"Các công dân Mỹ nên rời đi ngay bây giờ", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong cuộc phỏng vấn với NBC News hôm 10/2. "Chúng ta đang đối phó với một trong những quân đội lớn nhất thế giới. Đó là tình huống rất khác và mọi thứ có thể nhanh chóng trở nên điên rồ".
Khi được hỏi liệu có kịch bản nào khiến ông điều quân đến giải cứu người Mỹ đang cố rời Ukraine, Biden trả lời "không".
"Chiến tranh thế giới sẽ nổ ra khi người Mỹ và người Nga bắt đầu bắn vào nhau. Chúng ta đang ở trong một thế giới rất khác so với những gì chúng ta từng trải qua", Tổng thống Mỹ nói thêm.
Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày khuyến cáo công dân nên lập tức rời Ukraine. "Không nên đến Ukraine do các mối đe dọa gia tăng từ hành động quân sự của Nga và Covid-19. Những người Mỹ ở Ukraine nên khởi hành ngay bây giờ bằng các phương tiện thương mại hoặc tư nhân", Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Theo Bộ Ngoại giao, Mỹ "sẽ không thể sơ tán công dân trong trường hợp Nga có hành động quân sự ở bất kỳ đâu tại Ukraine". Dịch vụ lãnh sự thông thường, trong đó có hỗ trợ công dân đang cố rời khỏi đất nước, sẽ bị "tác động nghiêm trọng".
Một quan chức Mỹ giấu tên hôm 9/2 cho biết Nhà Trắng đã phê duyệt kế hoạch với mục đích giúp đỡ hàng nghìn công dân Mỹ có thể phải rời khỏi Ukraine trong trường hợp Nga tấn công nước láng giềng. Khoảng 1.700 lính thuộc Sư đoàn Dù số 82 lục quân Mỹ đang đồn trú ở Ba Lan sẽ bắt đầu lập chốt kiểm soát, lều trại và cơ sở hạ tầng ở khu vực giáp biên giới Ukraine những ngày tới, sẵn sàng hỗ trợ công dân Mỹ sau khi họ rời khỏi nước này bằng đường bộ.
Lực lượng này không được phép tiến vào lãnh thổ Ukraine, không trực tiếp sơ tán công dân Mỹ hay tham gia các nhiệm vụ bằng máy bay ở Ukraine. Nhiệm vụ chính của họ là bảo đảm hậu cần, hỗ trợ điều phối hoạt động di dời công dân tại biên giới Ba Lan - Ukraine.
Khoảng 30.000 người Mỹ đang sinh sống tại Ukraine, nhiều người trong số này muốn rời đi nhanh chóng nếu Nga mở chiến dịch quân sự.
Đợt điều động binh sĩ cùng nhiều khí tài quân sự của Nga tới khu vực biên giới với Ukraine từ cuối năm ngoái khiến Mỹ và nhiều nước lo ngại Moskva có thể tấn công nước láng giềng. Lầu Năm Góc đầu tuần này cho biết nhiều lực lượng Nga tiếp tục di chuyển đến sát Ukraine, với quân số hơn 100.000 lính ở khu vực biên giới.
Nga nhiều lần bác bỏ và khẳng định mọi động thái đều nhằm mục đích tự vệ, đồng thời yêu cầu phương Tây đáp ứng một loạt yêu cầu an ninh, trong đó có đề nghị NATO không mở rộng về phía đông. Moskva cũng cáo buộc phương Tây tăng sức ép chính trị với họ bằng động thái cung cấp vũ khí, đạn dược cho Kiev.
(Theo VnExpress)