Liên quân làm chủ bầu trời Libya
- Cập nhật: Thứ tư, 23/3/2011 | 8:00:38 AM
Liên quân quốc tế chính thức tạo lập vùng cấm bay tại Libya sau khi tuyên bố đã triệt tiêu được hơn 50% năng lực phòng không của nước này.
Xác chiếc F-15 bị rơi của Mỹ
|
Các máy bay tuần tiễu của liên quân sẽ sớm xuất hiện trên toàn vùng trời miền bắc Libya, sẵn sàng bắn hạ bất kỳ máy bay nào của quân chính phủ, tờ The Wall Street Journal dẫn lời tướng Carter Ham, người đứng đầu Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Phi cho hay.
Phát biểu vào hôm 21.3, tướng Ham tuyên bố giai đoạn 1 của chiến dịch Hừng đông Odyssey đã thành công. Theo đó, liên quân đã xúc tiến mở rộng khu vực cấm bay từ Benghazi - thành phố miền đông hiện là thủ đô không chính thức của phe nổi dậy, qua thành phố ven biển Brega, đến thành phố Misrata - phía đông Tripoli, và dần dần sẽ bao bọc luôn Tripoli. Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ vốn quy định vùng cấm bay sẽ kéo dài khoảng 1.000 km, trong đó có cả Tripoli.
Trong lúc chiến dịch không kích Libya của phương Tây được triển khai sang đêm thứ 3 liên tiếp, các chiến đấu cơ Typhoon của Anh đã bắt đầu cất cánh từ căn cứ tại Gioia del Colle, miền nam nước Ý để thực hiện sứ mệnh làm “cảnh sát trên không” tại khu vực cấm bay.
Là chiếc tiêm kích đa nhiệm, Typhoon lần này được triển khai chủ yếu làm chiến đấu cơ, có khả năng triệt tiêu bất cứ máy bay nào tiếp cận khu vực cấm nhờ hệ thống tên lửa không đối không cực mạnh.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Anh David Cameron cũng thông báo các lực lượng của liên quân đã vô hiệu hóa phần lớn hệ thống phòng không của quốc gia Bắc Phi và kéo theo đó là khu vực cấm bay đã chính thức có hiệu lực tại nước này.
Cùng tham gia tuần tiễu bầu trời Libya còn có các máy bay của Bỉ và Tây Ban Nha, sau khi Quốc hội tại Madrid hôm qua đã bật đèn xanh cho phép Tây Ban Nha tham chiến. Theo AP, Tây Ban Nha sẽ đóng góp cho liên quân 4 chiếc F-18, 1 chiếc Boeing 707 tiếp nhiên liệu, 1 tàu ngầm, 1 tàu khu trục và 1 máy bay do thám. Khoảng 500 binh sĩ Tây Ban Nha sẽ tham gia chiến dịch này.
Máy bay F-15 của Mỹ rơi tại Libya Báo Telegraph đưa tin một chiếc chiến đấu cơ F-15 của quân đội Mỹ đã rơi tại Libya, gần Benghazi. Theo thông tin ban đầu, máy bay này đã đâm xuống đất do hỏng hóc kỹ thuật. Những hình ảnh từ hiện trường cho thấy nhiều phần của máy bay vỡ tan và cháy đen. Hai phi công đã thoát và cả hai đã được tìm thấy. Sau đó, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Phi là Vince Crawley xác nhận thông tin trên, đồng thời khẳng định biết máy bay không phải bị bắn rơi. Đây là chiến đấu cơ đầu tiên của liên quân bị rơi từ khi bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya. |
Nếu vùng trời Libya đã tạm thời thuộc quyền quản lý của liên quân, tình hình trên mặt đất vẫn đang trong thế giằng co. Sky News dẫn lời một số nguồn tin địa phương cho hay lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi liên tiếp tấn công phe nổi dậy tại thành phố Misrata.
Còn ở Zintan - gần biên giới với Tunisia, dân thường buộc phải lánh nạn vào hang núi trước những đợt pháo kích dồn dập từ quân chính phủ.
Bên cạnh đó, nỗ lực tiến chiếm thành phố tây nam Ajdabiyah, cách Benghazi khoảng 140 km, của quân nổi dậy cũng bất thành khi các cuộc tấn công của họ liên tục bị quân đội đẩy lùi. Ajdabiyah thuộc về lực lượng của ông Gaddafi sau khi họ chiếm quyền kiểm soát nơi này cách đây vài ngày.
Trong lúc Mỹ đang muốn nhanh chóng rút khỏi vai trò lãnh đạo chiến dịch, chưa có đồng minh nào của Washington tỏ ra có ý định ghé vai đỡ hộ gánh nặng này. Nội bộ NATO bị chia rẽ trầm trọng sau khi các thành viên tranh cãi gay gắt về vai trò sắp tới của khối trong chiến dịch quốc tế tại Libya.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ quan điểm cứng rắn của mình là chống lại việc NATO được trao quyền lãnh đạo, trong khi Ý nói bóng gió rằng sẽ không tiếp tục cho liên quân sử dụng căn cứ không quân trên lãnh thổ nước này để làm bàn đạp cho các đợt oanh kích sắp tới.
Thủ tướng Anh Cameron thì muốn NATO lãnh trách nhiệm trên trong khi Pháp tỏ ý chẳng mặn mà gì với ý kiến này, dù ban đầu chính Anh và Pháp cùng hợp lực đề xuất đưa quân vào Libya. Một trong những lý do, theo Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe, là Liên đoàn Ả Rập không muốn Nato lãnh đạo.
Còn Na Uy tuyên bố sẽ không triển khai 6 phi cơ chiến đấu như đã hứa hẹn trước đó cho đến khi biết được bên nào sẽ cầm trịch cuộc chiến.
Sau 3 ngày dội bom
Tướng Carter Ham của Mỹ cho hay sau 3 ngày oanh kích với khoảng 160 quả Tomahawk, chiến dịch của liên quân đã chặn đứng được những cuộc tấn công kéo dài cả tháng qua của quân chính phủ Libya, ít nhất là cho đến lúc này. Tuy nhiên, ông bác bỏ khả năng hành động của liên quân là nhằm yểm hộ cho lực lượng nổi dậy trên mặt đất. Sau đây là những mục tiêu mà liên quân đã tấn công từ ngày 19.3:
1. Thành phố Zintan: Hiện vẫn thuộc về quân chính phủ. Đây là nơi quân ông Gaddafi triển khai xe tăng pháo kích phe nổi dậy.
2. Thành phố Zuwara: Hiện vẫn của quân Gaddafi dù hứng nhiều tên lửa hành trình Tomahawk.
3. Thủ đô Tripoli: Trong số các mục tiêu của Tomahawk có khu dinh thự của ông Gaddafi và một tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn.
4. Thành phố Misrata: Đang bị quân chính phủ cắt điện nước và nguồn cung thực phẩm. Theo một nguồn tin, 15 người trong đó có dân thường thiệt mạng tại đây.
5. Thành phố Sirte: Đây là quê hương của ông Gaddafi và là nơi có các mục tiêu và trận địa trọng yếu của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo này.
6. Thành phố Brega: Khu vực có nguồn dầu mỏ quan trọng đang thuộc quyền kiểm soát của quân Gaddafi.
7. Thành phố Ajdabiyah: Hiện nằm trong tay quân chính phủ.
8. Khu vực nằm giữa Ajdabiyah và Benghazi, “thủ đô” của phe nổi dậy.
9. Thành phố Sebha ở miền nam.
(Theo TNO)
Các tin khác
Tối 21-3, tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Bộ Khoa học - công nghệ Việt Nam cho biết số liệu hạt nhân phóng xạ môi trường từ Trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho thấy đám mây phóng xạ đang di chuyển và đến ngày hôm 22-3, sẽ chạm đến vùng đông bắc quần đảo Philippines.
Đêm 20-3 (sáng 21-3, giờ Hà Nội), lực lượng liên quân tiếp tục đêm không kích thứ 2 vào Libya, một trong những đợt không kích của lực lượng liên quân đã bắn trúng vào tòa nhà hành chính nằm trong dinh thự của nhà lãnh đạo Libya Gaddafi.
Ngày 21/3, nhiều xe tăng đã được triển khai tại thủ đô Sanaa của Yemen trong bối cảnh có thêm tướng lĩnh cao cấp của quân đội nước này cam kết ủng hộ phe đối lập chống chính phủ của Tổng thống Ali Abdullah Saleh và thủ lĩnh bộ lạc chính tại Yemen Sadiq al-Ahmar cũng yêu sách đòi ông Saleh từ chức.
Cơn mưa sáng 21.3 đã phá vỡ những nỗ lực của đội cứu hộ ở Nhật và khiến các nạn nhân trong trận động đất lo sợ chất phóng xạ sẽ theo nước mưa rò rỉ ra từ nhà máy hạt nhân, theo AFP.