"Phía Nga cởi mở với các đề xuất thực tế và sẵn sàng đàm phán sâu rộng", ông Alexey Polishchuk, Vụ trưởng Vụ 2 - cơ quan phụ trách Cộng đồng các quốc gia độc lập của Bộ Ngoại giao Nga, nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Tass hôm 3/2.
Nhà ngoại giao Nga lưu ý rằng để khởi động các cuộc đàm phán, cần phải giải quyết các khía cạnh pháp lý về tính hợp pháp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và sắc lệnh do ông Zelensky đưa ra về việc cấm Kiev đàm phán với Moscow.
"Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng có thể đạt được giải pháp hòa bình dựa trên thỏa thuận Istanbul năm 2022, trong đó đề cập đến tình trạng trung lập không liên kết, không sở hữu vũ khí hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, không triển khai quân đội và căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ của mình, xem xét tình hình thực tế về lãnh thổ và xóa bỏ mọi nguyên nhân gốc rễ dẫn đến cuộc khủng hoảng Ukraine", ông Polishchuk giải thích.
"Hơn nữa, mọi khía cạnh pháp lý liên quan đến việc ông Zelensky không còn là tổng thống hợp pháp và sắc lệnh cấm đàm phán song phương do ông đưa ra phải được giải quyết trước khi các cuộc đàm phán có thể được khởi động", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Các cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine sau khi xung đột nổ ra đã được tổ chức vào đầu tháng 3/2022 tại Belarus, nhưng không mang lại kết quả nào.
Một vòng đàm phán khác đã được tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3/2022 khi Moscow nhận được một tài liệu từ Kiev về các điều kiện cho một thỏa thuận tiềm năng.
Tài liệu này nêu rõ các nghĩa vụ của Ukraine là phải tuân thủ tình trạng trung lập, không gia nhập NATO và không triển khai vũ khí nước ngoài, bao gồm vũ khí hạt nhân, trên lãnh thổ của mình.
Sau đó, Nga đã rút quân khỏi các khu vực Kiev và Chernigov. Tuy nhiên, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, Kiev đã rút khỏi các thỏa thuận và quá trình đàm phán đã bị đóng băng.
Nhà đàm phán chính của Ukraine David Arakhamia sau đó tiết lộ, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ngăn Kiev ký các thỏa thuận hòa bình với Moscow và yêu cầu Ukraine tiếp tục các hoạt động quân sự chống lại Nga.
Kiev đã nhiều lần khẳng định họ không muốn ngừng bắn nếu không có được các bảo đảm an ninh nhằm ngăn Moscow tái tổ chức lực lượng và phát động một cuộc tấn công khác trong tương lai.
Gần 3 năm sau khi cuộc chiến nổ ra, Moscow vẫn đang tiến công ở miền Đông Ukraine, trong khi lực lượng Kiev đang kiểm soát một phần lãnh thổ thuộc vùng Kursk ở phía Tây Nga.
Quy định của Hiến pháp Ukraine nêu rõ, nhiệm kỳ của Tổng thống Zelensky chấm dứt từ ngày 21/5/2024.
Theo kế hoạch ban đầu, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra tại Ukraine vào ngày 31/3/2024 để chọn ra người kế nhiệm ông Zelensky. Tuy nhiên, ông Zelensky cho biết, Ukraine sẽ không tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào trong giai đoạn thiết quân luật như hiện nay.
Ông Zelensky năm 2022 cũng ký sắc lệnh cấm đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Phía Nga cho rằng, Kiev phải dỡ bỏ sắc lệnh này nếu muốn bắt đầu đàm phán.
(Theo Dân trí)