AP đưa tin, Iran ngày 13/3 đã nhận trách nhiệm vụ phóng tên lửa gần lãnh sự quán Mỹ ở bắc Iraq, nhấn mạnh đây là động thái nhằm trả đũa vụ không kích của Israel ở Iraq đã làm 2 quân nhân của Tehran thiệt mạng hồi đầu tuần trước.
Bộ Ngoại giao Iraq hôm qua đã triệu tập Đại sứ Iran tại Iraq Iraj Masjedi để phản đối vụ tấn công, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Baghdad.
Không có ai bị thương sau vụ tấn công nhằm vào thành phố Irbil, nhưng vụ việc được xem là có thể sẽ đẩy căng thẳng Mỹ - Iran tiếp tục leo thang trong lúc 2 bên đang đàm phán hiệp ước hạt nhân.
Mỹ đã lên án vụ phóng tên lửa của Iran. "Các cuộc tấn công là một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Iraq. Không có cơ sở nào của Mỹ bị hư hại hoặc nhân viên bị thương, và chúng tôi không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy cuộc tấn công nhắm vào Mỹ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho hay, họ đã tấn công nơi mà họ mô tả là một trung tâm gián điệp của Israel ở Irbil. IRGC nói, vụ việc nhằm trả đũa Israel không kích mục tiêu ở Syria ở tuần trước làm 2 quân nhân Iran thiệt mạng. Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời một nguồn tin giấu tên đưa tin, Iran đã bắn 10 tên lửa Fateh, trong đó có một số tên lửa Fateh-110, có tầm bắn khoảng 300 km.
Hiện Israel chưa lên tiếng bình luận về vụ việc cũng như cáo buộc từ phía Tehran.
Iran nhận trách nhiệm vụ phóng 10 tên lửa xuống gần lãnh sự quán Mỹ ở Iraq - 2
Đài truyền hình Kurdistan 24 của lực lượng người Kurd cũng bị thiệt hại sau vụ tấn công của Iran (Ảnh: AP).
Một quan chức Iraq ở Baghdad ban đầu cho biết một số tên lửa đã bắn trúng lãnh sự quán Mỹ ở Irbil, một cơ sở mới được xây và chưa có người sử dụng. Sau đó, Lawk Ghafari, người đứng đầu văn phòng truyền thông nước ngoài của lực lượng Kurdistan ở Iraq cho hay, tên lửa không bắn trúng cơ sở ngoại giao của Mỹ, nhưng khu dân cư lân cận đã trúng phải hỏa lực.
Vụ bắn tên lửa diễn ra trong bối cảnh, cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran đang tạm bị trì hoãn sau khi Nga - một bên tham gia - đưa ra các yêu cầu mới liên quan tới lệnh trừng phạt nhằm lên họ vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nga muốn đảm bảo từ phương Tây về việc các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng tới nỗ lực của họ trong việc thực thi thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, nếu như nó được ký kết.
Mặt khác, giới quan sát nhận định, Mỹ dường như cũng mong muốn thúc đẩy việc ký kết nhanh chóng thỏa thuận hạt nhân để có thể gỡ lệnh trừng phạt với dầu mỏ của Iran để bổ sung nguồn cung trong thế giới. Điều này là cấp thiết trong bối cảnh giá dầu toàn cầu đang tăng phi mã vì chiến sự ở Ukraine và Washington áp lệnh trừng phạt lên ngành nhiên liệu Nga. Tuy nhiên, tương lai của thỏa thuận hạt nhân vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Trước đó, lực lượng Mỹ đồn trú tại sân bay Irbil từng bị tấn công bởi rocket và máy bay không người lái, và Washington nhiều lần cáo buộc các lực lượng do Iran chống lưng đứng sau vụ việc.
(Theo Dân trí)