ASEAN nỗ lực hòa giải xung đột Thái Lan - Campuchia
- Cập nhật: Thứ tư, 9/2/2011 | 8:22:15 AM
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã hối thúc Thái Lan và Campuchia trở lại bàn đàm phán hòa giải, để làm dịu đi các vụ đụng độ ở biên giới của hai nước này.
Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng dọc biên giới hai nước, cho rằng các vụ xung đột đang làm xói mòn niềm tin trong ASEAN, tác động tiêu cực tới triển vọng phục hồi kinh tế, du lịch và đầu tư trong khu vực.
Ông kêu gọi hai bên kiểm soát tình hình xung đột và sớm trở lại bàn thương lượng, đồng thời cho phép ASEAN giúp dàn xếp một hình thức ngừng bắn tạm thời, vì lợi ích của nhân dân hai nước cũng như của ASEAN. Ông đã liên lạc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong và Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya để thảo luận tình hình, đồng thời kêu gọi hai bên bình tĩnh, kiềm chế tối đa.
Còn bà Maria Luiza Riberto Viotti, Đại sứ Brazil tại Liên hợp quốc (Brazil hiện là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc), cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình biên giới Thái Lan-Campuchia, kêu gọi hai bên ngừng bắn và giải quyết căng thẳng thông qua con đường hòa bình. Bà cho biết Hội đồng Bảo an ủng hộ những nỗ lực làm trung gian hòa giải theo sáng kiến của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa - nước Chủ tịch ASEAN năm 2011, đồng thời sẵn sàng tổ chức hội nghị về tình hình biên giới Thái Lan-Campuchia và đánh giá những nỗ lực làm trung gian hòa giải trong khu vực.
Theo tin của Bộ Quốc phòng Campuchia, sáng 8/2, Campuchia đã trao trả cho phía Thái Lan một binh sỹ bị bắt giữ trong vụ đụng độ sáng 5/2 gần ngôi đền tranh chấp Preah Vihear. Việc trao trả diễn ra tại trụ sở Bộ Quốc phòng Campuchia. Đại sứ Thái Lan tại Campuchia Prasas Prasasvinitchai đã tới nhận binh sỹ này.
Nguồn tin quân sự Campuchia cũng cho biết kể từ ngày 4/2, các binh sỹ Thái Lan và Campuchia đã đụng độ 5 lần ở khu vực biên giới tranh chấp, làm hàng chục binh sỹ và dân thường thiệt mạng cũng như bị thương, đồng thời làm hư hại nghiêm trọng ngôi đền cổ Preah Vihear.
Trong khi đó, ông Somsak Suwansucharít, tỉnh trưởng tỉnh Si Sa Ket của Thái Lan, cho biết các vụ đụng độ giữa binh sỹ Thái Lan và Campuchia đã buộc 16.654 người dân sinh sống tại các làng dọc biên giới phải sơ tán.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
Ngày 8-2, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký quyết định cách chức nhiều quan chức Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) do đã để xảy ra vụ đánh bom liều chết hôm 24-1 tại sân bay Domodedovo làm 36 người thiệt mạng và gần 180 người bị thương.
Sau 2 tuần xảy ra biểu tình, bạo loạn nghiêm trọng do hàng trăm ngàn người dân muốn lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, cộng đồng quốc tế đang chăm chú dõi theo điểm nóng Ai Cập.
Thủ lĩnh phiến quân Chechnya Doku Umarov tuyên bố chính hắn ra lệnh thực hiện vụ khủng bố tại sân bay Matxcơva khiến 36 người thiệt mạng.
Những ngày qua, các cuộc biểu tình tiếp tục tạo áp lực buộc Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức. Theo BBC, đỉnh điểm của cuộc biểu tình là ngày 4-2 với hơn 100.000 người tại quảng trường Tahrir đòi Tổng thống Mubarak và toàn bộ nội các của ông từ chức.