Bước sang năm thứ hai, xung đột tại Ukraine đã trở thành cuộc chiến khốc liệt chủ yếu của pháo binh, và các lực lượng Ukraine đang chiến đấu trong thế bất lợi. Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky lo lắng khi Ukraine đang cạn kiệt nguồn cung đạn dược.
Kêu gọi 250.000 quả đạn pháo/tháng
Báo Financial Times đã có được bức thư mà Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov gửi cho người đồng cấp của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 3-3. Trong thư, ông Reznikov cho biết Ukraine hiện chỉ đang dùng số đạn pháo hạn chế do thiếu nguồn cung. Do đó, Kiev kêu gọi EU gửi cho họ 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng để giải quyết tình trạng thiếu hụt trầm trọng có thể sẽ cản bước tiến của họ trên chiến trường.
Tuy nhiên, đề nghị cung cấp 250.000 quả đạn pháo/tháng này vượt xa quy mô viện trợ mà EU đang thảo luận. Điều đó cũng cho thấy những thách thức mà Ukraine phải đối mặt khi chiến sự bước vào năm thứ hai.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết pháo binh đóng "vai trò quan trọng trong việc loại bỏ sức mạnh quân sự của kẻ thù". Theo ông, trung bình mỗi tháng Ukraine bắn 110.000 quả đạn pháo cỡ 155mm, bằng 1/4 số lượng Nga sử dụng.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu mà báo El País (Tây Ban Nha) tiếp cận được, Nga bắn từ 40.000 - 50.000 quả đạn pháo mỗi ngày, cao hơn nhiều so với con số 5.000 - 6.000 quả của Ukraine.
"Nếu không bị hạn chế bởi số lượng đạn pháo hiện có, chúng tôi có thể khai thác toàn bộ năng lực của các hệ thống pháo, bắn 594.000 quả đạn mỗi tháng. Theo ước tính của chúng tôi, để thực hiện thành công các nhiệm vụ trên chiến trường, cần ít nhất 60% tổng số đạn, tương đương 356.400 quả đạn/tháng" - ông Reznikov nói.
Các nhà phân tích quốc phòng cho biết Kiev có hơn 300 hệ thống pháo, chủ yếu do các đồng minh tài trợ. Bộ trưởng Reznikov cũng nói ông ủng hộ sáng kiến tăng cường sản xuất đạn dược của châu Âu để hỗ trợ Ukraine. Tháng trước, Estonia đề xuất EU chi 4 tỉ euro (4,26 tỉ USD) để mua 1 triệu quả đạn pháo cho Kiev.
Mô hình kinh tế thời chiến?
Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ thảo luận về các đề xuất liên quan vấn đề mua đạn dược cho Ukraine trong tháng này. Hiện EU đang hỗ trợ vũ khí cho Ukraine thông qua quỹ tiền mặt ngoài ngân sách có tên "Cơ chế Hòa bình châu Âu" (EPF). Quỹ này được dùng để hoàn tiền cho các nước thành viên đã cung cấp vũ khí, đạn dược và hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Theo một đề xuất mới, nước nào hỗ trợ nhanh sẽ được hoàn tiền nhanh và tỉ lệ hoàn trả cao.
Đến nay, EPF đã chi 3,6 tỉ euro viện trợ quân sự cho Ukraine. Tháng 12 năm ngoái, các nước thành viên đã nhất trí bổ sung thêm 2 tỉ euro cho EPF trong năm 2023.
Hiện tại EU đang tập trung nhiều vào đạn dược vì Ukraine đang mắc kẹt trong các trận chiến tiêu hao đạn pháo với Nga ở đông Ukraine. Trong một kế hoạch mới về viện trợ quân sự cho Ukraine, EU dự kiến dành riêng 1 tỉ euro cho đạn dược và việc này sẽ được quyết định trong cuộc họp ở Brussels (Bỉ) vào ngày 23 và 24-3 tới.
Cụ thể, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, dự định đề xuất "gói hỗ trợ đặc biệt" trị giá 1 tỉ euro tập trung vào cung cấp đạn dược cho Ukraine, đặc biệt là đạn pháo cỡ 155mm, ngay khi khoản bổ sung 2 tỉ euro cho EPF được sử dụng. Điều này có nghĩa một nửa số tiền bổ sung cho EPF trong năm nay sẽ dành cho đạn dược.
Ông Borrell cũng dự kiến đề xuất thúc đẩy quy mô ngành công nghiệp vũ khí của EU. Hiện chỉ có 12 công ty EU sản xuất đạn pháo cỡ 155mm, ngoài ra Na Uy và Anh cũng có các nhà máy.
Ông Borrell đang làm việc với ủy viên phụ trách thị trường nội khối EU Thierry Breton về kế hoạch sử dụng 500 triệu euro của EU để mở rộng sản xuất vũ khí. Ông Breton nhận định EU phải chuyển sang mô hình thời chiến: "Tôi tin rằng đã đến lúc ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu chuyển sang mô hình kinh tế thời chiến để đáp ứng nhu cầu sản xuất quốc phòng của chúng ta".
Ông nhấn mạnh: "Cùng với ông Josep Borrell, tôi hoàn toàn ủng hộ tăng cường hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu để đối mặt với những thực tế của một cuộc xung đột cường độ cao, bắt đầu từ vấn đề đạn dược".
Ukraine sẽ rút quân khỏi Bakhmut?
Ngày 4-3, tình báo Anh đánh giá các lực lượng Ukraine tham gia bảo vệ TP Bakhmut ở Donetsk, phía đông Ukraine, đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ Nga. Phía Nga đã tiến xa hơn vào vùng ngoại ô phía bắc Bakhmut, hai cây cầu quan trọng ở Bakhmut đã bị phá hủy trong 36 giờ qua, theo Hãng tin Reuters.
Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) đánh giá có thể Nga đang cố gây áp lực buộc Ukraine phải rút khỏi Bakhmut. Theo báo Washington Post ngày 3-3, những ngày gần đây giới chức Ukraine bắn tín hiệu lực lượng của họ có thể sẽ sớm rút khỏi Bakhmut sau nhiều tháng giao tranh ác liệt.
(Theo TTO)