Bắt giữ nghi phạm đánh bom thủ đô Oslo
- Cập nhật: Chủ nhật, 24/7/2011 | 8:33:26 AM
Ngày 23-7, sau một ngày điều tra, cảnh sát Na Uy đã bắt giữ Anders Behring Breivik, 32 tuổi, người Na Uy với cáo buộc đã gây ra vụ đánh bom tại tòa nhà chính phủ tại thủ đô Oslo và nổ súng tại đảo Utoeya làm ít nhất 91 chết.
Cảnh sát cứu giúp các nạn nhân.
|
Vụ đánh bom ở trung tâm thủ đô Oslo nhằm vào các cơ quan đầu não của chính phủ và đặc biệt là vụ xả súng trên đảo Utoeya cướp đi sinh mạng gần 100 người có thể được coi là vụ 11-9 của Na Uy. Hai vụ diễn ra cách nhau khoảng hai giờ đồng hồ. Kể từ Thế chiến II đất nước thanh bình ở Bắc Âu này chưa từng hứng chịu bất cứ hành động bạo lực nào tương tự.
Khủng bố mang màu sắc chính trị
Trong quá khứ, các thành viên của phong trào cực hữu Na Uy từng thực hiện một số vụ tấn công nhưng nhìn chung họ chỉ là một cộng đồng nhỏ, theo đánh giá của những chuyên gia theo dõi chủ nghĩa Phát xít mới. Họ cũng cho rằng chủ nghĩa Phát xít mới tại Na Uy đã rơi vào tình trạng hỗn loạn và giải tán do hoạt động yếu ớt so với ở nước láng giềng Thụy Điển.
Cảnh sát Na Uy nhận định vụ tấn công kép không có dấu hiệu liên quan đến các tổ chức khủng bố Hồi giáo quốc tế mà là hành động của “một gã điên rồ”. |
Các vụ tấn công ngày 22-7 được cho là mang màu sắc chính trị vì đều gắn với đảng Lao động cầm quyền ở Na Uy. Các toà nhà bị đánh bom đều thuộc chính phủ của Thủ tướng Jens Stoltenberg, đặc biệt là khu nhà văn phòng của ông. Trong khi vụ xả súng tại trại hè thanh niên do đảng Lao động tổ chức. Thủ tướng Stoltenberg cũng có lịch trình đến thăm đảo Utoeya để gặp gỡ các thanh niên đang tham dự trại hè.
Tuy vậy nếu các vụ khủng bố đẫm máu tại Oslo và Utoeya ngày 22-7 được chứng minh là có màu sắc của chủ nghĩa dân tộc và cực hữu, đây thực sự là một lời cảnh báo đắt giá cho cả châu Âu.
Trước khi cảnh sát bắt giữ Breivik , ngày 23-7, một nhóm tự xưng là “Thánh chiến Hồi giáo toàn cầu” lên tiếng nhận trách nhiệm vụ khủng bố Na Uy. Đây chính là tổ chức mà kẻ đánh bom Stockholm, Thụy Điển, năm ngoái từng có mối liên hệ. Thông điệp của nhóm cho hay chúng đánh bom là để trả thù việc Na Uy đưa quân đến Afghanistan và xúc phạm đấng tiên tri.
Kẻ gây tội ác
Anders Behring Breivik được phát hiện đã lảng vảng ở Oslo ngay trước khi vụ đánh bom xảy ra. Sau đó anh ta lại giả danh cảnh sát tới đảo Utoeya nói rằng đang điều tra manh mối về các vụ nổ để xả súng. Từ nghi vấn ban đầu, cảnh sát đã cáo buộc một mình Breivik thực hiện cả vụ đánh bom trung tâm Oslo khiến 7 người chết lẫn vụ bắn giết làm 84 người thiệt mạng tại trại hè thanh niên Utoeya. Cảnh sát Na Uy nhận định vụ tấn công kép không có dấu hiệu liên quan đến các tổ chức khủng bố Hồi giáo quốc tế mà là hành động của “một gã điên rồ”. Anders Behring Breivik từng theo học tại Trường Kinh doanh Oslo và làm việc cho công ty riêng Breivik Geofarm trong lĩnh vực nông nghiệp. Kênh truyền hình TV2 của Na Uy cho biết công ty này được lập ra để trồng rau, củ, quả, do đó có thể đây là cách để thủ phạm tiếp cận nhiều với các loại phân bón, một thành phần thường được sử dụng trong bom tự chế. Trên trang Twitter cá nhân, vài ngày trước khi thực hiện vụ tấn công khủng bố, Breivik chỉ viết một lần duy nhất là phần trích dẫn lời của triết gia John Stuart Mill: “Một người có đức tin tương đương với sức mạnh của 100.000 người chỉ có các mối quan tâm”. Breivik được cho rằng đã lớn lên tại Oslo. Sau này, hắn tỏ ra không thích sống ở thành phố và đã thành lập một công ty ở nông thôn. Ngoài ta, hắn vẫn sở hữu một căn hộ ở Oslo. Breivik chưa từng tham gia quân đội trừ một vài hoạt động nghĩa vụ bình thường và không có tiền án. Người ta cho rằng hắn là cựu thành viên của Fremskrittspartiet, đảng thanh niên đối lập với đảng Lao động. Hắn rất thích bày tỏ quan điểm chống Hồi giáo của mình trên các diễn đàn và chỉ trích các chính sách nhập cư. Hắn đã từng tranh luận trên một tờ báo điện tử của Thụy Điển rằng báo chí chưa đủ tính phê phán về Hồi giáo và cho rằng đảng Tự do Geert Wilders ở Hà Lan là đảng bảo thủ đích thực duy nhất. Hắn cũng hay tranh luận rằng chủ nghĩa xã hội đã phá bỏ những cái truyền thống, văn hóa và bản sắc dân tộc và các cấu trúc xã hội khác, làm cho xã hội suy yếu và đảo lộn. Hắn ngưỡng mộ người anh hùng Na Uy trong thế chiến thứ 2 là Max Manus, người thủy thủ lão luyện đã làm chìm tàu của quân phát xít. |
(Theo TPO)
Các tin khác
Tại khu vực Abbasiya ở thủ đô Cairo ngày 23/7 đã nổ ra các cuộc đụng độ đẫm máu giữa những người biểu tình với dân thường và quân cảnh, làm ít nhất 231 người bị thương.
Một vụ nổ lớn tại trụ sở chính phủ Na Uy ở Oslo chiều 22/7 khiến 7 người chết và gây hư hại nặng cho văn phòng thủ tướng. Ngay sau đó là vụ xả súng tại trại thanh niên của đảng Lao động cầm quyền, làm 10 người thiệt mạng.
Bà Maya Grishina – một thành viên của Ủy ban Bầu cử Trung ương, hôm qua (21/7) đã thông báo, Nga sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 4/3/2012. Đây là cuộc bầu cử được dự đoán là rất hấp dẫn và kịch tính.