Dinh thự của ông Gaddafi trúng tên lửa
- Cập nhật: Thứ ba, 22/3/2011 | 8:09:01 AM
Đêm 20-3 (sáng 21-3, giờ Hà Nội), lực lượng liên quân tiếp tục đêm không kích thứ 2 vào Libya, một trong những đợt không kích của lực lượng liên quân đã bắn trúng vào tòa nhà hành chính nằm trong dinh thự của nhà lãnh đạo Libya Gaddafi.
Dinh thự của ông Gaddafi sau khi trúng tên lửa.
|
Phát ngôn viên của ông Gaddafi cho biết đợt không kích này đã làm thiệt hại nhiều dân thường nhưng phía quân đội Mỹ đã ngay lập tức bác bỏ.
Mỹ sẽ từ bỏ vai trò chỉ huy cuộc chiến?
Ông Moussa Ibrahim, người phát ngôn của Chính phủ Libya cho biết một quả tên lửa Tomahawk đã đánh trúng tòa nhà cách nơi ông Gaddafi thường xuyên dùng để tiếp khách khoảng 50m. Trước khi tên lửa rơi trúng tòa nhà, hàng trăm người ủng hộ ông Gaddafi chạy tới gần đó sau khi có tin đồn máy bay của phương Tây bị bắn rơi. Vì thế, khi đợt không kích san phẳng tòa nhà, dư luận cho rằng đã có hàng trăm dân thường bị thiệt mạng.
Trong khi đó, phát ngôn viên quân đội Libya cho biết lực lượng vũ trang Libya đã ra lệnh tất cả các đơn vị quân đội đảm bảo một lệnh ngừng bắn từ 21 giờ ngày 20-3 giờ địa phương (tức 2 giờ sáng 21-3 giờ Hà Nội).
Trước đó, ngày 18-3 chính quyền Libya đã tuyên bố ngừng bắn sau khi HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết số 1973 về áp đặt một vùng cấm bay tại Libya và kêu gọi ngừng bắn. Tuyên bố trong chuyến thăm Ai Cập, nước láng giềng phía Đông của Libya, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng quân đội Libya giữ đúng cam kết, thực hiện tuyên bố ngừng bắn mới.
Trong khi đó, Mỹ không công nhận lệnh ngừng bắn này vì cho rằng không thực tế. Các quan chức Anh nói rằng sẽ xem xét cam kết của Tripoli về lệnh ngừng bắn trên cơ sở hành động. Tuy nhiên, sau khi lệnh ngừng bắn được tuyên bố, chính quyền của ông Gaddafi đã lên tiếng cáo buộc lực lượng liên quân và phe đối lập đã vi phạm lệnh ngừng bắn do bom và tên lửa vẫn tấn công vào Libya.
Trong một động thái được cho là khá bất ngờ, sau 3 ngày thực hiện chiến dịch không kích vào Libya, Mỹ tuyên bố sẽ sớm từ bỏ vai trò lãnh đạo cuộc chiến lật đổ Tổng thống Gaddafi, để trao nhiệm vụ này cho một quốc gia khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, tuyên bố tiếp tục tham gia các chiến dịch tại Libya nhưng sẽ không đảm nhiệm vai trò dẫn dắt. Ông Gates cho biết thêm, chia tách Libya có thể gây bất ổn.
Miền Đông có truyền thống phản đối Đại tá Gaddafi hơn, trong khi miền Tây và khu vực bao quanh Tripoli vẫn ủng hộ vị lãnh đạo này. Lầu Năm góc cho hay hệ thống phòng không của Libya đã bị suy yếu nghiêm trọng sau các cuộc tấn công của quân đồng minh. Truyền hình Libya đã đưa một số hình ảnh quay cảnh những người ủng hộ ông M.Gaddafi biểu tình tuần hành phản đối việc không kích vào nước này trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em.
Qatar đã quyết định tham gia chiến dịch quân sự tại Libya bằng việc điều động 4 máy bay chiến đấu. Đây là quốc gia Arập đầu tiên tham gia can thiệp quân sự vào Libya. Các đại sứ của 28 nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí về kế hoạch cấm vận vũ khí đối với Libya và dự kiến sẽ thông qua trong cuộc họp diễn ra ngày 22-3. Một quan chức NATO nói rằng NATO sẽ thảo luận thêm khả năng sử dụng máy bay chiến đấu và tàu để ngăn chặn việc tiếp tế vũ khí cho lực lượng quân đội Libya.
Dư luận quốc tế tiếp tục phản đối chiến tranh
Hậu quả cuộc không kích của liên quân tại Al-Wafiah, Libya. |
Cùng ngày, dư luận quốc tế tiếp tục phản đối chiến dịch quân sự của liên quân chống Libya. Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL) Amr Moussa chỉ trích chiến dịch quân sự tại Libya đã vượt ra ngoài mục tiêu áp đặt vùng cấm bay và không đúng với mong muốn của AL là bảo vệ dân thường chứ không phải ném bom vào dân thường. AL sẽ có cuộc họp khẩn cấp thảo luận những diễn biến mới nhất ở Libya. Tại Hội nghị Bộ trưởng Xã hội Liên minh Bolivia dành cho châu Mỹ (ALBA) đang diễn ra tại Bolivia, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã phản đối hành động tấn công quân sự của phương Tây chống Libya. Chính phủ Cuba ra tuyên bố lên án mạnh mẽ sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào mâu thuẫn nội bộ Libya. Cuba cáo buộc các thế lực phương Tây đã âm mưu tạo cớ để xâm lược Libya và khẳng định những thế lực này phải chịu trách nhiệm về những thương vong do họ gây ra đối với dân thường Libya.
Cùng ngày, Phong trào Xã hội vì Hòa bình (MSP) tại Algeria ra tuyên bố kêu gọi phương Tây ngừng ngay việc sử dụng vũ lực chống Libya và cảnh báo tình hình tại Libya hiện nay nghiêm trọng và rất đáng lo ngại. Nga lại một lần nữa kêu gọi liên quân chấm dứt sử dụng vũ lực bừa bãi vì có thể sát hại nhiều dân thường Libya.
Hàng trăm người tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) đã xuống đường biểu tình bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Libya. Phát biểu trước những người biểu tình, ông Paolo Gilardi, Chủ tịch đảng Cánh tả chống chủ nghĩa tư bản, nêu rõ: “Nhân dân các dân tộc trên thế giới có quyền tự quyết vận mệnh của mình. Cuộc tấn công Libya của phương Tây là nhằm vào nguồn dầu mỏ của nước này”.
Tại Nga, các nhóm thanh niên ủng hộ chính phủ Nga đã mở nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến dịch quân sự tại Libya của liên quân tại nhiều đại sứ quán châu Âu, Mỹ tại Mátxcơva.
Trong khi đó, bất chấp việc dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ hành động quân sự nhằm vào Libya, các thông tin từ Anh, Pháp cho thấy phương Tây dự định gia tăng hoạt động tấn công đất nước này. Bộ Quốc phòng Anh thông báo sẽ huy động hai tàu khu trục loại nhỏ HMS Wesminter và HMS Cumberland, triển khai máy bay đến một căn cứ quân sự ở Italia để chuẩn bị tham gia đợt tấn công Libya mang tên “Chiến dịch Ellamy”. Pháp xác nhận đã cử một loạt tàu đến Libya trong đó có ba tàu khu trục nhỏ, một tàu chở nhiên liệu và tàu sân bay Charles de Gaulle với thủy thủ đoàn 2.000 người và 20 máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, nội bộ châu Âu vẫn tiếp tục chia rẽ về vấn đề Libya. Tổng thống CH Cyprus Demetris Christofias tuyên bố phản đối việc sử dụng những căn cứ quân sự Anh tại khu vực Địa Trung Hải để tấn công Libya.
Nhà báo Matthieu Delacharlery (Pháp) đưa ra 3 kịch bản tại Libya
1. Hướng tới lệnh ngừng bắn
Dưới áp lực của lực lượng quốc tế, ông M.Gaddafi cuối cùng đã quyết định thực hiện ngừng bắn. Việc tiêu hủy cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng có thể thuyết phục được các bên mở các cuộc đàm phán. Nếu kết quả M.Gaddafi chấp thuận từ bỏ quyền lực, cộng đồng quốc tế sẽ thực hiện quá trình chuyển đổi chính trị tại Libya. Hội đồng Quốc gia Libya, đại diện cho phe đối lập ở phía Đông nhiều khả năng sẽ nắm quyền lực cao nhất. Đại tá Gaddafi có thể chọn con đường lưu vong và sống tại một số quốc gia ủng hộ ông.
2. Gây công kích nội bộ
Tiếp tục mở các cuộc tấn công gây ra mâu thuẫn trong nội bộ ủng hộ ông Gaddafi. “Nó sẽ phải mất ít nhất vài tuần để gây ra sự sụp đổ của chế độ”, ông Jean-Dominique Merchet, chuyên gia quân sự nhận định. Đối với nhiều chuyên gia, đây là kịch bản khả thi nhất.
3. Các vũng lầy
Mặc dù bị suy yếu, chế độ Libya sau đó có thể dựa vào sự trung thành của 10.000 đến 12.000 người trong các đội bảo vệ đặc biệt và kho vũ khí quân sự gồm: máy bay chiến đấu, xe tăng, tên lửa đất đối không để tiếp tục chiến đấu. Ngay cả khi những thiết bị này dường như phần lớn không hoạt động. Tuy nhiên, sự suy yếu này sẽ khiến các cuộc tấn công của lực lượng liên quân trở nên dễ dàng hơn.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Ngày 21/3, nhiều xe tăng đã được triển khai tại thủ đô Sanaa của Yemen trong bối cảnh có thêm tướng lĩnh cao cấp của quân đội nước này cam kết ủng hộ phe đối lập chống chính phủ của Tổng thống Ali Abdullah Saleh và thủ lĩnh bộ lạc chính tại Yemen Sadiq al-Ahmar cũng yêu sách đòi ông Saleh từ chức.
Cơn mưa sáng 21.3 đã phá vỡ những nỗ lực của đội cứu hộ ở Nhật và khiến các nạn nhân trong trận động đất lo sợ chất phóng xạ sẽ theo nước mưa rò rỉ ra từ nhà máy hạt nhân, theo AFP.
Một phát ngôn viên quân đội Libya ngày 20/3 tuyên bố lực lượng vũ trang nước này đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị ngay lập tức thực hiện một lệnh ngừng bắn mới, giữa lúc liên quân quốc tế bắt đầu đêm thứ hai oanh kích các mục tiêu tại quốc gia Bắc Phi này.
Đêm 20/3, rạng sáng 21/3 (giờ Hà Nội), bầu trời thủ đô Tripoli của Libya sáng rực ánh lửa đạn súng phòng không, đánh dấu đêm thứ hai liên tiếp liên quân quốc tế tiến hành chiến dịch oanh kích quốc gia Bắc Phi này.