Gây sức ép từ từ?
Phương Tây gần đây liên tục cảnh báo nguy cơ Nga "động binh" với Ukraine sau khi đã triển khai hơn 100.000 binh sĩ và khí tài đến sát biên giới Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói, ông tin Moscow có thể hành động quân sự với Kiev "bất cứ lúc nào". Trong khi đó, giới chức Ukraine tìm cách trấn an người dân rằng chưa có cơ sở để khẳng định Nga sắp có hành động quân sự với Kiev.
Thực tế, rất khó để phán đoán hành động tiếp theo của Nga. Gustav Gressel, một nhà nghiên cứu chính sách cấp cao của Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận định với Business Insider rằng có nhiều kịch bản mà Nga có thể lựa chọn.
"Tổng thống Putin có nhiều phương án về việc triển khai lực lượng", Andrew Lohsen, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược (CSIS), có chung nhận định. Theo ông, Tổng thống Nga Putin có nhiều cách để gây sức ép lên Ukraine và phương Tây mà không nhất thiết phải đưa quân qua biên giới.
Chuyên gia này cho rằng, Nga có thể tăng sức ép từ từ, cho Ukraine và phương Tây thêm thời gian để đưa ra nhượng bộ, trước khi Moscow buộc phải có những thái mạnh mẽ hơn. Một số nhà quan sát tin rằng, Nga vẫn muốn một giải pháp đối thoại thông qua gây sức ép dần dần hơn là kịch bản "động binh".
Mặt khác, theo ông Lohsen, nếu căng thẳng hiện nay leo thang hơn nữa thành một cuộc đối đầu nghiêm trọng, thì lực lượng hiện nay của Nga cho phép họ hành động ở ít nhất 3 mặt trận, tạo ra tình huống vô cùng thách thức cho các tuyến phòng thủ của Ukraine.
"Tôi tin rằng sẽ không có chuyện một động thái đe dọa sẽ biến thành một cuộc chiến toàn diện trong một sớm một chiều, thay vào đó sẽ là chiến thuật leo thang dần dần", chuyên gia Gressel nói.
Nguy cơ xung đột lớn hơn
Tuy nhiên, Jeffrey Edmonds, cựu chuyên gia phân tích của Cục tình báo trung ương Mỹ, không đồng tình với quan điểm trên. Theo ông, thay vì gây sức ép từ từ, Nga có thể đã sẵn sàng cho một chiến dịch quân sự quy mô lớn với Ukraine.
"Tôi không nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục theo đuổi chiến dịch gây sức ép. Theo tôi, họ chỉ còn chờ đến khi có được cái mà họ muốn ở biên giới trước khi quyết định động binh", ông Edmonds nói.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden mới đây cho biết, theo cộng đồng tình báo của nước này, Nga đã đưa đặc vụ vào Ukraine và có thể là nhằm chuẩn bị cho một hành động quân sự nhằm vào Ukraine từ mọi phía. Theo hãng tin The Drive, 6 tàu tấn công đổ bộ của Nga trước đây hoạt động ở biển Baltic thì gần đây đã di chuyển về Địa Trung Hải và có thể là chuẩn bị triển khai ở Biển Đen nếu cần thiết.
Ông Edmonds cho rằng, một chiến dịch quân sự như vậy có thể xảy ra rất nhanh, có thể là chỉ sau vài tuần nữa trong bối cảnh căng thẳng leo thang. Trong khi Nga không có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng, NATO cũng tăng cường hiện diện ở Đông Âu, đưa thêm tàu chiến và trực thăng đến khu vực. Hồi đầu tuần này, Lầu Năm Góc cho biết, 8.500 binh sĩ Mỹ đã được đặt vào tình trạng báo động cao, sẵn sàng triển khai đến Đông Âu hỗ trợ NATO.
Giới chuyên gia cảnh báo, nếu xung đột Nga - Ukraine xảy ra có thể làm trầm trọng hơn nữa căng thẳng giữa Nga và NATO và có thể châm ngòi cho một cuộc chiến lớn hơn, đặc biệt nếu Moscow cảm thấy an ninh của họ bị đe dọa.
"Nếu xảy ra xung đột ở Ukraine, chúng tôi chắc chắn rằng Nga và NATO sẽ đối đầu hơn nữa", ông Lohsen nhận định.
(Theo Dân trí)