bản.

Ngày 17/5, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản bắt đầu tiến hành đợt xả thứ 6 lượng nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.

Hàng viện trợ nhân đạo được thả xuống Gaza.

Jordan phối hợp với Ai Cập và Đức thả 3 đợt hàng viện trợ nhân đạo nhằm hỗ trợ dân thường ở Gaza đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng do xung đột.

Ông Lawrence Wong (thứ 2, trái) tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Singapore ngày 15/5/2024.

Ông Lawrence Wong vừa chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Singapore, đồng thời công bố cải tổ nội các nước này. Trong bối cảnh Đảo quốc Sư tử đối mặt thách thức như tỷ lệ sinh giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao, sự biến động của nền kinh tế thế giới, Chính phủ Thủ tướng Lawrence Wong được kỳ vọng sẽ chèo lái con thuyền Singapore tiếp tục vững bước trên con đường phát triển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục