Từ Chernobyl tới Fukushima
- Cập nhật: Thứ ba, 26/4/2011 | 8:03:01 AM
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua nhưng vụ nổ khủng khiếp lúc 1 giờ 23 phút sáng 26-4-1986 tại Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl vẫn còn là một ký ức kinh hoàng với nhiều người dân Ukraine và thế giới.
Khu vực nằm trong vòng bán kính 30km từ Nhà máy Điện Chernobyl vẫn là “vùng đất chết” sau 25 năm ngày xảy ra thảm họa.
|
Thảm họa với tên gọi Chernobyl được coi như một trang đen tối trong lịch sử ngành năng lượng nguyên tử toàn cầu. Nó biến cả một thành phố xinh đẹp thành tên gọi một thảm họa đau thương với hệ quả dai dẳng nhất của loài người.
Không gì có thể chữa chạy được nỗi đau ly hương của hàng chục vạn người đã buộc phải rời bỏ xóm làng thân thuộc cùng những ngôi nhà từng gắn bó nhiều thế hệ. Ảnh hưởng của 190 tấn bụi phóng xạ phát ra từ vụ nổ - gấp 500 lần quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Hirosima (Nhật Bản) hồi Chiến tranh thế giới lần thứ II đã khiến toàn bộ khu vực nằm trong bán kính 30km từ nhà máy, gấp khoảng 3 lần diện tích Thủ đô Hà Nội trở thành vùng đất chết.
Thực tế đau thương này chắc chắn sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ nữa dù nhiều biện pháp khắc phục hậu quả đã được triển khai. Không ai có thể trấn an được hàng triệu người từng sống trong vùng nguy hiểm thôi khắc khoải về một ngày bất hạnh nào đó, bệnh tật sẽ phát tác trên cơ thể họ hoặc thế hệ sau này.
Có người đã tự sát vì tuyệt vọng, nhiều cặp vợ chồng không dám sinh con, lâm vào trầm cảm... Một báo cáo gần đây của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cho rằng, ngoài 56 người bị cướp sinh mạng ngay tại thời điểm xảy ra vụ nổ, khoảng 9.000 người, trong đó có 1.800 trường hợp là trẻ em, cuối cùng sẽ chết vì ung thư.
Tuy nhiên, Tổ chức Hòa bình xanh cho rằng tổng số người chết liên quan đến thảm họa Chernobyl đã lên tới khoảng 200.000 người trong giai đoạn từ năm 1990 đến nay. Đó là chưa tính những nguy hiểm luôn rình rập với hàng trăm công nhân, vẫn hằng ngày thay nhau làm việc gần chiếc "quan tài bê tông", lớp vỏ được xây dựng bao quanh lò phản ứng bị nổ để ngăn 160 tấn chất phóng xạ tiếp tục phát tán ra môi trường.
So với thảm họa tại Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl, mức độ nghiêm trọng của sự cố hạt nhân tại Nhà máy Điện nguyên tử Fukushima số 1 đang diễn ra có thể chưa bằng, nhưng bóng đen của nó đang đè nặng lên Nhật Bản cũng như các nước láng giềng và cả những nơi hạt nhân đang được sử dụng như một nguồn năng lượng thay thế.
Hay nói cách khác, thảm họa Chernobyl và những gì đang xảy ra tại xứ sở Mặt trời mọc đã làm lay chuyển niềm tin của cả thế giới vào sự an toàn của điện hạt nhân - nguồn điện năng khổng lồ mà nhân loại hy vọng rằng nhờ đó loài người chẳng bao giờ còn phải lo lắng về sự thiếu hụt năng lượng.
Rõ ràng, từ Chernobyl đến Fukushima đủ cho thấy dù lò phản ứng hạt nhân có thể được con người xây dựng hiện đại đến đâu thì mọi sự cố vẫn có thể xảy ra và mang đến những hậu quả khôn lường. Vì thế nhiều quốc gia từ châu Âu đến châu Á và cả châu Mỹ đã "chùn bước" và đồng loạt xem xét lại chiến lược phát triển điện hạt nhân.
Tuy nhiên cũng phải chấp nhận một thực tế rằng, dù độ nguy hiểm là không thể phủ nhận, nhưng nhịp sống hiện đại lại không thể thiếu ngành điện hạt nhân vì đây là nguồn năng lượng khó có thể thay thế nếu xét về trung hạn. Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng thế giới (IEA), tới năm 2050, nhu cầu sử dụng điện trên toàn cầu sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện tại. Nhu cầu ghê gớm đó sẽ không thể được đáp ứng đủ bằng các nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời trong khi các nguồn nguyên liệu truyền thống để sản xuất điện như than, dầu và nước đang ngày càng cạn kiệt.
Trong tuần lễ kỷ niệm 25 năm ngày xảy ra thảm họa Chernobyl này, một loạt hội nghị quốc tế đã được tổ chức tại Ukraine nhằm kêu gọi cộng đồng thế giới tư duy lại trên phạm vi toàn cầu về an toàn hạt nhân. Bài học từ Chernobyl và Fukushima cho thấy, các biện pháp an toàn hạt nhân cần phải được coi là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các loại hình năng lượng nguyên tử. Đúng như Phó Thủ tướng Nga Igor Sechin nói: "Thiên tai không thể trở thành trở ngại trên chặng đường tiến bộ. Nhưng trên con đường này phải xuất hiện những quy tắc mới, chặt chẽ hơn cho tất cả".
Các tin khác
Hàng ngàn binh lính Syria với sự hậu thuẫn của những chiếc xe tăng ngày 25/4 đã tấn công thành phố nóng bỏng Daraa khiến ít nhất 24 người thiệt mạng. Chính phủ Syria bị cáo buộc dùng biện pháp quân sự đàn áp người biểu tình.
Văn phòng của Tổng thống Libya Moammar Gadhafi tại thủ đô Tripoli bị phá hủy trong cuộc không kích của liên quân sáng nay (25/4).
Hai vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra tại tỉnh Hồ Nam và Thiểm Tây của Trung Quốc hồi cuối tuần qua, khiến hơn 300 người phải nhập viện.
Một nhóm nhân quyền hôm 24/4 cho biết, ít nhất 500 người đã chết trong cuộc bạo loạn tôn giáo nổ ra sau cuộc bầu cử tổng thống của Nigeria.