Phát biểu tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức hồi tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin liệt kê thiệt hại của Nga sau hơn hai năm xung đột tại Ukraine: Hơn 315.000 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương, hơn 211 tỷ USD chiến phí, khoảng 290 tàu cỡ lớn, cỡ trung bị hư hại hoặc nhấn chìm ở Biển Đen.
Ông Austin cho rằng đây là "cái giá quá đắt" cho nỗ lực quân sự của Nga và nước này khó lòng bù đắp được những tổn thất đó.
Nhưng chỉ một tháng sau, thông điệp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thay đổi. Tại một cuộc họp báo, ông Austin và đại tướng Charles Brown, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tiếp tục đề cập tổn thất của Nga trong xung đột, nhưng lần này dưới khía cạnh khác: khả năng phục hồi của Moskva.
"Nga đã đẩy mạnh sản xuất quân sự", Bộ trưởng Austin cho biết. "Toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng của nước này hiện được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chính phủ, nên họ có thể làm điều đó nhanh hơn một chút".
Đại tướng Brown nói một cách đơn giản hơn: "Nga đã tái thiết mạnh mẽ lực lượng quân sự của mình".
Những bình luận này cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong quan điểm của Mỹ về năng lực khôi phục lực lượng của quân đội Nga. Từng chỉ xoáy sâu vào thiệt hại về kinh tế và quân sự mà Nga phải gánh chịu do xung đột tại Ukraine, trong hai tháng gần nhất, giới chức Mỹ bắt đầu thừa nhận Nga đang hồi phục nhanh hơn Washington ước tính.
"Họ đang làm tốt hơn những gì chúng tôi nghĩ", một quan chức Mỹ giấu tên nói với Defense News.
Tốc độ hồi phục của Nga là vấn đề quan trọng đối với Ukraine và các quốc gia ủng hộ Kiev, đặc biệt là Mỹ, nước vừa thông qua dự luật viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine hồi tháng 4. Washington kỳ vọng gói hỗ trợ mới nhất này sẽ giúp Kiev đứng vững trên chiến trường thêm ít nhất một năm. Nhưng nếu khả năng khôi phục lực lượng của Nga mạnh hơn những gì Mỹ dự báo, tình hình có thể thay đổi.
"Trong trường hợp Moskva tiếp tục tái xây dựng lực lượng nhanh hơn Washington tính toán, đây sẽ là thách thức mang tính lâu dài và có thể là tốn kém hơn với NATO", bình luận viên Noah Robertson của Defense News nhận định.
"Chiến lược quốc phòng của Mỹ gọi Nga là 'mối đe dọa cấp bách', đứng thứ hai sau Trung Quốc, nước được cho là 'thách thức gia tăng', song năng lực tự thân của Moskva có thể làm đảo lộn cách xếp hạng này", Robertson cho biết thêm.
Khi Nga phát động chiến dịch tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022, tình hình chiến trường đã không diễn ra như Moskva kỳ vọng. Hình ảnh những chiếc thiết giáp với bộ lốp mục nát và đoàn xe quân sự ùn tắc bên ngoài thủ đô Kiev đã trở thành biểu tượng cho thất bại của Nga trong hai tháng đầu chiến sự.
Dù vậy, điều này cũng khiến giới hoạch định quân sự phương Tây phải suy ngẫm lại. Nếu quân đội Nga không mạnh như những gì họ dự đoán trước khi xung đột bùng phát, thì khả năng phục hồi của Moskva có giống những gì họ nhận định hay không?
Việc xác định chính xác năng lực của quân đội đối phương bằng các phương pháp khoa học là điều khó, do không thể chỉ đếm số lượng quân và vũ khí mà họ có, mà còn phải tính tới các chỉ số không dễ đo lường như tinh thần chiến đấu hay mức độ tham nhũng trong quân đội.
Dù vậy, giới hoạch định phương Tây vẫn đưa ra các con số ước tính. Hầu hết cho rằng sau những tổn thất ban đầu ở Ukraine, Nga sẽ phải mất 5-10 năm để tái thiết lực lượng, tùy thuộc vào sự hiệu quả của các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Moskva và các mục tiêu riêng của Điện Kremlin.
"Không có gì để nghi ngờ cả. Tôi nghĩ cộng đồng tình báo đều nhất trí rằng Nga sẽ phải mất nhiều năm đã xây dựng lại lực lượng lục quân", Avril Haines, giám đốc tình báo Mỹ, cho biết trong phiên điều trần tại quốc hội hồi tháng 3/2023.
Hơn một năm sau, cũng tại Đồi Capitol, tướng Christopher Cavoli, quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ ở châu Âu, đưa ra quan điểm khác. "Nga đã phục hồi lại như trước đây. Cuộc xung đột đã tạo ra một số lỗ hổng mà Moskva cần lấp đầy, song năng lực tổng thể của họ vẫn rất lớn. Họ còn dự định nâng nó lên cao hơn", ông Cavoli cho hay.
Hai quan chức Mỹ này đang đề cập tới các khía cạnh khác nhau của quân đội Nga, không thực sự cùng nói về một yếu tố. Trong phiên điều trần năm ngoái, bà Haines phát biểu cùng với trung tướng Scott Berrier, người lúc đó là giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ.
Ông Berrier khi đó cho biết Nga sẽ mất 5-10 năm để tái xây dựng lực lượng, ý muốn nói rằng đây là thời gian Moskva cần để sản xuất lại các khí tài, trang thiết bị quân sự cao cấp mà họ mất trong cuộc xung đột.
Trong khi đó, khía cạnh mà ông Cavoli muốn đề cập trong bài phát biểu hồi tháng 4 là quy mô tổng thể của quân đội Nga.
Dù vậy, quan điểm chung hiện nay của các quan chức quân sự Mỹ, châu Âu và các chuyên gia về quân đội Nga là lực lượng vũ trang của Moskva đang được tái thiết nhanh hơn dự tính. Họ đưa ra ba nguyên nhân chính cho hiện tượng này.
Thứ nhất là năng lực thích ứng mạnh mẽ của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Theo Richard Connolly, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), Moskva đã tăng gần gấp ba ngân sách quốc phòng sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát.
Chuyên gia này ước tính Nga sẽ chi 130-140 tỷ USD cho các hoạt động quân sự trong năm 2024, tương đương khoảng 6% GDP.
Do chi phí và tiền lương ở Nga thấp hơn các nước phương Tây có thu nhập cao, ngân sách hiện tại sẽ giúp Điện Kremlin có thể mua được nhiều vũ khí, thiết bị quân sự hơn so với việc chi con số tương tự tại Mỹ. Nếu xét đến sự chênh lệch về mức sống giữa Moskva và Washington, con số 130-140 tỷ USD của Nga tương đương 360-390 tỷ USD ngân sách quốc phòng Mỹ.
Xu hướng tăng chi tiêu quân sự đang khiến mặt bằng lương trong ngành công nghiệp quốc phòng tại Nga tăng theo. Làm việc trong lĩnh vực quốc phòng từng là nghề tầm trung ở Nga, song đang thu hút ngày càng nhiều nhân lực hơn. Theo số liệu chính thức của Moskva, số lượng lao động trong ngành này đã tăng 20% trong cuộc xung đột, từ mức 2,5 triệu lên ba triệu hiện nay.
Ngân sách quốc phòng khổng lồ cũng được Nga sử dụng để mua sắm khí tài. Chuyên gia Connolly ước tính phần ngân sách này đã tăng gấp đôi kể từ đầu chiến sự, giúp Moskva nhanh chóng bù đắp các vũ khí bị tổn thất tại Ukraine.
Ông Connolly cũng cho rằng thực trạng của nền kinh tế Nga, vốn đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận của phương Tây, khó có thể gây tác động tới kết quả của cuộc xung đột. Nga sở hữu đội ngũ chuyên gia với nhiệm vụ lèo lái đất nước vượt qua những lệnh trừng phạt và họ đã có nhiều kinh nghiệm làm việc này.
Tổng thống Putin mới đây cũng đã bổ nhiệm nhà kinh tế học Andrey Belousov làm Bộ trưởng Quốc phòng thay đại tướng Sergei Shoigu, với kỳ vọng đưa ngành công nghiệp quốc phòng Nga trở thành động lực kinh tế quan trọng trong thời chiến.
Nguyên nhân thứ hai là khả năng né tránh các lệnh trừng phạt về tài chính từ phương Tây của Nga. Năm 2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đối tác châu Âu đã ban hành loạt biện pháp cấm vận nhằm mục đích "nhấn chìm" nền kinh tế Nga, gây sức ép buộc Moskva phải chấm dứt chiến dịch tại Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt này cấm các bên bán cho Nga những vật liệu công nghệ cao, ví dụ vi mạch, cho đến áp giá trần với mặt hàng dầu mỏ của Moskva.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định những lệnh hạn chế đó đã không phát huy hiệu quả, chủ yếu do Nga đã chuyển hướng xuất khẩu hàng hóa sang các nước thân thiện với Moskva, đứng đầu là Trung Quốc.
Từ năm 2022 đến 2023, kim ngạch thương mại giữa Moskva và Bắc Kinh đã tăng 26%, lên mức cao kỷ lục 240 tỷ USD, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ.
Trung Quốc hiện không viện trợ vũ khí trực tiếp cho Nga, song các công ty của Bắc Kinh đang là nguồn cung thiết bị lưỡng dụng quan trọng để Moskva có thể chế tạo khí tài, bao gồm vi mạch và các thiết bị điện tử nhỏ.
Khác với Trung Quốc, một số quốc gia như Iran và Triều Tiên được cho là đã cung cấp vũ khí trực tiếp cho Nga và đó cũng được coi là nguyên nhân thứ ba giúp Nga có thể khôi phục lực lượng một cách nhanh chóng.
Chính phủ Mỹ cáo buộc kể từ tháng 10/2023, Bình Nhưỡng đã chuyển cho Moskva khoảng 10.000 container, trong đó chứa tối đa ba triệu viên đạn pháo. Một nhà ngoại giao Mỹ hồi tháng 3 nhận định Nga đã khai hỏa hàng chục tên lửa đạn đạo do Triều Tiên sản xuất tính từ mùa thu năm ngoái. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.
Iran cũng được cho là đã cung cấp khí tài cho Nga, cụ thể là dòng máy bay không người lái (UAV) tự sát Shahed-136, được Moskva gọi là Geran-2, theo giới chuyên gia phương Tây.
Nga đã triển khai lượng lớn UAV loại này để tấn công hạ tầng Ukraine trong cuộc xung đột. Kiev cho biết tính đến tháng 12/2023, Moskva đã phóng hơn 3.700 UAV dạng Shahed để tập kích Ukraine.
Trong bài phát biểu tại Đồi Capitol hồi tháng 4, tướng Cavoli cũng đề cập tình hình kinh tế của Nga, cho biết GDP nước này đã tăng 3% trong năm 2023, bất chấp một số dự đoán rằng nó sẽ giảm.
Mức tăng trưởng này có thể giúp Nga bổ sung 1.200 xe tăng và sản xuất thêm ít nhất ba triệu viên đạn pháo hoặc rocket mỗi năm. Thông qua một thỏa thuận với Iran, Nga đã lên kế hoạch sản xuất 6.000 UAV ở trong nước vào mùa hè tới.
Báo cáo hồi tháng 2 của RUSI cho biết Nga hiện có thể sản xuất 3.000 thiết giáp một năm và đã tăng đáng kể lượng tên lửa chính xác có trong kho.
Nhân lực của Nga tại chiến trường Ukraine cũng tăng mạnh. Moskva đã tăng trần tuổi nhập ngũ từ 27 lên 30, giúp nước này có thêm hai triệu người đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự để huy động khi cần thiết, theo ước tính của Mỹ.
Điện Kremlin đã đặt mục tiêu tuyển thêm 400.000 quân, một phần trong kế hoạch lớn hơn là tăng quy mô quân đội lên mức 1,5 triệu người vào năm 2026. Để làm được điều đó, Nga đã đề xuất khoản tiền lót tay lớn cho những ai ký hợp đồng phục vụ quân đội, bên cạnh tiền lương hậu hĩnh cao gấp 5 lần mức trung bình tại một số khu vực ở Nga, theo tình báo Estonia.
Hiện chưa rõ Điện Kremlin đã hiện thực hóa được mục tiêu này chưa, song tướng Cavoli hồi tháng 4 cho biết Nga đang huy động được khoảng 30.000 tân binh mỗi tháng, nâng số lượng binh sĩ ở tiền tuyến tại Ukraine lên 470.000 người, lớn hơn quy mô quân đội Nga trước khi xung đột bùng phát.
Một số quan chức phương Tây khác đưa ra cái nhìn tiêu cực hơn về lực lượng Nga. Đô đốc Tony Radakin, tư lệnh lực lượng vũ trang Anh, hồi đầu tháng 5 cho biết quân đội Nga đang đạt được những bước tiến nhỏ trên chiến trường, song hiện vẫn phải phụ thuộc vào kho vũ khí dự trữ từ thời Liên Xô để chiến đấu, đồng thời đang gặp khó khăn trong việc đào tạo tân binh.
Ông ước tính tổn thất của Moskva trong cuộc xung đột có thể chạm mốc 500.000 lính vào tháng 6.
"Đó là mất mát đáng kinh ngạc về nhân mạng, khi nguồn lực lớn bị lãng phí cho những bước tiến khiêm tốn như vậy", đô đốc Anh nhận định.
Chỉ một ngày sau phát biểu của đô đốc Radakin, Nga đã mở chiến dịch mới ở tỉnh đông bắc Kharkov, sau đó tuyên bố kiểm soát hàng loạt ngôi làng dọc biên giới. AFP hôm 27/5 cho biết đà tiến của lực lượng Nga tại tỉnh Kharkov trong hơn hai tuần qua là thắng lợi lớn nhất về lãnh thổ của Moskva trong 18 tháng gần nhất.
Câu hỏi được đặt ra là Nga có thể duy trì được áp lực như vậy trên chiến trường thêm bao lâu.
Ngoài UAV, hiện phần lớn sản lượng vũ khí của Moskva trong chiến sự được rút từ kho dự trữ thời Liên Xô. Để thay thế những khí tài bị mất trong xung đột, Nga đã vét sạch những thứ trong kho, mang đi phục hồi, tân trang để chuyển ra tiền tuyến. Đây là một trong các lý do dẫn đến các ước tính khác nhau về năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
"Rất nhiều người chỉ đọc tiêu đề các bài báo và cho rằng vũ khí của Nga đều là hàng mới", chuyên gia Connolly cho hay.
Xe tăng chiến đấu chủ lực là một ví dụ. Ông Connolly cho biết Nga sản xuất được 150-250 xe tăng mỗi năm trước chiến sự, song chỉ 20-30 chiếc là đồ mới, số còn lại đã được tân trang nhiều.
Tuy tướng Cavoli cho biết Nga có thể bổ sung 1.200 xe tăng mỗi năm, chuyên gia này ước tính chỉ tối đa 400 chiếc là hàng mới hoặc tân trang nhiều. Phần còn lại được rút từ trong kho, chỉ được sửa chữa qua loa trước khi triển khai ra chiến trường.
Các quan chức quốc phòng Mỹ và châu Âu cũng đưa ra nhận định tương tự. Nga có kho dự trữ vũ khổng lồ, song không phải là vô hạn, và đó là lý do Moskva phải dựa vào các đối tác như Iran hay Trung Quốc.
Dù vậy, bản chất cuộc xung đột tại Ukraine hiện vẫn là cuộc chiến tiêu hao, nên việc lính Nga sử dụng xe tăng T-72 50 tuổi hay dòng T-90 đời mới hơn cũng không thật sự quan trọng, miễn là lực lượng Moskva vẫn có nhân lực, khí tài áp đảo Kiev.
Về mặt này thì Ukraine đang gặp bất lợi, do nước này có ngành công nghiệp quốc phòng quy mô nhỏ hơn nhiều so với đối phương, nhân lực cũng ít hơn, trong khi nguồn viện trợ từ Mỹ không ổn định, Connolly cho hay.
(Theo VnExpress)