Đây là lần đầu tiên một cụm từ trong văn học Nhật Bản được sử dụng để đặt niên hiệu cho triều đại của một vị hoàng đế mới.
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga đã công bố tên của triều đại mới, một tháng trước khi Thái tử Naruhito lên ngôi vào ngày 1.5 để chính thức bắt đầu một kỷ nguyên mới. Đây cũng là lần đầu tiên, tên của triều đại mới của Nhật Bản được công bố trước khi vua mới đăng cơ.
Cụm từ "Reiwa” được lấy từ tuyển tập Man’yoshu (khoảng 600-759), là một tuyển tập thơ ca lâu đời nhất của Nhật Bản. Tên của các thời đại trước đây đều xuất phát từ văn học Trung Quốc. Theo Nikkei, ký tự của từ "Rei” (Lệnh, theo Hán tự) có thể được tạm dịch là "trật tự" hay "điềm tốt lành”, và còn "Wa" (Hòa, theo Hán tự) có nghĩa là "an hòa” hoặc "hòa bình”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, bằng cách tham khảo từ tuyển tập Man’yoshu, tác phẩm phản ánh sự đa dạng của các mùa và thiên nhiên, ông muốn truyền lại di sản của Nhật Bản cho thế hệ kế tiếp. "Tôi muốn Nhật Bản phát triển như hoa anh đào nở rộ”, ông Abe nói với phóng viên tại Tokyo, "Hoa anh đào nở đẹp sau mùa đông khắc nghiệt là dấu hiệu báo mùa xuân về”.
Theo Nikkei, nội các chính phủ Nhật Bản đã dành nhiều tháng để xem xét những đề xuất từ các học giả về văn học Nhật Bản và văn học cổ điển Trung Hoa cũng như là lịch sử Nhật Bản và lịch sử phương Đông.
Tên của triều đại mới được tham vấn bởi một nhóm gồm 9 chuyên gia, trong đó có ông Shinya Yamanaka, người đã đoạt giải Nobel và là Giáo sư tại Đại học Kyoto.
Lịch phương Tây được sử dụng rộng rãi ở Nhật nhưng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này cũng là nước duy nhất sử dụng lịch hoàng gia cho các tài liệu chính phủ cũng như tư nhân và trong hệ thống máy tính. Nhiều cơ quan, công ty và nhiều công dân Nhật Bản sử dụng niên hiệu của Thiên hoàng để đánh dấu thời gian, thường sử dụng song song với Dương lịch. Niên hiệu xuất hiện trên tất cả mọi thứ, từ các văn bản chính thức đến tiền xu, lịch và báo, cũng như được sử dụng phổ biến hàng ngày. Ví dụ năm 2019 được gọi là năm Bình Thành (Heisei) thứ 31, hay năm thứ 31 của triều đại Akihito. Do đó, tên của triều đại mới sẽ có tác động lớn đến cuộc sống hàng ngày của người dân.
Ông Akihito sẽ là hoàng đế đầu tiên thoái vị ở Nhật Bản hiện đại. Hôm 1.4 cũng là lần đầu tiên tên của một kỷ nguyên được phát hành công khai trước khi lên ngôi của một vị hoàng đế mới. Nội các đã dành nhiều tháng để xem xét các đề xuất từ các học giả về văn học Nhật Bản, cổ điển Trung Quốc, lịch sử Nhật Bản và phương Đông. Các đề xuất này sau đó đã được thảo luận bởi một nhóm gồm chín chuyên gia, bao gồm người đoạt giải Nobel và giáo sư Đại học Kyoto Shinya Yamanaka.
(Theo nhipcaudautu.vn)