"Bất chấp tất cả những khác biệt trong cách diễn giải, chúng tôi nhất trí rằng lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine phải được tất cả các bên duy trì theo đúng thỏa thuận", Phó thủ tướng Nga Dmitry Kozak cho biết sau cuộc họp với Cố vấn tổng thống Ukraine Andriy Yermak tại thủ đô Paris của Pháp hôm qua.
Tuyên bố chung sau sự kiện cho biết hai bên "tôn trọng vô điều kiện lệnh ngừng bắn" và sẽ tiếp tục nhóm họp tại Berlin sau hai tuần nữa. "Ủng hộ lệnh ngừng bắn lâu dài là điều vô cùng quan trọng", Cố vấn tổng thống Ukraine Andriy Yermak nói và cho biết các cuộc đàm phán "không dễ dàng".
Thông báo về vòng đàm phán mới tại Berlin, Phó thủ tướng Kozak hy vọng "quá trình này sẽ có kết quả sau hai tuần nữa". Ông thêm rằng các cuộc đàm phán ở Berlin sẽ cùng cấp độ với đối thoại ở Paris, khẳng định hiện tại hai bên không có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ.
"Chúng tôi hy vọng các đồng nghiệp đã hiểu lập trường của Nga và sẽ đạt được kết quả trong hai tuần nữa", ông nói, nhấn mạnh tình hình ở phía đông Ukraine và căng thẳng dọc biên giới là "hai vấn đề riêng biệt".
Cố vấn Yermak thêm rằng tuyên bố chung đạt được trong cuộc đàm phán tại Paris là "tài liệu ý nghĩa đầu tiên" mà hai bên nhất trí kể từ tháng 12/2019, khi Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau tại Paris.
"Đây là tín hiệu tốt trong tình hình hiện tại", trợ lý của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết.
Cuộc gặp bắt đầu vào 11h ngày 26/1 (18h giờ Hà Nội), có sự tham gia của các nhà ngoại giao cấp cao của Pháp và Đức, biến sự kiện thành cuộc gặp giữa 4 bên ký hiệp định hòa bình Minsk năm 2015 nhằm chấm dứt giao tranh ở miền đông Ukraine.
Cuộc họp diễn ra chỉ một ngày sau khi các cường quốc phương Tây liên tục cảnh báo về các biện pháp trừng phạt kinh tế lớn nếu Nga động binh với Ukraine.
Phương Tây gần đây cáo buộc Nga điều động khoảng 100.000 quân ở gần biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Vladimir Putin sắp có chiến dịch quân sự lớn với nước láng giềng. Tuy nhiên, Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc này "vô căn cứ" và khẳng định động thái điều quân chỉ nhằm mục đích phòng vệ.
Thỏa thuận ngừng bắn năm 2014, được củng cố năm 2020, đã giúp chấm dứt cuộc giao tranh tồi tệ nhất tại hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, vốn cướp đi sinh mạng của khoảng 13.000 người.
(Theo VnExpress)